Ông Nguyễn Đình Hương: Đưa vấn đề từ chức thành tấm gương của cán bộ
VOV.VN - Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho rằng, nên đưa vấn đề từ chức trở thành tấm gương của cán bộ. Nếu ai xung phong từ chức thì đó là một tấm gương.
“Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chủ động từ chức khi không đủ điều kiện, uy tín hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là một trong những điểm nổi bật của dự thảo Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8.
Về nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương. (Ảnh: Bình Minh) |
Ông Nguyễn Đình Hương: Khi về Ban Tổ chức Trung ương, tôi thấy trường hợp ông Trường Chinh xin thôi làm Tổng Bí thư, sau đó ông Lê Duẩn thay thế.
Sau đổi mới, có trường hợp ông Lê Huy Ngọ. Nhà ông ở cạnh nhà tôi. Sau khi xảy ra vụ Lã Thị Kim Oanh, ông Ngọ khi đó sang hỏi ý kiến tôi “nên thế nào”, tôi nói: “Tốt nhất là xin từ chức, đừng để Quốc hội bãi miễn và buộc phải cách chức anh thì rất phiền và như thế là không danh dự”. Sau đó ông Ngọ đã xin từ chức.
Dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương nói rất đúng và tôi rất hoan nghênh ý kiến đó. Từ chức là việc cần phải nêu gương, đáng hoan nghênh.
PV: Điểm qua những vụ việc trên cho thấy việc cán bộ từ chức cũng rất hiếm. Theo ông, vì sao chuyện cán bộ nói lời từ chức ít xảy ra ở nước ta?
Ông Nguyễn Đình Hương: Công tác cán bộ của chúng ta còn yếu kém. Đất nước thất thoát hàng nghìn nghìn tỷ nhưng không ai chịu trách nhiệm như các vụ án ở ngân hàng, dầu khí, vụ Vinashin, Vinalines... Người này đổ lỗi cho người khác, trong khi thành tích thì nhận về mình.
Ngay cả Trịnh Xuân Thanh lọt qua 5 “cửa ải”, tôi theo dõi thấy bắt đầu từ sai lầm của ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và nhiều cơ quan khác nữa vậy thì trách nhiệm thuộc về ai và không thấy ai nói từ chức.
Văn hóa từ chức đã nói nhiều nhưng vẫn ở dạng “chơi chữ”
PV: Sự nêu gương sau Hội nghị Trung ương 8 theo ông sẽ tác động như thế nào? Liệu có thay đổi tâm lý này hay không?
Ông Nguyễn Đình Hương: Tôi cho rằng đây là quyết định của Trung ương, còn việc thực hiện nó có thể gặp khó khăn. Vì sao người ta không muốn từ chức? Đứng về mặt tâm lý có các loại đáng từ chức và không từ chức đó là: không hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao, xảy ra bê bối công việc, thất thoát tài sản Nhà nước; bản thân đồng chí đó vi phạm về đất đai, dự án, có dính đến tham nhũng; kể cả cán bộ cấp cao nghỉ nhiều quá, từ nay đến Đại hội XIII không làm được nữa nhưng cũng không thấy từ chức.
Vì sao như vậy? Vì người Việt Nam có tâm lý “phù thịnh không phù suy”, có nghĩa khi còn đương chức thì tôi hầu hạ, tâng bốc anh, còn khi anh về hưu thì tôi không đến nữa. Hay như dân gian có câu: “Bần cư tại thị vô nhân vấn/Phú quý sơn lâm hữu khách tầm”, tức là khi còn đương chức ai cũng tìm đến anh, dù anh trên núi họ cũng tìm đến; còn khi anh nghỉ hưu, dù khó khăn thì cũng không có ai tìm tới.
Để thực hiện được Quy định về trách nhiệm nêu gương, thứ nhất, cấp trên phải gương mẫu, trên không gương mẫu từ chức mà bảo dưới từ chức làm sao được. Thứ hai, phải có cơ chế giám sát, nếu cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, mắc sai lầm thì khuyên họ nên từ chức. Thứ 3 là giải tỏa tâm lý của toàn dân là “cả họ làm quan thì cả họ được nhờ”.
Theo tôi, nên đưa vấn đề từ chức trở thành tấm gương của cán bộ. Nếu ai xung phong từ chức thì đó là một tấm gương.
PV: Để thực hiện hiệu quả việc này, ông có cho rằng cần phải có quy định và luật hóa cụ thể?
Ông Nguyễn Đình Hương: Vấn đề luật hóa hay quy định, chỉ thị thì không có gì hơn Nghị quyết của Trung ương và quan trọng nhất là tổ chức thực hiện như thế nào. Dù có ra luật, quy định hay cơ chế gì đi nữa mà không gương mẫu từ trên thì sẽ không giải quyết được vấn đề.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Nâng cao trách nhiệm nêu gương trong Đảng