Ông Ninh Cao Phu: Người đàn ông đất Bắc, chống tiêu cực ở trời Nam

VOV.VN - Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao người đàn ông sinh ra nơi đất Bắc lại bám trụ vùng đất cuối trời Nam – Cà Mau để lo chuyện bao đồng?

Ông Ninh Cao Phu từng được tặng huân chương kháng chiến hạng III trong tham gia cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Về với thời bình, người đàn ông sinh ra tại mảnh đất Ninh Bình vào công tác tại một nông trường quốc doanh ở vùng đất cực Nam Tổ quốc – Cà Mau. Với lý tưởng của người lính trong thời bình thì “chống giặc nội xâm” là điều ông luôn canh cánh bên lòng. Và cũng vì tranh đấu chống tiêu cực trong cơ quan mà ông bị buộc nghỉ việc, gia đình phân ly. Biến cố lớn xảy đến ngỡ như quật ngã con người kiên trung ấy.

Nhưng mấy mươi năm qua, ông không chỉ đấu tranh giành lại sự thanh sạch cho mình mà còn làm 1 công việc đầy cam go là tiếp tục con đường đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Người dân gặp khó về thủ tục pháp lý ông hướng dẫn, giúp đỡ. Cơ quan chức năng, cán bộ làm sai ông chỉ ra để sửa đổi, có những vụ việc ông đứng ra tố cáo để công lý được thực thi. Đã có những vụ việc ông tố cáo đúng, cán bộ bị kỷ luật, ngân sách tránh thất thoát hàng tỷ đồng. Con đường ông đi đơn độc nhưng lạ thay việc làm của ông không chỉ được người dân thương mến mà ngay cả cán bộ ở địa phương cũng vị nể.

Hình ảnh người đàn ông đã 73 tuổi, dáng người hom hem nhưng ngày qua ngày đạp xe lên huyện hoặc ngồi xe bus về tỉnh nói lý với cơ quan chức năng đã quen thuộc với người dân nơi đây. Trong dòng người tấp nập ngược xuôi ở thị trấn biển sầm uất bậc nhất vùng ĐBSCL, dáng vẻ ông bình thường như bao người nhưng việc ông đi làm rất khác thường. Trong chiếc cặp ông mang theo bên mình nếu không đựng những đơn thư cầu cứu, khiếu nại để bảo vệ quyền lợi cho ai đó thì là đơn tố cáo sai phạm ở đâu đó.

Tháng 9/2019, gia đình bà Nguyễn Thị Lan (ở Khóm 7, thị trấn Sông Đốc) cất công trình tạm trên đất nông nghiệp để làm nơi trữ hàng hóa. Khi chính quyền địa phương mời lên làm việc yêu cầu tháo dỡ, gia đình bà Lan đồng ý. Điều đáng nói là cùng thời gian trên, ông Lâm Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc lại cho lực lượng cưỡng chế tháo dỡ công trình khi chưa lập biên bản vi phạm, cũng chưa xử phạt hành chính. Bức xúc, gia đình bà Lan tìm đến ông Ninh Cao Phu để nhờ làm đơn khiếu nại. Sau khi nghiên cứu quy định, ông khẳng định “người dân sai trước, chính quyền sai sau” cần hòa giải để hài hòa. Tuy nhiên, cán bộ thị trấn Sông Đốc vẫn cho rằng mình đã làm đúng nên ông Phu được gia đình bà Lan ủy quyền khởi kiện ra tòa. Sau đó, UBND thị trấn Sông Đốc mới cử cán bộ đến hòa giải, gia đình bà Lan không chấp nhận vì sự cố chấp của ông Phó Chủ tịch thị trấn trước đó. Bằng những lý lẽ rất đời thường, ông Ninh Cao Phu đã phân tích thiệt hơn để gia đình bà Lan rút đơn. Sau đó, mối quan hệ giữa người dân và chính quyền địa phương lại gần nhau hơn.

Bà Nguyễn Thị Lan chia sẻ: "Tôi nhờ ông làm hộ đơn. Ông nói không khó khăn gì nhưng khuyên tôi thông cảm. Ông nói, tình thương mến thương, dù gì cũng ở địa phương với nhau, đừng làm khó".

Nhận xét về ông Ninh Cao Phu, ông Nguyễn Đa Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc cho biết: "Chú đóng vai trò là công dân ở địa phương để hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác quản lý ở địa bàn. Đặc biệt là lĩnh vực đất đai. Chính quyền địa phương ghi nhận những ý kiến góp ý. Trong công tác quản lý nhà nước từ trước đến giờ có một chú lớn tuổi, am hiểu địa bàn góp ý để thực hiện công tác quản lý thì rất là hay. Còn về các vụ việc khiếu kiện thì chú cũng trên tinh thần là làm sao hỗ trợ cơ quan nhà nước thực hiện đúng quy định pháp luật".

Năm 2012, ông Lê Thanh Tiền - một doanh nhân ở huyện Trần Văn Thời được cho thuê hơn 7.500 m2 đất ở khóm 7, thị trấn Sông Đốc để mở trại tôm giống. Tuy nhiên, người này đã tiến hành phân lô, xẻ nền cho thuê lại không đúng mục đích. Ông Ninh Cao Phu phát hiện việc doanh nghiệp và cán bộ câu kết phân chia đất công nên đã làm đơn tố cáo. Năm 2016, Thanh tra huyện Trần Văn Thời vào cuộc kết luận, có nhiều cán bộ thuê đất rồi bán lại trục lợi. Cả Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc đều bị kỷ luật.

Sau đó, UBND huyện Trần Văn Thời quyết định thu hồi lại phần đất đã cho thuê. 35 hộ dân mua đất, cất nhà ở đây đứng ngồi không yên. Khi có quyết định cưỡng chế, bà con định kéo lên huyện, lên tỉnh đòi lẽ công bằng. Ông Ninh Cao Phu đã can ngăn, không để người dân đi khiếu nại kích động, không đúng quy định. Ông chỉ ra để người dân hiểu họ bị “liên minh lợi ích nhóm” lừa và cơ quan chức năng cưỡng chế đất là có cơ sở pháp lý. Rồi người đàn ông chuyên lo chuyện bao đồng đã giúp người dân gửi đơn cầu cứu đến UBND tỉnh Cà Mau xem xét lại việc cưỡng chế. UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định dừng cưỡng chế để có một chủ trương “thấu tình đạt lý” hơn.

Ông Ninh Cao Phu là người chuyên đi làm những việc “hàng tổng” như vậy. Ông làm không màng lợi ích, làm trên tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo vệ bằng được lẽ phải. Bà Nguyễn Thu Nhung, người dân có nhà trong khu đất vừa nêu rưng rưng bày tỏ: "Mấy cái đơn cầu cứu đều nhờ ông làm hộ. Cái nào sai, ông khuyên đừng làm nữa, chứ không xúi làm bậy. Ai nhờ gì là ông tới luôn, vẫn đạp xe, không phiền ai phải đưa đón". 

Tiếp xúc với người đàn ông có vầng trán cao, ánh mắt sáng cương nghị cùng giọng nói hào sảng, khiến người đối diện cảm nhận được sự gần gũi, đáng tin cậy. Người dân địa phương còn gọi ông lão không qua trường lớp nhưng rất am hiểu pháp luật là “luật gia chân đất”. Tính cách con người ông được bạn bè đúc kết bằng từ ngay thẳng. Chính vì thẳng thắn, ghét thói tư lợi, lại dám đương đầu chống tiêu cực mà có một thời gian dài ông chịu oan khuất.

Giai đoạn ấy, ông không khỏi ngậm ngùi khi kể lại. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông Phu về quê (xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) công tác ở Trạm Y tế. Năm 1978, ông được đưa vào vùng kinh tế mới, làm y sĩ tại Nông trường Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Năm 1982, khi Đoàn Thanh tra tỉnh Cà Mau về kiểm tra sai phạm thu chi ngân sách tại Nông trường, con người ngay thẳng đó đã hỗ trợ đoàn thanh tra làm sáng tỏ mọi việc. Kết quả, 15 cán bộ, Đảng viên của nông trường bị xử lý kỷ luật. Sau đó, ông được đưa đi học Đại học Y dược. Trên những chuyến xe đi học, ông phát hiện Nông trường dùng xe công chở tôm buôn lậu. Người đàn ông đã từng cháy hết mình vì lý tưởng cách mạng, thấm nhuần tư tưởng “chí công vô tư” Bác Hồ dạy không hùa theo mà góp ý để lãnh đạo chấm dứt thực trạng này. Tuy nhiên, chính điều đó đã đẩy ông vào một cuộc đấu tranh dai dẳng để chứng minh sự thanh sạch cho mình.

Năm 1987, ông bị chính ông Trần Tắc Trí, Giám đốc Nông trường tố cáo kết bè phái, vu khống cán bộ cơ quan. Ông Phu bị kỷ luật, con đường học dở dang. Người đàn ông không sợ bom rơi lửa đạn tại chiến trường, vinh dự được nhận Huân chương Kháng chiến hạng III thì đâu thể để tiếng xấu cho bộ đội cụ Hồ. Ông quay về quyết tâm đấu tranh bảo vệ sự trong sạch của mình. Ông Phu đã đưa đơn đi khiếu nại nhiều nơi để được minh oan. Thời gian ông ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà chỉ mong có ngày lấy lại danh dự cho bản thân. Nhưng nỗi oan chưa được giải, niềm đau của ông lại nhân lên bội lần khi vợ ông dẫn con cái bỏ theo người khác. Biến cố chồng chất lên cuộc đời nhưng thật may trong cuộc chiến đòi lẽ phải ông không đơn độc. Nhiều cơ quan báo chí vào cuộc bênh vực con người dám đấu tranh chống tiêu cực. Năm 2000, Cố Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo UBND tỉnh Cà Mau phải giải quyết dứt điểm vụ việc trên. “Án chịu kỷ luật oan” sau nhiều năm đã được làm sáng tỏ, ông Ninh Cao Phu nhận số tiền 18 triệu đồng cho hơn 20 năm công tác và về làm thường dân.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao người đàn ông sinh ra nơi đất Bắc lại bám trụ vùng đất cuối trời Nam – Cà Mau để lo chuyện bao đồng. Động lực từ đâu để ông một mình đương đầu với những trở ngại trong việc khiếu nại, tố cáo? Ông Ninh Cao Phu luôn trả lời bằng một câu chắc nịch: “không chống giặc nội xâm không xứng danh bộ đội cụ Hồ, lính của Đại tướng Giáp”:

"Mục đích duy nhất là bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ tài sản nhà nước, bảo vệ pháp luật và phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, chống giặc nội xâm. Tức là, Tướng Giáp - vị Tổng tư lệnh của tôi, thực hiện lời dạy của Bác là làm cách mạng phải “dĩ công vi thượng”. Ông Giáp là tấm gương thực hiện lời dạy của Bác, tôi là lính của ông Giáp, tôi học ông thực hiện lời dạy của Bác", ông Phu nói.

Với lý tưởng đó, ông “Luật gia chân đất” tiếp tục tục gắn bó đời mình ở mảnh đất Sông Đốc, lấy việc hỗ trợ pháp lý cho người dân làm vui, lấy việc “chống giặc nội xâm” làm lẽ sống. Trong mấy mươi năm đi khiếu nại, tố cáo ông đã giúp được rất nhiều người, làm rõ nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng. Vụ việc người đàn ông tâm đắc nhất chính là hỗ trợ Thanh tra tỉnh Cà Mau làm rõ vụ bồi thường đất sai quy định tại Nông trường Sông Đốc, tránh thiệt hại cho nhà nước hơn 2 tỷ đồng.

Sau khi nông trường Sông Đốc giải thể, đất được giao về cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, có hơn 40 ha không hiểu vì sao được giao cho một số cá nhân sử dụng mà không có phương án giao đất hay cho thuê. Năm 2012, khu đất này được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 để xây dựng một số trụ sở cơ quan hành chính. Tuy nhiên, năm 2014, có 6 hộ dân ở đây vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 2018, khi tiến hành giải tỏa hơn 3,2 ha của ông Đinh Văn Toản, là một trong những hộ được ưu ái cấp đất, cơ quan chức năng còn lập phương án bồi thường đất hơn 2,1 tỷ đồng. Là người nắm rõ nguồn gốc đất của Nông trường, lại rất am hiểu pháp luật ông Phu xác định, khi địa phương thực hiện giao đất cho ông Toản đã không lập phương án giao hoặc cho thuê đất. Thực trạng này làm thất thoát ngân sách đã đành, đến khi thu hồi lại phải bồi thường cho ông Toản là sai. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nội dung ông Ninh Cao Phu tố cáo. Trong những lần làm việc với Thanh tra, ông đã chỉ rõ từng quy định cụ thể để giúp cơ quan chức năng đánh giá khách quan vấn đề.

Ông Lê Quang Chiến, Nguyên Bí thư chi bộ Nông trường Sông Đốc từ năm 1988-1993 chia sẻ về việc ông Ninh Cao Phu đấu tranh để bảo vệ phần đất nông trường: "Đất nông trường được giao về tỉnh, tỉnh giao cho huyện. Cái này không biết cấp làm sao chứ đất đó thì đúng trước đây do Nông trường quản lý. Số hộ dân trên phần đất đó toàn là đất đã mãn hợp đồng rồi, làm lại hợp đồng kiểu khác rồi nhận đất với nhau rồi, bồi thường với nhau. Ông Phu ông thưa là thưa chỗ 40 ha đó. Làm kiểu đó xem xét áp vào quy định quản lý đất đai thì bồi thường đó là không đúng.

Ngày 18/1/2019, UBND tỉnh Cà Mau có thông báo giải quyết đơn tố cáo thể hiện, đa số nội dung ông Phu tố cáo đúng. Từ việc cho thuê đất, giao đất không đúng đến việc xác định nguồn gốc đất sai đã dẫn đến bồi thường sai hơn 2,1 tỷ đồng. Ông Hồ Song Toàn, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Trần Văn Thời và ông Trần Minh Cảnh, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc khi đó chịu trách nhiệm cho những sai phạm và bị kỷ luật khiển trách. Số tiền bồi thường sai được chỉ đạo thu nộp về ngân sách.

Khi hỏi về ông Phu có người sẽ cười nhạt, bảo: ông ấy thật là vác tù và hàng tổng, bao nhiêu năm qua gom góp lại được gì?  Đã bao đêm những cơn mưa dầm lạnh lẽo nơi miền biển Tây Cà Mau làm ông mất ngủ. Trong góc giường ở đậu nhà người khác ông trằn trọc ngẫm về cuộc đời. Trong lòng con người làm được rất nhiều việc cho người, cho đời luôn có 1 khoảng trống của người làm cha: “những đứa con của mình bây giờ ra sao...”.  Không ai có thể thấu hiểu và lấp được khoảng trống đó, nó chỉ được che bớt lại khi cả 4 người con của ông đều đã thành đạt. Trong khoảng nặng cuộc đời, niềm an ủi của “ông luật gia chân đất” chính là tình cảm của người dân miền biển Sông Đốc dành cho mình. Chiếc xe đạp của ông hư có người sửa giùm, chiếc xe bị mất có người mang đến cho để ông tiếp tục lý tưởng đời mình. Đó cũng là hạnh phúc của ông Ninh Cao Phu.

Mỗi vụ chống tiêu cực thành công hoặc là giúp người dân giành được quyền và lợi ích chính đáng, ông cảm thấy rất hạnh phúc.

Đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng chưa bao giờ là dễ dàng. Thế nhưng ông Ninh Cao Phu đã làm mấy mươi năm qua. Những việc ông làm không chỉ đi vào lòng người dân địa phương mà còn được chính quyền vị nể. Hành trình “ông luật gia chân đất” đã đi mấy ai dám đảm nhận, nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”? Ông không chỉ là tấm gương sáng về người bộ đội cụ Hồ nêu cao tinh thần chống tham nhũng lãng phí là bảo vệ Tổ quốc. Mà ở con người ông còn sáng lên giá trị nhân văn của một nhân cách đẹp khi cuộc đời có quật ngã bao nhiêu lần ông vẫn đứng dậy, kiên định với lý tưởng, với niềm tin vào sự soi đường dẫn lối của Đảng vinh quang./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khuyến khích tham dự Giải báo chí toàn quốc đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Khuyến khích tham dự Giải báo chí toàn quốc đấu tranh phòng, chống tham nhũng

VOV.VN - Tính tới thời điểm hiện tại, số lượng tác phẩm tham dự khá khiêm tốn là một trong những vướng mắc lớn nhất mà Ban tổ chức giải gặp phải.

Khuyến khích tham dự Giải báo chí toàn quốc đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Khuyến khích tham dự Giải báo chí toàn quốc đấu tranh phòng, chống tham nhũng

VOV.VN - Tính tới thời điểm hiện tại, số lượng tác phẩm tham dự khá khiêm tốn là một trong những vướng mắc lớn nhất mà Ban tổ chức giải gặp phải.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Có cơ chế để bảo vệ những người tố cáo, chống tham nhũng
Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Có cơ chế để bảo vệ những người tố cáo, chống tham nhũng

VOV.VN - Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc: Tham nhũng là một trong những sản phẩm của tha hóa quyền lực. Có cơ chế để bảo vệ những người tố cáo, chống tham nhũng; đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ".

Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Có cơ chế để bảo vệ những người tố cáo, chống tham nhũng

Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Có cơ chế để bảo vệ những người tố cáo, chống tham nhũng

VOV.VN - Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc: Tham nhũng là một trong những sản phẩm của tha hóa quyền lực. Có cơ chế để bảo vệ những người tố cáo, chống tham nhũng; đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Chống tham nhũng vẫn diễn ra bình thường, không có "chợ chiều"
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Chống tham nhũng vẫn diễn ra bình thường, không có "chợ chiều"

VOV.VN - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Ban Chỉ đạo thống nhất rất cao là quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, làm liên tục, bền bỉ, không ngừng không nghỉ, không có “chợ chiều”, không có ngại ngần khó khăn, càng khó càng phải quyết tâm cao".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Chống tham nhũng vẫn diễn ra bình thường, không có "chợ chiều"

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Chống tham nhũng vẫn diễn ra bình thường, không có "chợ chiều"

VOV.VN - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Ban Chỉ đạo thống nhất rất cao là quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, làm liên tục, bền bỉ, không ngừng không nghỉ, không có “chợ chiều”, không có ngại ngần khó khăn, càng khó càng phải quyết tâm cao".