Ông Tô Lâm: "Thực hiện nghiêm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ"
VOV.VN - Phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, ông Tô Lâm nhấn mạnh tiếp tục tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Sáng 25/9, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an- Đại tướng Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Cụ thể, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành và hoàn thành vượt mức 19/26 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX. Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được cấp ủy, UBKT các cấp thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm; trong nhiệm kỳ đã thi hành kỷ luật 33 tổ chức đảng và 1.643 đảng viên; kiểm tra 73 tổ chức đảng và 265 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ được thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Toàn tỉnh đã giải thể, sáp nhập được 211 cơ quan, đơn vị, đầu mối.
Đồng tình với nội dung các Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh thêm một số nội dung, trong đó có tiếp tục tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới
4 vấn đề cần được chú trọng là: Xây dựng Đảng trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đặc biệt là lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu, ý thức, trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt; thực hiện nghiêm các nguyên tắc, cơ chế, quy định của Trung ương và Tỉnh ủy, thực hành dân chủ gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
"Thực hiện nghiêm túc Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức cán bộ của Đảng bộ và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…" - ông Tô Lâm nói, dồng thời lưu ý nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Nhấn mạnh Bắc Ninh là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô, là cầu nối giữa Hà Nội với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, nằm trên trục đường giao lưu chính với Trung Quốc, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị tỉnh cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển.
Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030 cần phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp liên kết, kết nối nội vùng và với các địa phương khác. Xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững trên 3 trụ cột cơ bản: Phát triển về kinh tế; Tiến bộ về xã hội; Đảm bảo về môi trường. Quan tâm đến công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và phát triển đô thị. Lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021- 2025 phải đảm bảo sự phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tỉnh tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao và chuyển đổi số, thích ứng khai thác cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tiếp tục thu hút mạnh đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp của tỉnh, tập trung ưu tiên, lựa chọn vào một số ngành công nghiệp mũi nhọn: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, sản xuất phần mềm, sản phẩm số…
Cùng với đó phải xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững tạo sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa đô thị và nông thôn. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn để xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, quan tâm xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làng nghề.../.