Ông Võ Văn Thưởng: “Xã hội còn nhiều điều tốt đẹp cần được nhân rộng”
VOV.VN - “Cuộc sống còn nhiều điều phải đối mặt. Mỗi người phải nỗ lực đẩy lùi cái xấu, luôn luôn trân trọng và nhân rộng cái đẹp”.
Lời phát biểu trên được ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra tại Hội nghị giao ban cụm về công tác Tuyên giáo 6 tháng đầu năm 2019 với Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên diễn ra ngày 27/6 tại tỉnh Quảng Nam.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị. |
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nêu rõ thực tế thời gian vừa qua, không ít cơ quan, đơn vị phản ánh vì sao báo chí ít nêu những mặt tích cực, mặt làm được mà tập trung vào những mặt không làm được.
Ông Võ Văn Thưởng cho rằng, điều quan trọng là những mặt không làm được mà báo chí nêu đúng thì phải nhìn vào đó để rút kinh nghiệm làm tốt hơn: “Không chỉ đơn giản là ngồi đó than thân trách phận là mình làm được nhiều việc báo chí không đưa mà cứ một vài việc không làm được là đưa ngay. Phải ý thức được việc không chê mình đã là tốt lắm rồi đừng nói chi khen. Dĩ nhiên về bình diện chung không thể chấp nhận tỷ lệ tiêu cực lấn át tỷ lệ tích cực được”.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng: “Bản chất của cuộc sống này là còn có những điều rất là tốt đẹp. Cán bộ đảng viên, nhiều đồng chí đôi khi cứ thích đọc những tin giật gân, câu khách rồi lại đi phê bình báo chí câu like, câu view nhưng chính chúng ta “đẻ” ra xu hướng câu like, câu view của báo chí, của mạng xã hội”.
Báo cáo tại Hội nghị giao ban cụm về công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm nay, Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Trung- Tây Nguyên đề cập những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, định hướng báo chí, công tác lý luận chính trị, việc triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, công tác nắm bắt, phản ánh tình hình tư tưởng, dư luận xã hội…
Ông Võ Văn Thưởng đề nghị: “Để thực hiện phương châm “đi trước mở đường, đi cùng” thì những người làm công tác Tuyên giáo không chỉ ở ngay trung tâm của thời cuộc, trung tâm của những “va đập” trong đời sống xã hội, phải cảm nhận và đánh giá được tâm trạng và dư luận xã hội, nhận thức, dự báo được những vấn đề nảy sinh trong tương lai. Trên cơ sở đó mới tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo; đề ra giải pháp để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ngành Tuyên giáo theo yêu cầu đã đặt ra./.