Ông Vũ Mão: 'Người liêm khiết cũng dễ lung lay khi cái xấu tràn lan'
VOV.VN - Những người sống liêm khiết, đúng đắn không được biểu dương, những người tham ô, tham nhũng không bị phê phán, kiểm điểm. Cuối cùng “hòa cả làng”.
Nói về việc học chữ “Liêm” trong 5 chữ: “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên phải có sự rèn luyện, không để buông lỏng bản thân, chạy theo tham vọng cá nhân. Đồng thời để giúp cho cán bộ viên chức giữ được chữ “Liêm” thì cơ chế, chính sách pháp luật để phòng chống tham nhũng rất quan trọng.
Ông Vũ Mão: Hiểu một cách mộc mạc, mạch lạc, rõ ràng, chữ “Liêm” Bác Hồ dạy ở đây là liêm khiết, liêm chính, trong sáng. Mỗi con người ai cũng cần phải có chữ “Liêm”. Làm cán bộ, có chức có quyền càng cần phải trong sáng, mẫu mực, không tham lam.
PV: Ông có suy nghĩ gì về lớp cán bộ, quan chức hiện nay theo tiêu chuẩn chữ “Liêm” trong lời dạy của Bác?
Ông Vũ Mão: Bản chất của chữ “Liêm” ở thời nào cũng vậy. Từ xưa, những vị quan thanh liêm luôn được người dân kính trọng. Một lẽ thông thường, có Nhà nước là có quyền lực, là có tham nhũng, có thể hiểu tham nhũng là một thuộc tính của Nhà nước. Ông cha ta vẫn nói lòng tham con người là vô đáy, mà quan chức cũng là con người. Để ngăn chặn, xử lý cần phải có pháp luật.
Không thể phủ nhận những thành quả của cơ chế thị trường mang lại sự thay đổi trong cuộc sống của mỗi người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chúng ta còn thiếu kinh nghiệm, thiếu tầm nhìn nên đã không chủ động phát huy vai trò tích cực của quản lý của Nhà nước để xử lý những mặt trái của cơ chế thị trường. Vì vậy, bên cạnh sự phát triển về kinh tế và đời sống thì đạo đức của con người chưa ổn, còn rất nhiều vấn đề cần phải xử lý, giải quyết.
Vấn đề cốt lõi mang tính sống còn của một dân tộc là yếu tố văn hóa. Người sống có văn hóa, sống thanh bạch, đàng hoàng, không tham ô tham nhũng rất đáng trân trọng. Bên cạnh đó, cũng có không ít người sử dụng các thủ đoạn để làm giàu bất chính. Người có chức quyền cao mà lợi dụng vị trí của mình để tham nhũng thì chính họ sẽ không được kính trọng của nhân dân.
PV: Như ông vừa nhận xét, tham nhũng là tình trạng khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Phải chăng việc học tập lời dạy của Bác trong mỗi cán bộ, đảng viên đang bị xem nhẹ. Ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?
Ông Vũ Mão: Trên thực tế chúng ta đã và đang triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc thực hiện chưa được như kỳ vọng.
Trước hết, trong cá nhân mỗi người dường như thiếu sự rèn luyện, trong khi đây lại là yếu tố quan trọng nhất. Không có sự rèn luyện, mỗi cá nhân buông lỏng bản thân, sống theo tham vọng cá nhân. Thực chất, đó là tham ô, tham nhũng, kèn cựa, chạy chức, chạy quyền...
Bên cạnh đó, các cơ chế, các quy định của pháp luật cũng có vai trò quan trọng không kém. Bởi trong bối cảnh cơ chế thị trường hiện nay, việc rèn luyện của mỗi cá nhân không phải dễ dàng. Một người rèn luyện, giữ gìn nhưng khi thấy cái xấu tràn lan cả xã hội liệu họ có bị “lung lay”?. Những người sống liêm khiết, đúng đắn không được quan tâm đúng mức. Những người tham nhũng không bị phê phán, kiểm điểm. Cuối cùng “hòa cả làng”. Vấn nạn tham nhũng hiện nay như một “làn sóng” tràn lan trong xã hội.
PV: Có thể khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh với nạn tham nhũng là rất lớn nhưng tại sao tham nhũng vẫn phổ biến trong xã hội, thưa ông?
Ông Vũ Mão: Như tôi đã nói ở trên, để giữ chữ “Liêm” cho cán bộ thì cơ chế và các quy định pháp luật là rất quan trọng. Chúng ta đã có rất nhiều văn bản pháp luật để phòng và chống tham nhũng, nhưng việc chống tham nhũng vẫn chưa có hiệu quả. Đảng cũng đã nhận định không phải một bộ phận nhỏ mà là một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái đạo đức, tham nhũng. Nhiều ý kiến còn nói rằng tham nhũng đang ăn vào từng tế bào của xã hội.
Trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ cấp trung ương, đã nói rất cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng những tiêu chuẩn đó rõ ràng tới mức trước nay chưa bao giờ có, vấn đề quan trọng là việc tổ chức thực hiện như thế nào?
Trong các tiêu chuẩn được đưa ra, tôi muốn nhấn mạnh tới tiêu chuẩn không tham nhũng, trong đó việc kê khai tài sản là cốt lõi. Vấn đề này lâu nay đã được đề cập đến nhiều nhưng rõ ràng việc kê khai tài sản chưa được làm đến nơi đến chốn. Đã hơn 10 năm nay chúng ta thực hiện kê khai tài sản, nhưng tôi cho rằng việc kê khai vẫn mang tính hình thức. Chủ yếu mới là tự kê khai, còn việc đánh giá những kê khai đó chưa làm đến nơi đến chốn. Như vậy không thể giải quyết được tham nhũng. Vấn đề quan trọng để đánh giá có tham nhũng hay không là thể hiện bằng tài sản. Nếu không đánh giá được thực chất kê khai tài sản thì chống tham nhũng vẫn chỉ là hình thức.
Theo tôi, cần có giải pháp mạnh về vấn đề kê khai tài sản, đó là phải có luật về kiểm kê tài sản. Sau này chúng ta phải xây dựng Bộ luật về chống tham nhũng, trong đó có nhiều luật nhỏ như luật kiểm kê tài sản. Theo tôi, nếu chỉ quy định vấn đề kiểm kê tài sản trong một vài điều, một chương của luật chống tham nhũng là không thể hiện rõ tầm quan trọng của nội dung này. Bởi nếu coi kiểm kê tài sản là vấn đề mấu chốt của chống tham nhũng thì bắt buộc phải có luật.
PV: Xin cảm ơn ông./.