Ông Vương Đình Huệ dự, chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII
VOV.VN - Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc sáng 14/10 tại thành phố Vĩnh Yên.
Sáng 14/10, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Vĩnh Phúc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với sự tham dự của 348 đại biểu, đại diện cho gần 70.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội diễn ra trong 3 ngày, từ 13-15/10/2020.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, thay mặt Bộ Chính trị dự và chỉ đạo Đại hội.
Cùng dự còn có ông Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban. ngành Trung ương và một số tỉnh, thành…
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có chủ đề: “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, siết chặt kỷ cương; đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững; xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành đô thị hiện đại, giàu đẹp, văn minh.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Nhiệm kỳ qua, Vĩnh Phúc đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển ấn tượng; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai đồng bộ, luôn gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhấn mạnh phương châm của Đại hội là “Đoàn kết – dân chủ - kỷ cương – sáng tạo – phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 có nhiệm vụ tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Để thực hiện tốt trọng trách trước Đảng bộ và nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị các đại biểu dự Đại hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, phát huy cao nhất vai trò đại diện ý chí, nguyện vọng của các cấp ủy Đảng và gần 70.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ, thực hiện tốt nội dung, chương trình đề ra.
Theo Báo cáo Chính trị tại Đại hội, một trong những thành tựu nổi bật của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015-2020 đó là phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới từ tư duy đến hành động với nhiều thành quả quan trọng, giữ vững đoàn kết, phát huy dân chủ, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành toàn diện các nhiệm vụ về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Đáng chú ý, nền kinh tế của tỉnh được duy trì ở tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 7,1%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng bình quân hơn 8,38%/năm, quy mô kinh tế ngày càng lớn tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của Vĩnh Phúc trong vùng và cả nước.
Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đầu tư ngoài nhà nước đạt trên 5 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư trong nước đạt 56.474 tỷ đồng (tương đương 2,4 tỷ USD), gấp hơn 2 lần giai đoạn 2011-2015. Nhiều dự án đầu tư lớn hoàn thành và đi vào hoạt động, triển khai thêm 3 khu công nghiệp lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu, đưa Vĩnh Phúc tiếp tục là địa chỉ tin cậy của các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Kinh tế nông nghiệp và diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện. Toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu hết năm 2020 có 100% huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…
Báo cáo Chính trị cũng nêu mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt mức 80-85 triệu đồng; kết cấu hạ tầng đô thị cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I.
Đến năm 2030, xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 130 - 135 triệu đồng.
Tầm nhìn đến năm 2045, Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường. Nền kinh tế Vĩnh Phúc phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống./.