Phải tìm ra và xử lý ai giúp ông Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển
VOV.VN - Cử tri đa phần ủng hộ cách xử lý của trung ương, tuy nhiên vẫn mong muốn tìm ra, xử lý cá nhân bao che, dung túng cho sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh
Sáng 15/7, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã họp xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội của 496 người trúng cử. Trong đó, thông tin chính thức nêu rõ, ông Trịnh Xuân Thanh không đủ tư cách làm Đại biểu Quốc hội khi kết quả kiểm phiếu cho thấy 100% các thành viên trong Hội đồng Bầu cử có mặt tại phiên họp nhất trí không xác nhận tư cách Đại biểu Quốc hội khóa XIV của ông Trịnh Xuân Thanh. Trước thông tin này, cán bộ, đảng viên, cử tri khu vực ĐBSCL bày tỏ sự đồng tình cao.
Cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước tìm ra và xử lý đến nơi đến chốn cá nhân bao che, dung túng cho sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh |
Ông Phạm Văn Nội (thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) bày tỏ quan điểm: “Trong vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, cần phải làm rõ ai là người giúp ông này thăng chức một cách nhanh gọn như vậy trong khi đang quản lý một đơn vị làm ăn thua lỗ rồi chuyển về Bộ Công thương và về tỉnh Hậu Giang. Việc luân chuyển như thế đúng chưa và ai là người giúp ông này được luân chuyển. Chúng tôi rất mong Đảng, Chính phủ nên làm rõ và kỷ luật nghiêm không chỉ ông Thanh, mà lãnh đạo Công ty dầu khí, Bộ Công thương và UBND và Tỉnh uỷ Hậu Giang”.
Ông Trần Văn Bá (trưởng khu phố 9, phường 4, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) bày tỏ: “Tôi rất đồng tình với cách giải quyết của Quốc hội đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Nếu chúng ta không mạnh dạn loại trừ những phần tử xấu trong Đảng nói riêng và bộ máy chính quyền nói chung thì rất nguy hiểm cho tương lai của đất nước”.
Bà Trần Thị Kim, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Vĩnh Bảo, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang nêu ý kiến: “Tôi rất hài lòng khi vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh đã được phát hiện, xử lý nghiêm đến nơi đến chốn. Tôi mong muốn Đảng, Chính phủ phải quyết liệt hơn nữa, phải xử lý thật nghiêm minh để củng cố lòng tin của người dân”.
Người dân thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, một trong những địa phương vừa qua bỏ phiếu bầu các đại biểu Quốc hội trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh, đặt vấn đề: Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trịnh Xuân Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo kết luận 146 của Bộ Chính trị khóa XI. Nhưng, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn được đề nghị để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang thể hiện sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu của một số cá nhân và sự bao che, dung túng của những người có trách nhiệm ở Hậu Giang và Bộ Công thương.
Trong đợt bầu cử Quốc hội vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh được bầu đạt tỷ lệ 75,28% số phiếu hợp lệ, trở thành người trúng cử và dẫn đầu số phiếu được bầu chọn tại địa phương. Vậy tổ chức, cá nhân nào đã tạo điều kiện cho ông Thanh “vào sâu, leo cao” như vậy cũng cần được xem xét, xử lý cho đến nơi, đến chốn.
Ông Nguyễn Văn Lượm (trú tại phường 7, Thành phố Vị Thanh) bức xúc: “Sự việc ông Trịnh Xuân Thanh gây sai phạm tới hơn 3.000 tỷ đồng mà vẫn được đưa vào làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang cần phải xử lý 2 nơi: Nơi đưa vào và nơi tiếp nhận”./.