Phân cấp mạnh mẽ hơn cho TP.HCM để thực hiện thành công Nghị quyết 98

VOV.VN - Trong bối cảnh TP.HCM đang triển khai Nghị quyết 98 cũng như Nghị quyết 131, rất cần thiết có một nghị định về phân cấp mới, tạo hành lang pháp lý để TP.HCM có đủ điều kiện để bứt phá trong thời gian tới.

Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã “chạy” được hơn 5 tháng và được đánh giá là khá trơn tru. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết cơ chế đặc thù, vượt trội của Nghị quyết, rất cần cởi trói, trao quyền cho TP.HCM mạnh mẽ hơn.

Thay đổi tư duy về phân cấp, phân quyền là khó

Câu chuyện phân cấp, phân quyền cho TP.HCM cũng đã được triển khai từ hơn 20 năm trước với Nghị định số 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM. Nhiều nội dung của Nghị định đã được đưa vào quy định của pháp luật hiện hành.

Hiện, thành phố đang chuẩn bị dự thảo Nghị định quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ và cơ quan ngang bộ với UBND TP.HCM trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước tương ứng với các nội dung của Nghị quyết 98 về đầu tư, kinh tế tài chính, ngân sách nhà nước, quy hoạch xây dựng, tài nguyên môi trường...

Đẩy mạnh trao quyền cho cấp dưới, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quản của chính quyền địa phương là rất cần thiết, giảm bớt việc phải xin ý kiến đồng loạt các bộ, ngành. Tuy nhiên, hiện nay việc phân cấp cho TP.HCM được đánh giá là chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

TS Phan Hải Hồ, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TP.HCM cho rằng, phân cấp, phân quyền còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được, bởi vì có những việc thuộc về chuyên ngành. Phân cấp, phân quyền là ở trên trao bớt, chia bớt quyền cho phía dưới, còn những quyền ở phía dưới vẫn trong Nghị định chuyên ngành thì phải có các nghị định đặc thù cho Nghị quyết 98. 

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá, việc phân cấp là vấn đề khó, bởi chúng ta vẫn đang làm việc theo tư duy, Trung ương quyết, địa phương thực hiện.

TP.HCM đang triển khai Nghị quyết 98, thời gian thực hiện không nhiều, nên nếu vấn đề nào cũng phải hỏi, chờ ý kiến bộ, ngành thì khó triển khai nhanh.

"Một người đang có những thẩm quyền quyết định việc này mà bảo tự bỏ thẩm quyền đó ra để chuyển cho cấp dưới thì đó là cả một quá trình không những về mặt nhận thức, về mặt tư duy mà cả về vấn đề giác ngộ trong vấn đề đẩy mạnh phân cấp để các địa phương có quyền chủ động và triển khai các nhiệm vụ được cấp trên giao hoặc là những chính sách đặc thù được giao", ông Trần Anh Tuấn cho biết.

Phân cấp cần trao luôn quyền ưu tiên

Theo GS.TS Mai Hồng Quỳ, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), vấn đề phân cấp hiện nay còn nhiều “nhạy cảm”. Luật Tổ chức chính quyền địa phương có quy định về phân cấp nhưng không cụ thể, rõ ràng. Thực tế là khó mà đề nghị bộ, ngành phân cấp lại các thẩm quyền của mình.

Bà Mai Hồng Quỳ đề nghị cần đổi tên nghị định phân cấp cho TP.HCM là “Nghị định cơ chế đặc thù cho một số lĩnh vực cụ thể của TP.HCM” cho đúng với tinh thần của Nghị quyết 98.

Đặc biệt, khi ban hành Nghị định phân cấp này cần phải đảm bảo đủ quyền cho TP.HCM triển khai, tránh đưa ra các quy định chung chung, dẫn đến khi thực hiện lại mâu thuẫn với các quy định. Để việc triển khai thuận lợi, GS.TS Mai Hồng Quỳ đề nghị cần có cơ chế ưu tiên thực hiện Nghị định này.

"Tạo cơ chế đặc thù anh phân cấp thì phải bảo đảm cho người ta làm được việc đấy, còn bây giờ cứ quy định chung chung nhưng mà sau đó bộ, ban, ngành, hướng dẫn. Chúng tôi đề nghị nên có thêm quy định Chính phủ phải có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để thực hiện thẩm quyền được phân cấp, được tạo cơ chế đặc thù", bà Mai Hồng Quỳ nói.

PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM cho rằng, trong dự thảo chủ yếu là phân cấp cho UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố, nhưng một số thẩm quyền trên một số lĩnh vực lại có sự chồng chéo, trùng lắp với HĐND thành phố theo Nghị quyết 98.

Do đó, cần phải phân định rạch ròi thẩm quyền, bám sát căn cứ pháp lý như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư, Nghị quyết 98, Nghị quyết 131 và Nghị định 33 khi tiến hành phân cấp quản lý để tránh sự chồng chéo và mâu thuẫn về thẩm quyền.

Theo ông Nguyễn Tấn Phát, TP.HCM cần mạnh dạn xin được quyền chủ động thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết 98 đã đặt ra.

"Chúng ta “rón rén” xin nghị định để thực hiện tốt Nghị quyết 98 nhưng mà theo thời gian cần phải có Luật về chính quyền đô thị TP.HCM. Giờ xin "rón rén" như thế này thì vài ba năm sau lại tiếp tục lạc hậu. Rồi khi ra Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 98 lại tiếp tục xin ý kiến nữa. Do đó, về lâu dài phân cấp, phân quyền cho các đô thị thì phải có Luật về chính quyền đô thị TP.HCM", ông Nguyễn Tấn Phát nêu ý kiến.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Gia Huy Chương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM cho biết, trong quá trình xây dựng nghị định phân cấp cho TP.HCM rất cần lấy ý kiến của sở, ngành thành phố, bởi đây là những người áp dụng luật, áp dụng Nghị định này.

Do đó, cần phải có một nghị định quy định chi tiết, làm sao để sở, ngành triển khai công việc một cách trơn tru, tránh trường hợp khi làm việc với doanh nghiệp hay người dân, sở, ngành lại bối rối trong việc áp dụng pháp luật hay là phải hỏi ngược lại Trung ương.

"Phân cấp và trao quyền, bảo đảm thực hiện quyền và tự chịu trách nhiệm. Phân chia thẩm quyền chứ không phải ủy quyền. Ủy quyền thì còn chịu trách nhiệm. Còn phân chia thẩm quyền là tự làm, tự chịu trách nhiệm. Và như vậy lại phải tiếp tục chờ đợi và người dân, doanh nghiệp lại tiếp tục gặp khó khăn", ông Nguyễn Gia Huy Chương cho biết.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định, để TP.HCM phát triển, thực hiện thành công Nghị quyết 98 cần phân cấp mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, nhiều nội dung hơn. Đặc biệt là điều khoản thi hành phải chặt chẽ với nguyên tắc là “giao việc thì giao luôn quy trình, cơ chế chính sách cho thành phố tự làm”.

"Về lí luận thì thế này, thế kia, nhưng về điều hành trong công việc chúng tôi cũng muốn cái nào của các bộ mà thành phố làm được thì để cho thành phố làm. Trong này có rất nhiều quy định nhiệm vụ của các bộ thì thành phố đảm nhận hết. Tức là quy trình, thủ tục ở trên ra sao thì thành phố không thay đổi, cũng làm như vậy nhưng áp dụng ngay tại TP.HCM chứ không chờ hướng dẫn", ông Võ Văn Hoan cho biết.

Rõ ràng, trong bối cảnh TP.HCM đang triển khai Nghị quyết 98 cũng như Nghị quyết 131 rất cần thiết phải có một nghị định về phân cấp mới với những điều khoản đủ mạnh, đủ bao trùm, tạo một hành lang pháp lý để TP.HCM có đủ điều kiện để bứt phá trong thời gian tới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phân cấp cho TP.HCM cần tránh tình trạng khi làm vẫn phải hỏi, phải chờ
Phân cấp cho TP.HCM cần tránh tình trạng khi làm vẫn phải hỏi, phải chờ

VOV.VN - Góp ý vào dự thảo Nghị định của Chính phủ phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM, chuyên gia đề nghị không để tình trạng phân cấp cho TP.HCM nhưng khi làm vẫn phải hỏi vì dễ mất thời cơ.

Phân cấp cho TP.HCM cần tránh tình trạng khi làm vẫn phải hỏi, phải chờ

Phân cấp cho TP.HCM cần tránh tình trạng khi làm vẫn phải hỏi, phải chờ

VOV.VN - Góp ý vào dự thảo Nghị định của Chính phủ phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM, chuyên gia đề nghị không để tình trạng phân cấp cho TP.HCM nhưng khi làm vẫn phải hỏi vì dễ mất thời cơ.

Xây dựng chính quyền đô thị là một yêu cầu khách quan
Xây dựng chính quyền đô thị là một yêu cầu khách quan

VOV.VN - Sáng 27/12, tại Đà Nẵng, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học về “Mô hình chính quyền đô thị tại Việt Nam hiện nay - Thực tiễn thành phố Đà Nẵng”. Tham dự Hội thảo có khoảng 100 đại biểu là lãnh đạo thành phố Đà Nẵng; các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại Tạp chí Cộng sản, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện KHXH Việt Nam...

Xây dựng chính quyền đô thị là một yêu cầu khách quan

Xây dựng chính quyền đô thị là một yêu cầu khách quan

VOV.VN - Sáng 27/12, tại Đà Nẵng, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học về “Mô hình chính quyền đô thị tại Việt Nam hiện nay - Thực tiễn thành phố Đà Nẵng”. Tham dự Hội thảo có khoảng 100 đại biểu là lãnh đạo thành phố Đà Nẵng; các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại Tạp chí Cộng sản, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện KHXH Việt Nam...

Ông Nguyễn Hồ Hải làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM
Ông Nguyễn Hồ Hải làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM

VOV.VN - Với việc bổ sung ông Nguyễn Hồ Hải, hiện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM gồm 1 Trưởng ban và 5 Phó trưởng ban.

Ông Nguyễn Hồ Hải làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM

Ông Nguyễn Hồ Hải làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM

VOV.VN - Với việc bổ sung ông Nguyễn Hồ Hải, hiện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM gồm 1 Trưởng ban và 5 Phó trưởng ban.