Phát huy thế mạnh về rừng để phát triển kinh tế

Khi giao thông thuận lợi, có thị trường tiêu thụ thì sản phẩm từ rừng có thể giúp người dân huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa thoát nghèo.

Tiếp tục đợt công tác kiểm tra thực hiện Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong 2 ngày 2- 3/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về làm việc tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá.

Đây là huyện khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hoá, là một trong 7 huyện của tỉnh đựơc thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ, có biên giới với nước bạn Lào, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Cùng dự các buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá.

Để nắm bắt thực tế triển khai Nghị quyết 26, Tổng Bí thư đã tới các bản ở các xã: Trung Lý, Mường Chanh và Quang Chiểu. Đây là các xã có đông tỷ lệ đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao.

Đến nay, các xã này đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới, triển khai thực hiện từng tiêu chí nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của các xã này còn cao, như xã Trung Lý số hộ nghèo là hơn 70%, xã Mường Chanh hơn 67% ; hay ở bản Khằm 1, xã Trung Lý có 60 hộ người Mông thì có tới 55 hộ nghèo, còn 5 hộ cận nghèo.

Tổng Bí thư thăm gia đình đồng bào dân tộc tại huyện Mường Lát

Khó khăn hiện nay là do người dân thiếu đất sản xuất, khi triển khai quy hoạch các dự án thì ảnh hưởng đến quỹ đất sản xuất. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi còn chậm, trình độ dân trí của người dân còn thấp, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước cộng với thời tiết khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn và còn nhiều thủ tục lạc hậu.

Chị Lương Thị Tiến, một người dân ở xã Quang Chiểu kiến nghị: Bà con các dân tộc mong Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai nhanh các chương trình, dự án đã đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn. Có chính sách ưu tiên đặc biệt đào tạo nguồn cán bộ xã, cán bộ thôn bản vùng đặc biệt khó khăn, không có điều kiện đi học. Đồng thời mong Nhà nước cần xem xét có thể đặc cách tuyển dụng cán bộ, con em địa phương đã có trình độ trung cấp làm cán bộ xã. Tăng cuờng đào tạo, bồi dưỡng, tâp huấn khoa học kỹ thuật, sản xuất, chăn nuôi cho đồng bào dân tộc thiểu số để người dân có thể tự vươn lên trong cuộc sống. 

Ông Lương Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Trung Lý cho biết, hiện nay vẫn còn một số chương trình của Chính phủ triển khai chậm, hiệu quả không cao, thậm chí chưa đến được với người dân:

Làm việc với lãnh đạo huyện Mường Lát và lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá chiều 3/9, Tổng Bí thư đánh giá cao những kết quả thực hiện Nghị quyết về Tam nông tại Thanh Hoá. Tổng Bí thư cho rằng, mô hình của tỉnh đưa hàng nghìn cán bộ có trình độ từ trung cấp trở lên về xã để giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế là rất đúng đắn. Nếu con em chưa đủ điều kiện theo học ở Trung ương hay ở tỉnh thì chính quyền các huyện cần liên kết lại tổ chức đào tạo theo vùng, từ đó tạo nguồn cán bộ từ chính địa phương. 

Việc tăng diện tích lúa và cây ngô chịu hạn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt là cần thiết, tuy nhiên cần gắn với chất lượng giống và chăm bón.

Tổng Bí thư quan tâm, thăm hỏi đời sống của con em đồng bào dân tộc ở huyện Mường Lát

Tổng Bí thư đề nghị, huyện Mường Lát cần phát huy thế mạnh trồng rừng gắn với bảo vệ rừng. Khi có đường giao thông, có thị trường tiêu thụ thì cây cao su, cây xoan, cây luồng có thể giúp dân xoá đói giảm nghèo.

Trong chăn nuôi cần tổ chức nuôi theo hướng trang trại, tập trung. Riêng với xã Mường Chanh, Tổng Bí thư mong muốn tỉnh và huyện tập trung nguồn lực để xây dựng thành xã điểm về kinh tế, xã hội, văn hoá. Sau khi hoàn thành, hiệu quả tốt sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm nhân rộng ra nhiều xã khác.

Một vấn đề mà Tổng Bí thư đặt ra là tại sao tỷ lệ nghèo của huyện còn cao, liệu có phải do chính sách của Nhà nước chưa đến được với người dân, hay điạ phương triển khai chưa hiệu quả, hoặc chính bản thân bà con chưa nỗ lực tự vươn lên để thoát nghèo.

Tổng Bí thư cho biết, tiếp thu những kiến nghị của địa phương, Trung ương sẽ chỉ đạo Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét lại một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho phù hợp; giải quyết từng khâu vướng mắc, triển khai chắc chắn, hiệu quả từng chương trình, đề án, gắn với kiểm tra, đôn đốc.

Để tiếp tục triển khai Nghị quyết 26, Thanh Hoá cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nội dung và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; có quy hoạch theo hướng đi trước và mang tính định hướng lâu dài. Đáng mừng là hiện nay, một số xã ở Thanh Hoá đã có nhiều cách làm hay như vận động nhân dân hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng; tiến hành dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực, nhất là ở 11 xã điểm về xây dựng nông thôn mới.                    

Nhân dịp về thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hoá, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm Đồn Biên phòng 495 huyện Quan Hoá và Đồn Biên phòng 498, huyện Mường Lát.

Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ biên phòng tại đây, Tổng Bí thư nêu rõ: Bộ đội biên phòng vừa là đội quân chiến đấu, vừa là đội quân công tác, dân vận giúp đồng bào phát triển kinh tế, xã hội. Mỗi chiến sĩ biên phòng cần phát huy cao nhất phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, sẵn sàng chiến đấu đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, giúp dân xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân vừa làm tốt công tác đối ngoại với nước bạn Lào./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên