Phát triển Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế

(VOV) -Thủ tướng yêu cầu Phú Quốc tìm mọi cách phát triển mạnh hoạt động du lịch.

Chính phủ sẽ xây dựng đề án phát triển Phú Quốc thành đặc khu hành chính kinh tế báo cáo Bộ Chính trị - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định như vậy ngày 15/12 trong hội nghị sơ kết triển khai Quyết định 178 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về "Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020".

Hội nghị diễn ra tại huyện đảo Phú Quốc với sự tham dự của Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang, huyện đảo Phú Quốc.  

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phú Quốc phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội - Ảnh VGP

Theo báo cáo của tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và ý kiến của các bộ, ngành trung ương tại hội nghị: Sau gần 8 năm triển khai Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện cho Phú Quốc chuyển biến rất rõ nét, nhất là kinh tế tăng trưởng bình quân 22%/năm, thu nhập bình quân đầu người một năm đạt 50 triệu đồng, lượng khách du lịch tăng bình quân 13%/năm… Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu đã được quy hoạch và triển khai đầu tư, trong đó đã đưa Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc hiện đại vào vận hành.

Lãnh đạo huyện Phú Quốc đề cập đến thực trạng trong số 219 dự án đầu tư vào Phú Quốc thì chỉ có khoảng 8 đến 10 nhà đầu tư nước ngoài nhưng quy mô đầu tư lại nhỏ, trong khi đó thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều bất cập. Ngoài quy hoạch tổng thể, quy hoạch xây dựng thì Phú Quốc cũng đang rất cần sự hỗ trợ của trung ương về quy hoạch kiến trúc với các tiêu chí cụ thể, mang tính đặc trưng.
 
Một số ý kiến cho rằng, Phú Quốc cũng cần có cơ chế hoạt động tài chính riêng cũng như đề nghị trung ương dành nguồn vốn tập trung để đầu tư xây dựng nhanh hạ tầng thiết yếu. Tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định với các cơ chế, chính sách gắn với mô hình đặc thù của Phú Quốc…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày vui mừng trước những bước tiến vượt bậc của huyện đảo Phú Quốc. Nổi bật là tăng trưởng kinh tế tăng gần gấp 5 lần so với năm 2004 khi triển khai quyết định 178, thu nhập bình quân đầu người tăng cao hơn rất nhiều so với bình quân chung cả nước, lần đầu tiên sau khi đất nước độc lập, hòa bình mới xây dựng được hoàn toàn mới sân bay quốc tế đặt tại Phú Quốc…

Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền huyện Phú Quốc tập trung xử lý những vấn đề còn hạn chế, tồn tại, nhất là trong công tác giải quyết khiếu kiện về đất đai, tăng cường công tác quản lý theo quy hoạch…và đây cũng là nhiệm vụ đầu tiên mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đối với Phú Quốc: “Bây giờ tỉnh phối hợp với Bộ Xây dựng thuê tư vấn nước ngoài, cập nhật lại, bổ sung quy hoạch theo hướng xây dựng Phú Quốc, trước hết trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, rồi hình thành đặc khu hành chính kinh tế trực thuộc trung ương với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi.”

Trong quá trình tập trung phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang, huyện Phú Quốc cùng các bộ, ngành trung ương tìm mọi cách phát triển mạnh hoạt động du lịch. Chính phủ sẽ cho phép tất cả các hãng hàng không bay trực tiếp đến Phú Quốc, đồng thời sẵn sàng miễn thị thực xuất nhập cảnh cho khách quốc tế trong thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 30 ngày. Huyện Phú Quốc tập trung phát huy thế mạnh nghề biển, nhất là đánh bắt nuôi trồng thủy sản theo hướng chế biến phục vụ cho các hoạt động du lịch gắn với xây dựng thương hiệu hạt tiêu.

Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ huyện Phú Quốc quyết tâm không còn hộ nghèo, tăng cường xây dựng nông thôn mới, phát triển đồng bộ giáo dục, y tế… Các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan cùng với tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc phấn đấu đưa điện cao thế ra đảo đúng tiến độ vào cuối năm 2014; tính toán trữ lượng và phương thức hiệu quả cung cấp đủ nước ngọt sinh hoạt cho người dân và khách du lịch.

Đối với các công trình hạ tầng giao thông thiết yếu, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tính toán nguồn vốn đảm bảo tiến độ xây dựng đường trục giao thông Bắc Nam và đường vòng quanh đảo Phú Quốc, còn chính quyền địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng. Thủ tướng đặc biệt lưu ý chính quyền huyện Phú Quốc quyết liệt bảo vệ môi trường, dứt khoát giữ cho được 37.000 ha rừng nguyên sinh và môi trường bờ biển…

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các bộ, ngành trung ương đã định hướng giải quyết nhiều kiến nghị của tỉnh Kiên Giang nhằm thúc đẩy sự phát triển của đảo Phú Quốc. Cùng với ban hành mới quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định với các cơ chế chính sách ưu đãi gắn với đặc thù của Phú Quốc, Chính phủ cũng sẽ xây dựng Đề án phát triển Phú Quốc thành đặc khu hành chính kinh tế để báo cáo Bộ Chính trị….

Nhân dịp về thăm và làm việc tại Phú Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh cùng Đoàn công tác Chính phủ đã đến dâng hương hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện đảo Phú Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với thanh niên
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với thanh niên

(VOV) - Đúng 8h5, Thủ tướng cùng lãnh đạo các Bộ: KHCN, GD-ĐT, GT-VT, NHNN Việt Nam có mặt tại Hội trường để đối thoại với thanh niên...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với thanh niên

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với thanh niên

(VOV) - Đúng 8h5, Thủ tướng cùng lãnh đạo các Bộ: KHCN, GD-ĐT, GT-VT, NHNN Việt Nam có mặt tại Hội trường để đối thoại với thanh niên...