Biến thể Omicron lan rộng, Tổng thống Indonesia kêu gọi “giảm di chuyển, làm việc tại nhà"
VOV.VN - Trong bối cảnh các ca mắc mới Covid-19, nhất là các ca nhiễm biến thể Omicron tăng nhanh, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi mọi người hạn chế di chuyển và các công ty xem xét khả năng cho người lao động làm việc tại nhà.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Dinh Tổng thống ở Bogor ngày hôm qua (19/1), Tổng thống Joko Widodo nói: “Nếu bạn không có việc thực sự cần thiết, hãy hạn chế các hoạt động ở những khu vực trung tâm đông người ngoài trời. Với những người có thể làm việc tại nhà (WFH), xin hãy ở nhà. Tôi cũng đề nghị mọi người không ra nước ngoài nếu không có công việc quan trọng, cấp bách”.
Lời kêu gọi của Tổng thống Joko Widodo được đưa ra vào lúc Indonesia ghi nhận các ca mắc mới Covid-19 tăng nhanh trở lại, với gần 2.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Đến nay, Indonesia cũng đã xác nhận 882 ca nhiễm biến thể Omicron, phần lớn là các ca nhập cảnh và có 174 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Thủ đô Jakarta đang là “điểm nóng” Covid-19 với hơn 1.000 ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày và dịch đã lan tới ít nhất 43 trường học.
Chính phủ Indonesia dự báo “đỉnh” lây nhiễm biến thể Omicron có thể rơi vào giữa tháng 2 hoặc tháng 3/2022 với số ca mắc Covid-19 hàng ngày lên tới 40.000 – 60.000 ca, cao hơn giai đoạn cao điểm làn sóng Covid-19 lần thứ hai do biến thể Delta gây ra. Để trấn an người dân, Tổng thống Joko Widodo cho biết chính phủ Indonesia đã chuẩn bị kỹ cho kịch bản bùng phát “làn sóng” Covid-19 lần thứ 3, do vậy người dân không nên hoảng loạn mà cần thận trọng, tuân thủ nghiêm các giao thức y tế và tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ.
Trong khi đó, một số nhà dịch tễ học Indonesia cảnh báo biến thể Omicron có thể tấn công mạnh vào các nhóm dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người có bệnh nền…; gây ra sự thiếu hụt nhân lực trong ngành y tế và dịch vụ công khi có nhiều người cùng mắc Covid-19. Bên cạnh đó, Omciron có thể để lại di chứng lâu dài do nhiều người nhiễm biến thể này song lại không có triệu chứng để phát hiện sớm. Do vậy, các nhà dịch tễ học kêu gọi chính phủ Indonesia tăng cường chiến lược 3T đối phó với Omicron gồm: xét nghiệm, truy vết và điều trị./.