Phương án Bí thư kiêm Chủ tịch Đặc khu kinh tế được thống nhất cao
VOV.VN - Các ý kiến thảo luận tại Hội nghị trực tuyến do Ban Tổ chức TƯ tổ chức cho rằng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban đơn vị hành chính đặc biệt là phù hợp
Thảo luận tại Hội nghị trực tuyến về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức chiều 23/4, tại Hà Nội, đại diện các tỉnh cơ bản thống nhất đối với các quy định của Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Hội nghị trực tuyến về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức chiều 23/4 |
Góp ý về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị nên xem xét lại việc bầu chức danh Chủ tịch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Theo đó, nên để Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh giới thiệu nhân sự trình, HĐND đặc khu bầu, cơ quan trung ương thẩm định sau đó trình Thủ tướng phê chuẩn. Như vậy, vừa sát thực tế địa phương, vừa được sự thẩm định của cơ quan trung ương.
Về mô hình tổ chức Đảng, ông Nguyễn Văn Đọc cho rằng Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban đơn vị hành chính đặc biệt là phù hợp. Đồng thời, đề nghị một Phó Bí thư là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và kiêm công tác thường trực Đảng và hệ thống chính trị; một Phó Bí thư kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân.
Đồng tình với ý kiến của Bí thư Quảng Ninh và các tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Bùi Văn Nam cho rằng việc tổ chức theo mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Đặc khu sẽ tạo đột phá về tổ chức, thẩm quyền, nhiệm vụ của người đứng đầu, đảm bảo yêu cầu quản lý và phát triển đặc khu.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang cho rằng quá trình sắp xếp sẽ dẫn tới dôi dư cán bộ, vì vậy cần thống nhất một chính sách chung cho cán bộ dôi dư ở 3 đặc khu này, tránh để anh em phải tâm tư mỗi nơi mỗi khác, vì việc điều chuyển rất khó, các huyện thành cũng đều tinh giản. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách giải quyết công tác đào tạo cán bộ có chất lượng cao hơn, để làm việc lâu dài, có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu đặt ra của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Bà Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Kiên Giang cho biết Kiên Giang cũng dự kiến sắp xếp đội ngũ cán bộ. Đối với những người không đáp ứng yêu cầu thì phải có chính sách để luân chuyển, đồng thời với tăng cường đội ngũ chất lượng cho đặc khu Phú Quốc.
Theo dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, chính quyền địa phương đặc khu được xác định là một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. HĐND có tổng số không quá 15 đại biểu, đa số là đại biểu hoạt động chuyên trách; có Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách, không tổ chức thường trực HĐND và các ban của HĐND.
UBND đặc khu gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch. Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (sau khi thống nhất với Chủ tịch UBND tỉnh), sau đó do Thủ tướng phê chuẩn.
Phó Chủ tịch UBND do HĐND bầu theo giới thiệu của Chủ tịch UBND đặc khu và được Chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn.
Về định hướng mô hình tổ chức chính trị của đặc khu, dự kiến thành lập đảng bộ đặc khu là đảng bộ cấp huyện trực thuộc đảng bộ tỉnh. Ban chấp hành đảng bộ đặc khu có 21- 27 người, Ban thường vụ đảng ủy không quá 7-9 người. Bí thư Đảng ủy có thể đồng thời là Chủ tịch HĐND hoặc là Chủ tịch UBND Đặc khu./.
Đặc khu kinh tế: Cần linh hoạt trong vấn đề cán bộ