PTT Phạm Bình Minh thăm chính thức Ấn Độ, dự Đối thoại Delhi lần thứ 9
VOV.VN - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tin tưởng Ấn Độ sẽ sớm trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ, chiều tối 4/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đến chào Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, tiếp Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley; dự và phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Delhi lần thứ 9.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đến chào Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee. Ảnh: indiablooms.
Tại buổi tiếp, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước và đánh giá cao chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, diễn ra vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ (7/1/1972 - 7/1/2017) và 10 năm thiết lập Đối tác Chiến lược (6/7/2007 - 6/7/2017).
Tổng thống Mukherjee nhấn mạnh, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có bề dày lịch sử, khởi nguồn từ những mối liên hệ tôn giáo và những hoạt động giao thương từ lâu đời giữa hai nước; sự đồng cảm, chia sẻ và ủng hộ lẫn nhau trong các cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc; được Lãnh tụ Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công vun đắp. Việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016 đã mở ra một chương mới trong tiến trình hợp tác hai nước, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ.
Tổng thống Mukherjee nhắc lại những kỷ niệm khi thăm cấp Nhà nước Việt Nam tháng 9/2014 và khẳng định Việt Nam luôn là người bạn tin cậy, thân tình của Ấn Độ; dù trên cương vị nào Tổng thống cũng luôn ủng hộ cho quan hệ song phương giữa hai nước cũng như tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cảm ơn những tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ quý báu mà Tổng thống Mukherjee luôn dành cho Việt Nam; chúc mừng những thành tựu rực rỡ của Ấn Độ gần đây về phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật và bày tỏ tin tưởng Ấn Độ sẽ sớm trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, có vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng khẳng định mong muốn và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ tương xứng với tiềm năng và vị thế của cả hai nước. Nhằm ứng phó tốt hơn với những biến chuyển của tình hình khu vực và quốc tế hiện nay, hai bên cần tăng cường hợp tác trên bình diện đa phương, tham vấn và phối hợp trong các vấn đề quốc tế hai nước cùng quan tâm.
Tại buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley, hai bên nhất trí duy trì hợp tác về an ninh quốc phòng, nhất là về đào tạo, huấn luyện, trao đổi tại các diễn đàn an ninh - quốc phòng….Bộ trưởng Jaitley cũng khẳng định Ấn Độ sẽ tiếp tục cung cấp các gói tín dụng ưu đãi trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang cần đầu tư để nâng cao năng lực, phục vụ công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng giữa hai nước còn nhiều cơ hội để hợp tác đầu tư, Chính phủ hai nước cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp của cả hai bên mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh trên cơ sở cùng có lợi và phục vụ mục tiêu phát triển của mỗi nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tham dự khai mạc Đối thoại Dehli lần thứ 9. Ảnh: VNA. |
Chiều 4/7 đã diễn ra khai mạc Đối thoại Dehli lần thứ 9. Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã dự và có phát biểu tại phiên khai mạc cấp Bộ trưởng. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến những chuyển dịch mạnh mẽ về địa chính trị và địa kinh tế, hướng tới hình thành một trật tự đa cực.ASEAN và Ấn Độ cùng chia sẻ những lợi ích chính trị, kinh tế và xã hội lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương và cần đóng vai trò quan trọng hơn nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên toàn cầu.
ASEAN và Ấn Độ sẽ tạo dựng một không gian phát triển năng động về kinh tế dựa trên sự kết nối chặt chẽ về hạ tầng, kết nối số và kết nối hàng hải, trao đổi thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân, hợp tác hiệu quả để tranh thủ cơ hội, ứng phó với các thách thức, và là nhân tố trung tâm thúc đẩy xây dựng một cấu trúc khu vực mở, cân bằng, dựa trên luật lệ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hợp tác ASEAN - Ấn Độ sẽ là động lực quan trọng của câu chuyện thành công về “Thế kỷ Châu Á - Thái Bình Dương”.
Với cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẽ cùng các nước từng bước hiện thực hóa tầm nhìn của quan hệ đối tác chiến lược, gắn kết triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 với chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ; trên cơ sở đó đã đề xuất về các bước đi sắp tới của hợp tác ASEAN-Ấn Độ trên 3 trụ cột: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Về chính trị-an ninh, ASEAN ủng hộ Ấn Độ đóng vai trò to lớn hơn của một cường quốc hàng đầu tại Châu Á -Thái Bình Dương và trên toàn cầu, mong muốn tăng cường phối hợp cùng Ấn Độ ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, xây dựng một cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm; Hoan nghênh nỗ lực của Ấn Độ trong duy trì hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Về kinh tế, ASEAN và Ấn Độ cùng chia sẻ những lợi ích chung quan trọng trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư. Các nhà đầu tư và người tiêu dùng tại ASEAN và Ấn Độ đứng trước cơ hội chưa từng có khi ASEAN và Ấn Độ hình thành một thị trường 1,8 tỉ dân, tổng GDP 4.500 tỉ USD. Doanh nghiệp Ấn Độ có thể tiếp cận thị trường ASEAN thống nhất với quy mô gần 650 triệu dân, liên kết cao với các nền kinh tế hàng đầu khu vực thông qua mạng lưới FTA.
Ấn Độ và ASEAN cần khai thác tiềm năng lớn để tạo ra các chuỗi giá trị khu vực, trở thành động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, tham gia tích cực vào Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, tích cực triển khai các dự án đường cao tốc, cảng biển, sớm hoàn tất đàm phán các Hiệp định vận tải biển và hàng không.
Về văn hoá –xã hội, hai bên cần thúc đẩy hợp tác giáo dục, du lịch, trao đổi văn hoá và giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai bên, trên nền tảng của mối liên hệ lịch sử và văn hoá từ hàng ngàn năm.
Đối thoại Dehli là diễn đàn quan trọng giữa ASEAN và Ấn Độ để hai bên trao đổi nhằm thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác. Đối thoại Dehli lần thứ 9 do Bộ Ngoại giao Ấn Độ chủ trì tổ chức, phối hợp với Quỹ Nhà quan sát (ORF), Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) với sự tham dự của Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj, Bộ trưởng Văn phòng Cố vấn Nhà nước Myanmar, Quốc Vụ khanh Bộ Quốc phòng Singapore, Thứ trưởng Ngoại giao các nước Thái Lan, Indonesia, Brunei... cùng nhiều học giả, giới nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp... của ASEAN và Ấn Độ./.