Quá trình thực hiện Luật Sĩ quan QĐND xuất hiện những vướng mắc, bất cập
VOV.VN - Trung tướng Nguyễn Văn Gấu chỉ rõ, trong quá trình thực hiện Luật Sĩ quan xuất hiện những vướng mắc, bất cập, như: Chức vụ của sĩ quan; tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan; trần quân hàm cấp tướng; rút ngắn thời hạn xét thăng quân hàm cấp úy; chế độ, chính sách đối với sĩ quan; về sĩ quan dự bị,...
Sáng 10/6, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Báo cáo tóm tắt tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Văn Gấu chỉ rõ, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam năm 1999 được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 21/12/1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2000; qua 2 lần tổng kết (năm 2007 và 2013), Bộ Quốc phòng đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2008 và năm 2014.
Quá trình thực hiện, Luật Sĩ quan đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều hình thức, biện pháp tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ Luật Sĩ quan; cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc áp dụng và thực hiện thống nhất; các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về sĩ quan; đã xây dựng được đội ngũ sĩ quan có số lượng theo nhu cầu biên chế, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
So với năm 2014, số lượng, chất lượng đội ngũ sĩ quan hiện nay được nâng lên, cơ cấu được điều chỉnh phù hợp. Như số lượng sĩ quan đạt 100% nhu cầu biên chế; sĩ quan có trình độ sau đại học tăng 5,39%; tỷ lệ cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc đều tăng cao.
Bên cạnh đó, nhiều đồng chí được cấp có thẩm quyền phân công, điều động giữ các chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và trực tiếp công tác, hoạt động liên tục trong môi trường quốc tế (tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, làm công tác đối ngoại, tùy viên quốc phòng…).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Sĩ quan xuất hiện những vướng mắc, bất cập, như: Chức vụ của sĩ quan; tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan; trần quân hàm cấp tướng; rút ngắn thời hạn xét thăng quân hàm cấp úy; chế độ, chính sách đối với sĩ quan; về sĩ quan dự bị,...
Trên cơ sở tổng kết ở các cấp, Bộ Quốc phòng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho sửa, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV trên cơ sở kế thừa những quy định của Luật Sĩ quan hiện còn phù hợp, điều chỉnh các quy định mới để khắc phục cơ bản những vướng mắc, bất cập và các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.
Các tham luận tại hội nghị thống nhất khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật hiện hành và một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay.
Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7 kiến nghị, cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về sĩ quan bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam và Luật Lao động, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Sĩ quan Công an nhân dân, có tính đến yếu tố đặc biệt của Quân đội.
Đặc biệt, tập trung giải quyết tốt vấn đề chính sách, trong đó cụ thể hóa triển khai thực hiện hiệu quả các chế độ về tiền lương, nhà ở hoặc chu cấp nhà ở đối với sĩ quan, bảo đảm sĩ quan có mức ngày càng cao hơn mức sống trung bình của xã hội.
Từ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung tướng Lê Đức Thái đề nghị sửa đổi Thông tư số 160/2017/TT-BQP ngày 4/7/2017 của Bộ Quốc phòng theo hướng bổ sung quy định về chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó trong Bộ đội Biên phòng và một số đơn vị trong toàn quân.
Đồng thời nâng độ tuổi phục vụ tại ngũ được quy định tại Điều 13, Luật Sĩ quan, trước mắt đối với Cấp úy: Nam 52, nữ 52; Thiếu tá, Trung tá: Nam 54, nữ 54; Thượng tá: Nam 56, nữ 55; Đại tá: Nam 58, nữ 55 để bảo đảm thống nhất với Luật Quân nhân chuyên nghiệp.
Xem xét nâng lương vượt khung (như quân nhân chuyên nghiệp) đối với sĩ quan khi đã được thăng quân hàm trần quân hàm cao nhất của chức vụ đảm nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ trở lên, chưa hết tuổi phục vụ tại ngũ sau khi được nâng lương lần 2, mỗi năm sẽ được nâng lương vượt khung là 1%.
Trung tướng Lê Đức Thái cũng đề nghị nghiên cứu tuổi nghỉ hưu ở khối cơ quan cấp chiến lược, chiến dịch, ở các học viện nhà trường Quân đội, các cơ sở nghiên cứu, bệnh viện với khối các đơn vị để hạn chế lãng phí nguồn lực.
Phát biểu kết luận, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh: Với những kết quả đã đạt được và những kinh nghiệm rút ra sau 10 năm thực hiện Luật Sĩ quan, trong thời gian tới toàn quân sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt hơn nữa, đồng thời sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan hiện hành nhằm cơ bản khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, góp phần xây dựng đội ngũ sĩ quan đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nhân dịp này, Bộ Quốc phòng đã tổ chức công bố quyết định trao thưởng cho 59 tập thể và 62 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1999 đến năm 2024, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.