Quan hệ Việt - Mỹ dưới thời Tổng thống Trump: Thách thức và cơ hội
VOV.VN - Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, quan hệ Việt - Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đứng trước nhiều thách thức nhưng cũng sẽ có không ít cơ hội.
Tháng 1/2017, nước Mỹ bước vào một trang sử mới khi tỷ phủ Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 45. Với chính quyền mới của một Tổng thống đảng Cộng hòa, nước Mỹ được dự báo sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã dành cho phóng viên VOV cuộc trò chuyện về những thay đổi chính sách nói chung và chính sách đối với khu vực, Việt Nam nói riêng cũng như cảm xúc của ông trong thời điểm nước Mỹ chuyển giao quyền lực.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh trả lời phóng viên VOV. |
PV: Ngày 20/1 vừa qua, Đại sứ đã trực tiếp tham dự Lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump. Đại sứ có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi chứng kiến thời điểm chuyển giao quyền lực này như thế nào?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Buổi lễ là sự kiện lớn 4 năm một lần. Cá nhân tôi thì đây là lần đầu tiên được dự một lễ chuyển giao giữa hai chính quyền Mỹ. Có lẽ bất cứ một ai dự hay theo dõi buổi lễ đều thấy họ tổ chức thực sự rất bài bản, chặt chẽ và trang trọng.
Hai năm làm với chính quyền Obama vừa qua đã có nhiều hoạt động thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Sắp tới làm việc với chính quyền mới, chúng tôi đều trông đợi và theo dõi rất kỹ để chúng ta tạo được mối quan hệ, quảng bá được những chính sách của mình làm sao cho trùng với lợi ích và ưu tiên của bạn nhằm thúc đẩy các ưu tiên với chính quyền mới.
Nhưng cũng có cả những cảm xúc lưu luyến. Tôi có những người bạn làm từ thời chính quyền Obama và bây giờ hết nhiệm vụ. Có lẽ những người làm đại diện trên đất Mỹ có cảm xúc khác với người quan sát từ góc độ qua tivi hoặc ở địa phương khác.
PV: Trong bài diễn văn nhậm chức cũng như trong các tuyên bố sau đó, tân Tổng thống Mỹ cho biết nước này sẽ xem lại nhiều chính sách, trong đó có chính sách châu Á – Thái Bình Dương. Theo Đại sứ, liệu việc này có tác động như thế nào đến quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trước khi nói về chính sách của chính quyền mới đối với khu vực nói chung, nhìn vào quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian vừa qua chúng ta có thể thấy rằng, trong 20 năm quan hệ ngoại giao đã có phát triển rất lớn, trở thành đối tác toàn diện và trên tất cả các mặt.
Cũng trong 20 năm qua, đã có nhiều đời Tổng thống Mỹ khi thay đổi chính quyền. Chúng tôi có niềm tin rằng quan hệ đối tác toàn diện đó, vì lợi ích của cả hai nước, sẽ tiếp tục phát triển.
Chúng ta có thể thấy quan hệ kinh tế, quan hệ thương mại đã phục vụ lợi ích của cả Việt Nam và Mỹ cũng như tạo động lực cho phát triển ở khu vực. Kim ngạch thương mại từ 0,5 tỷ USD tăng lên 50 tỷ USD đã thể hiện chiều sâu của quan hệ thương mại Việt - Mỹ.
Đại sứ Phạm Quang Vinh đã có những chia sẻ thú vị về thay đổi chính sách của Tổng thống Trump đối với thế giới, khu vực và Việt Nam. |
Thứ hai, quan hệ hai nước được mở rộng trên tất các lĩnh vực như đã đề ra trong quan hệ đối tác toàn diện. Trong đó có khoa học kỹ thuật, đầu tư, giáo dục, an ninh quốc phòng. Điều đáng nói nhất ở đây là cả hai bên đều có lợi, đều kế thừa lợi ích của mối quan hệ đó. Mỹ có nhu cầu phát triển quan hệ với Việt Nam, Việt Nam cũng có nhu cầu phát triển quan hệ với Mỹ vì lợi ích của mỗi nước và vì lợi ích của khu vực, vì hòa bình, ổn định.
Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, qua nhiều đời Tổng thống khác nhau, qua cả đảng Cộng hòa và Dân chủ, lợi ích song trùng của hai nước đã tạo nền tảng cho mối quan hệ song phương. Và đặc biệt, có rất nhiều khuôn khổ hợp tác, như khuôn khổ về đối tác toàn diện, hay là những khuôn khổ về đối thoại đã được duy trì.
Nếu chúng ta nhìn lại thì có thể thấy rằng cả ba đời Tổng thống vừa qua, từ Tổng thống Clinton, Tổng thống Bush và Tổng thống Obama đều đã thăm Việt Nam. Chúng ta hy vọng rằng với lợi ích song trùng đó, với quan hệ hai bên cùng có lợi, thì mối quan hệ sẽ tiếp tục phát triển.
Hơn nữa ngoài hợp tác song phương thì hai nước có nhiều khuôn khổ hợp tác phục vụ cho lợi ích của mình, cho lợi ích của khu vực trong các trao đổi diễn đàn song phương và đa phương khác. Vừa qua chúng ta đã phối hợp trong đảm bảo hòa bình và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như là trong khuôn khổ của ASEAN.
Lợi ích quốc gia là lâu dài nhưng vào từng thời điểm, với từng chính quyền, nước nào cũng vậy chứ không chỉ Mỹ, sẽ định hình các thứ tự ưu tiên khác nhau, các cách tiếp cận khác nhau.
Đây chính là điều mà chúng ta tiếp tục trao đổi, chia sẻ với đội ngũ của chính quyền mới để làm sao những gì là lợi ích song trùng giữa hai nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh lên. Những gì mới thì tìm ra những lợi ích để có thể phát triển. Tôi tin rằng điểm tương đồng sẽ nhiều hơn điểm khác biệt. Những điểm mới sẽ cần hình thức hợp tác tốt hơn.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, quan hệ Việt - Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đứng trước nhiều thách thức nhưng cũng sẽ có không ít cơ hội. |
Chúng ta chưa thể rõ định hình chính sách chung của Mỹ đối với Việt Nam hay đối với khu vực không chỉ châu Á-Thái Bình Dương mà còn các khu vực khác. Nhưng có một thông điệp rất rõ trong trong tuyên bố nhậm chức của Tổng thống Trump là ông sẽ nhìn nhận lợi ích của nước Mỹ một cách thiết thực hơn và cụ thể hơn.
Trong mối quan hệ, không chỉ mình Mỹ hay Việt Nam đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Nhưng ở đây lợi ích quốc gia không có nghĩa là đối chọi nhau mà quan trọng nhất là có nhiều điểm song trùng.
Về thương mại, Mỹ muốn lợi ích thương mại trong quan hệ với các nước. Ta cũng muốn có lợi ích thương mại đối với các nước. Hai bên có hỗ trợ tương hỗ lẫn nhau và đây chính là điểm mà chúng ta phải lưu tâm hơn. Bên cạnh lợi ích của ta, chúng ta cũng có thể quảng bá và đem lại lợi ích cho phía bạn thế nào, ngược lại cũng như vậy.
Nếu chúng ta nói đến chuyện năm ngoái đã có hợp đồng mua 100 máy bay Boeing của Mỹ thì đó chính là lợi ích của Mỹ. Về khoa học kỹ thuật, Mỹ có thể chuyển giao cho Việt Nam rất nhiều. Những sản phẩm Việt Nam có giá cạnh tranh sẽ cho người tiêu dùng Mỹ cơ hội sử dụng hàng giá rẻ hơn. Trong khi đó, Mỹ có thể đầu tư vào những lĩnh vực mà Mỹ có lợi thế ở Việt Nam. Đấy chính là lợi tương hỗ lẫn nhau.
Mỹ không thể không có lợi ích ở Biển Đông
PV: Về chủ trương chung thì tân Tổng thống Donald Trump tuyên bố đặt lợi ích của Mỹ lên trên hết. Đối với vấn đề Biển Đông, cả tân Tổng thống và Ngoại trưởng được đề cử của Mỹ đều cho thấy quan điểm cứng rắn. Đại sứ có thể phân tích rõ hơn vấn đề này?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Mỹ không thể rời châu Á-Thái Bình Dương, không thể không có lợi ích trong Biển Đông, một Biển Đông hòa bình, ổn định và tự do.
Mỹ sẽ tranh thủ được các nước, các nước lớn khác cũng sẽ tranh thủ và bản thân các nước trong khu vực cũng sẽ tranh thủ được lẫn nhau. Đó là cùng hợp tác với nhau.
Trong khu vực đã có khuôn khổ hợp tác sẵn và đã phát huy tác dụng đó là khuôn khổ ASEAN và các diễn đàn ASEAN mở rộng. Đây là điều mà tôi tin rằng các nước sẽ quan tâm, trong đó có chính quyền mới của Mỹ.
Chúng tôi cho rằng dù tuyên bố thế nào thì chính sách nhất quán không chỉ của Mỹ mà của các nước khu vực đều có một số nội dung chính: Thứ nhất hòa bình ổn định an ninh an toàn và đặc biệt là tự do hàng hải là lợi ích của tất cả các nước. Khu vực Biển Đông là khu vực địa chiến lược và giao lưu thông thương hàng hải rất lớn cho nên an ninh hàng hải, tự do hàng hải là lợi ích của tất cả các nước và các nước phải chung tay gìn giữ.
Thứ hai, để đảm bảo điều đó các nước đều phải lấy luật pháp và công ước về luật biển làm trung tâm. Tôi tin chắc rằng bất cứ ai cũng phải dựa vào trung tâm đó.
Thứ ba, để tạo nỗ lực chung thực hiện mục tiêu này phải thúc đẩy tăng cường hợp tác và tăng cường phối hợp giữa các nước trong khu vực.
Chúng ta sẽ chờ thêm. Nhưng 3 điểm mấu chốt vẫn là hòa bình ổn định, an ninh an toàn hàng hải, luật pháp quốc tế và công ước luật biển, và cuối cùng là phải chung tay vào cùng đóng góp xây dựng. Tôi tin đó là điều chỉnh chính sách của bất cứ nước nào.
PV: Trong sự kiện quảng bá năm APEC Việt Nam 2017 tại Mỹ vừa qua, các doanh nghiệp nước này tỏ ra rất quan tâm. Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ nhiều lần tuyên bố sẽ xem xét lại các diễn đàn đa phương mà Mỹ tham gia, trong đó có APEC. Liệu quan điểm này có ảnh hưởng gì đến APEC Việt Nam hay không, thưa Đại sứ?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trước hết, diễn đàn APEC đại diện cho châu Á – Thái Bình Dương. Thứ hai đây là diễn đàn duy nhất về phối hợp và hợp tác kinh tế ở khu vực đầu tàu của kinh tế thế giới, phát triển năng động nhất.
Lợi ích của nước Mỹ nằm ở đây và các đời Tổng thống Mỹ đều tham dự APEC, các doanh nghiệp của Mỹ khi tôi trao đổi trong suốt thời gian qua đều rất quan tâm đến APEC.
Thứ ba, thông qua APEC người ta có thể định hình được các định hướng ưu tiên cho khu vực để có lợi cho các nền kinh tế thành viên. Diễn đàn này có thể tạo ra được quy định, tiêu chuẩn về thương mại để làm sao có thể hỗ trợ tốt nhất cho kinh tế mỗi nước thành viên trong khuôn khổ APEC.
Chúng tôi cho rằng, chính quyền mới chưa nói nhiều về các diễn đàn đa phương nhưng qua đánh giá của chúng tôi thì với các lợi ích kinh tế, thương mại, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rất trông đợi sự tham gia của Mỹ để khu vực này phát triển năng động hơn và xây dựng những tiêu chuẩn mà cả Mỹ và các nước khác có thể chấp nhận được.
Chúng ta đã làm việc với chính quyền Mỹ vừa qua cũng như trong thư chúc mừng của lãnh đạo cấp cao của ta và cuộc điện đàm của Thủ tướng nước ta với Tổng thống đắc cử lúc đó đều nói lên vị trí của châu Á – Thái Bình Dương, nói lên tầm quan trọng của APEC trong khu vực này với mỗi đối tác thành viên. Lãnh đạo nước ta đã có lời mời chính thức đến Tổng thống đắc cử lúc đó là Donald Trump tham dự APEC tại Việt Nam.
Chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi với phía Mỹ. Chúng tôi tin chắc rằng, vào giai đoạn hiện nay khi kinh tế và thương mại thế giới đang phục hồi, đồng thời cũng đứng trước nhiều thách thức trở ngại, các nước càng cần phải ngồi lại với nhau, tính đến lợi ích của mình và tham dự tích cực hơn.
PV: Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong hiệp định này, Mỹ được xem là đầu tàu, vậy việc này tác động như thế nào đến khu vực cũng như Việt Nam phải xử lý thế nào?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trước hết thì các quốc gia có quyền lựa chọn tham gia hiệp định của mình. Việc chính quyền mới xử lý TPP thế nào chúng ta sẽ theo dõi tiếp nhưng ở đây có 2 câu chuyện.
Câu chuyện thứ nhất, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực kinh tế năng động, chiếm một nửa lợi ích thương mại, kinh tế và tăng trưởng của thế giới. Tôi tin rằng nước Mỹ, với hình thức này hay hình thức khác, sẽ phải gắn kết với khu vực này vì sự phát triển của nước Mỹ, vì lợi ích của nước Mỹ. Điều này sẽ phải được chính quyền mới tính toán.
Thứ hai, nếu điều chỉnh hay thay đổi cách tiếp cận với TPP thì dù sớm dù muộn nước Mỹ vẫn phải có thông điệp về gắn kết kinh tế về thương mại với khu vực này. Đó là lợi ích của nước Mỹ và đó cũng là trông đợi của khu vực.
Thứ ba, đối với Việt Nam, chúng ta đã tham gia rất tích cực trong quá trình đàm phán thương lượng TPP, có nhiều nỗ lực để hoàn thành hiệp định này. Chúng ta cùng 11 nước trông đợi rằng nếu TPP được tất cả các nước thông qua thì sẽ tạo động lực lớn phát triển kinh tế. Nhưng nếu không, thì khu vực cũng đang có nhiều bước chuyển để tiếp tục thúc đẩy hội nhập, gắn kết, tăng cường giao lưu thương mại của bản thân khu vực.
Với Việt Nam, ngoài TPP, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã thúc đẩy đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại, kể cả hiệp định thương mại thế hệ mới như là với EU, Hàn Quốc. Và như vậy, không gian thương mại của chúng ta tiếp tục phát triển.
Nếu không có TPP với thị trường Mỹ, chúng ta phải tính toán làm sao tiếp tục quan hệ kinh tế và thương mại lớn hơn.
Về nội bộ, những chủ trương lớn của chúng ta về cải cách kinh tế, thúc đẩy môi trường đầu tư ở Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục. Đây chính là yêu cầu nội tại của chúng ta trong phát triển đất nước, Đồng thời cũng là yêu cầu do các hiệp định FTA mà chúng ta đã tham gia.
PV: Xin cám ơn Đại sứ./.