Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: "Dĩ tâm truyền tâm"

VOV.VN -Không chỉ đơn thuần là mối quan hệ đối tác chiến lược mà là cùng chung nhịp đập trái tim.

Việc nâng cao tình “hữu ái” giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ tạo ra môi trường cho hợp tác trong khu vực. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã khẳng định như vậy trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Đài TNVN. 

PV: Năm 2013 đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong năm nay, Thủ tướng Shinzo Abe đã đến Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đến Nhật Bản vào ngày 12/12. Có thể nói, quan hệ giữa hai nước hiện nay tốt đẹp hơn bao giờ hết và mối quan hệ đó không chỉ đơn thuần là đối tác chiến lược mà đó còn là mối quan hệ giữa những đối tác thực sự tin tưởng lẫn nhau. Với tư cách là một cựu Thủ tướng, Ngài nhìn nhận mối quan hệ đó như thế nào?

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama 

Cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama: Tôi cảm thấy thực sự vui mừng vì đã có rất nhiều sự kiện được tổ chức long trọng và hết sức thành công tại hai nước nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Cá nhân tôi năm nay cũng rất may mắn khi được nhận Huân chương hữu nghị từ Chủ tịch Trương Tấn Sang.


Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không chỉ đơn thuần là mối quan hệ đối tác chiến lược mà là cùng chung nhịp đập trái tim. Đối với Nhật Bản, hơn bất kỳ quốc gia nào khác Việt Nam là quốc gia có thể dùng cụm từ “dĩ tâm truyền tâm”, có nghĩa là người dân hai nước có thể hiểu nhau mà không cần dùng lời để nói. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam chính là nước mà Nhật Bản đã xây dựng được mối quan hệ tin cậy nhất. Thật tuyệt vời khi đã có rất nhiều sự kiện được tổ chức trong dịp kỷ niệm 40 năm này và qua đó sự tin cậy hiểu biết giữa người dân hai nước ngày càng thêm sâu sắc.

Tôi vốn dĩ rất thích nghe các bài hát của Nhật Bản nhưng khi được nghe các bài hát Việt Nam tôi thấy rằng có rất nhiều bài hát Việt Nam rất hay và dễ đi vào lòng người dân Nhật. Cả các điệu múa cũng vậy. Quả thực, văn hóa hai nước rất gần gũi nhau.

Tôi cũng có dịp đi thăm một số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Tôi được nghe rất nhiều lời khen tặng đối với sự cần cù của người Việt Nam. Người Nhật thường được khen rằng rất cần cù nhưng tôi thấy rằng người Việt Nam còn cần cù hơn cả người Nhật. Tôi có thể nói rằng xét trên nhiều ý nghĩa, người Việt Nam và người Nhật Bản là những đối tác có thể hợp tác với nhau, có thể tin cậy lẫn nhau về lâu về dài.

PV: Trong thời gian làm Thủ tướng cũng như sau này, Ngài đã có nhiều hoạt động đóng góp cho sự phát triển của quan hệ hai nước. Vậy điều gì khiến Ngài cảm thấy hài lòng và điều gì ngài thấy cần tiếp tục nỗ lực để phát triển hơn nữa quan hệ với Việt Nam?

 Cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama: Trong thời gian làm Thủ tướng, tôi đã 3 lần gặp chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nếu tính cả không chính thức chắc còn nhiều hơn. Chúng tôi đã xây dựng được một mối quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa hai thủ tướng cũng như giữa hai đất nước.

Sau khi không làm Thủ tướng nữa, tôi đã có khoảng 5 lần đến Việt Nam và gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tôi cũng có dịp diện kiến cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi các vị đến thăm Nhật Bản. Lần này, tôi cũng sẽ gặp và nói chuyện với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Việc xây dựng được mối quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa những nhà lãnh đạo quả là điều đáng giá đối với Nhật Bản. Do đó, điều tôi cảm thấy mình đã làm tốt nhất chính là việc xây dựng được mối quan hệ tin cậy này.

Nhân đây, tôi cũng muốn nói đến sự kiện 11/3 cách đây hơn 2 năm khi Nhật Bản bị động đất và sóng thần tấn công và gặp phải sự cố hạt nhân. Khi đó, người dân Việt Nam đã dành cho Nhật Bản những tình cảm thật ấm áp. Như vậy, bên cạnh quan hệ tin cậy giữa những nhà lãnh đạo, hai nước chúng ta còn xây dựng được tình cảm ấm áp giữa người dân hai nước. Đó là điều đáng giá thứ hai.

Sau sự cố hạt nhân, Nhật Bản phải xem xét lại nhiều mặt chính sách năng lượng hạt nhân của mình để nâng cao hơn nữa độ an toàn. Trong tình hình đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tin tưởng điện hạt nhân của Nhật Bản. Đó cũng là điếu đáng quý đối với Nhật Bản.

Còn về điều tôi tiếp tục muốn làm để đóng góp cho quan hệ hai nước chính là giáo dục. Nhật Bản sau chiến tranh đã nhanh chóng phát triển thành một nước công nghiệp. Có được điều này là nhờ vào hệ thống trường đào tạo nghề chuyên nghiệp do nhà nước thành lập.

Các em học sinh tốt nghiệp cấp II sẽ học về kỹ thuật trong 5 năm tại trường này. Chính nhờ những ngôi trường như vậy mà trình độ kỹ thuật công nghệ của Nhật Bản đã được nâng cao đáng kể. Có thể nói những ngôi trường như vậy đã tạo ra một đội ngũ kỹ thuật viên trẻ lành nghề có khả năng đáp ứng ngay công việc.

Tôi nghĩ rằng, điều cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam hiện nay là nhanh chóng đào tạo thật nhiều những kỹ thuật viên trẻ lành nghề có khả năng đáp ứng ngay công việc như vậy. Để làm được điều đó, tôi mong muốn Việt Nam áp dụng hệ thống trường đào tạo nghề chuyên nghiệp của Nhật Bản. Tôi sẽ đề nghị với các nhà lãnh đạo Việt Nam như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Mặc dù mới chỉ vừa bắt đầu nhưng trong năm nay chúng tôi đã làm việc với tỉnh Hà Nam và được biết tỉnh Hà Nam rất mong muốn có một trường đào tạo nghề như của Nhật. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang rất quan tâm đến chủ đề này. Do đó, chúng tôi sẽ phải thúc đẩy nhanh chóng ý tưởng này.

Một điều khác mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rất quan tâm là vấn đề công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Nhật Bản. Khác với Mỹ với nền nông nghiệp quy mô lớn, cả Nhật Bản và Việt Nam có rất nhiều điểm chung với một nền nông nghiệp quy mô nhỏ. Tôi tính đến việc áp dụng mô hình nông nghiệp của Nhật Bản vào Việt Nam bao gồm cả hệ thống lưu thông cũng như việc ứng dụng công nghệ IT trong nông nghiệp.

 PV: Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản không chỉ vì sự phát triển của hai nước mà còn vì hòa bình ổn định và thịnh vượng của khu vực. Hai nước đã cùng chung nỗ lực trong việc tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và các nước khu vực sông Mê Kông cũng như trong việc xây dựng cộng đồng chung ASEAN. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều biến động phức tạp, hai nước cần làm gì để đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực?

Cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama: Cộng đồng kinh tế chung ASEAN sẽ hình thành vào năm 2015. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam sẽ đóng vai trò trung tâm trong cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Theo tôi, một cộng đồng kinh tế chung ASEAN với sự tham gia của các nước khác nhưng trước mắt là cộng thêm 3 nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hòa bình, ổn định của khu vực.

Việc hình thành cộng đồng chung ASEAN đang tiến triển thuận lợi. Có lẽ sẽ khá khó khăn khi ngay từ đầu các nước đề cập đến vấn đề an ninh. Do đó, để làm được điều đó, chúng ta nên bắt đầu từ các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, kinh tế. Trong bối cảnh như vậy, một mối quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ khu vực.

 PV: Tôi được biết Viện nghiên cứu cộng đồng chung Đông Á do Ngài thành lập có mục đích xây dựng một cộng đồng chung tại khu vực Đông Á nhằm thực hiện khát vọng hòa bình cho thế giới dựa trên tinh thần “hữu ái”. Xin Ngài giải thích rõ hơn về tinh thần “hữu ái”?

 Cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama: Nội hàm của tư tưởng “hữu ái” mà tôi muốn nói đến đây có hai thái cực cốt lõi là tự do và bình đẳng. Nếu quá coi trọng khía cạnh tự do để cho năng lực tự điều tiết của thị trường điều chỉnh thì những chủ thể yếu sẽ phải chịu thất bại và tính đa dạng cũng bị triệt tiêu.

Trong khi đó, bình đẳng là quan điểm có vai trò hết sức quan trọng trong tư tưởng “hữu ái”. Mọi người ai cũng có quyền được sống và cơ hội cuộc sống ngang nhau. Điều đó thật lý tưởng. Tuy nhiên, nếu bình đẳng phát triển tới mức thái quá, tức là cho dù ai đó có nỗ lực đến đâu mà vẫn ngang bằng với người khác thì điều này cũng làm triệt tiêu ý chí vươn lên và nỗ lực của con người.

Điều mấu chốt ở đây là phải làm sao để cả hai yếu tố này không đi quá đà. Cần phải có một cái phanh để hãm cả hai thứ đó và liên kết chặt chẽ hai thái cực này lại với nhau trong một chỉnh thể thống nhất, giúp nó vận hành một cách thuận lợi.

Trong thế giới hiện đại, ta có thể liên tưởng đến hai khái niệm tự lập và cộng sinh cùng song hành tồn tại. Mỗi con người trong một tập thể đặt cho mình một ý chí luôn nỗ lực hết mình và nếu không có ý chí tự lập thì cá nhân đó khó có thể tiến bộ được.

Tuy nhiên, ý chí tự lập thôi chưa đủ vì một cá nhân không thể làm được bất cứ việc gì. Người nông dân không thể một mình trồng lúa, một ngư dân không thể tự đánh bắt cá hay một cái xe hơi không thể do một người làm ra. Trong một xã hội mà tất cả mọi người đều cùng nhau làm việc hăng say, bản thân mỗi con người sẽ có thể phát huy được tất cả khả năng của mình. Điều đó chẳng phải là thực sự lý tưởng hay sao? Tất cả mọi người đều khác nhau và không thể nói rằng “không được phép có sự khác biệt”, mà “hãy cùng sống trong sự khác biệt”. Như vậy là mọi người sống trong một xã hội cùng nhau nỗ lực, cùng nhau làm việc và cùng hưởng thụ niềm hạnh phúc. Đó chính là tư tưởng cốt lõi của cụm từ “hữu ái” mà tôi đề xướng.

 PV: Vậy theo Ngài, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt đến tinh thần đó chưa và định hướng cho mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai?

Cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama: Tôi nghĩ rằng giữa Việt Nam và Nhật Bản có tình hữu ái và tư tưởng đó đang tiến triển thuận lợi. Như tôi đã nói ở trên, Nhật Bản và Việt Nam có vai trò quan trọng trong cộng đồng chung Đông Á. Việc nâng cao tình hữu ái giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ tạo ra môi trường cho hợp tác trong khu vực. Tôi nghĩ rằng giữa Nhật Bản và Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực có thể hợp tác như năng lượng, môi trường... Điều quan trọng là hai nước cần đưa ra những dự án hợp tác cụ thể và xúc tiến triển khai những dự án đó.

Cho đến nay, thông qua các dự án ODA, Nhật Bản đã giúp đỡ Việt Nam phát triển. Nhưng tôi cho rằng từ nay về sau hai nước cần chuyển sang hướng bổ sung cho nhau để cùng hợp tác phát triển. Với tình hữu ái đó, hai nước sẽ ngày càng phát triển hơn nữa. Tôi nghĩ rằng, sắp đến lúc hai nước bước vào giai đoạn mới với tình hữu ái được nâng lên tầm cao mới.

 PV: Xin cảm ơn Ngài!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quan hệ Việt Nam–Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển bền vững
Quan hệ Việt Nam–Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển bền vững

VOV.VN -Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và nâng lên tầm cao mới.

Quan hệ Việt Nam–Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển bền vững

Quan hệ Việt Nam–Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển bền vững

VOV.VN -Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và nâng lên tầm cao mới.

Việt Nam-Nhật Bản hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm
Việt Nam-Nhật Bản hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

VOV.VN -Sự hợp tác này góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam-Nhật Bản hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

Việt Nam-Nhật Bản hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

VOV.VN -Sự hợp tác này góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh trong khu vực và trên thế giới.

Sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản
Sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản

VOV.VN - Chủ tịch nhấn mạnh như vậy tại buổi tiếp Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Osaka

Sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản

Sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản

VOV.VN - Chủ tịch nhấn mạnh như vậy tại buổi tiếp Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Osaka

Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Nhật Bản
Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Nhật Bản

VOV.VN-Đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh như vậy trong buổi tiếp thân mật Ngài Takebe Tsutomu.

Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Nhật Bản

Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Nhật Bản

VOV.VN-Đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh như vậy trong buổi tiếp thân mật Ngài Takebe Tsutomu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Nhật Bản
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Nhật Bản

VOV.VN - Chiều 29/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Nhật Bản

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Nhật Bản

VOV.VN - Chiều 29/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada