Quảng Ninh giữ vững "ngôi vương" trên đường đua cải cách hành chính

VOV.VN - Theo đánh giá của các chuyên gia, địa phương này thực sự chứng minh được vị thế của mình trong việc trở thành một địa bàn năng động, hiệu quả và thân thiện.

Năm 2020 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu trên cả 4 bảng xếp hạng các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Mặc dù đang giữ vững "ngôi vương" về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, nhưng đích đến của Quảng Ninh vẫn là "vượt lên chính mình", tận dụng dư địa, hướng đến nền hành chính phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. 

4 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số cải cách hành chính PAR Index, lần thứ 2 liên tiếp dẫn đầu Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước SIPAS, lần đầu tiên giành quán quân Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI, Quảng Ninh đã không còn là một hiện tượng. Theo đánh giá của các chuyên gia, địa phương này thực sự chứng minh được vị thế của mình trong việc trở thành một địa bàn năng động, hiệu quả và thân thiện nhờ những đột phá trong nhiều mô hình và chương trình cải cách, phá bỏ "tư duy nhiệm kỳ" qua nhiều năm nỗ lực.

Tuy vậy, như khẳng định của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, "cải cách hành chính chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc". Những "chiếc vương miện" cũng là thách thức để Quảng Ninh không ngừng cải thiện chính mình. Như PCI, dù đạt điểm số cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nhưng tổng điểm 75,09 vẫn còn một khoảng cách dài tới điểm tuyệt đối, nhiều chỉ số thành phần vẫn còn ở mức thấp.

Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh thừa nhận, nhiều chỉ tiêu trong cải thiện Chỉ số Tiếp cận đất đai vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Theo ý kiến của các doanh nghiệp, thủ tục hành chính về đất đai vẫn là vấn đề phiền hà hàng đầu, đòi hỏi đơn vị phải có sự nhìn nhận và nỗ lực cải thiện bằng giải pháp cụ thể.

"Với 5 điểm nghẽn lớn cần khắc phục, chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh để có các đồ án quy hoạch lâu dài, chất lượng ổn định phù hợp với thực tiễn. Các doanh nghiệp cũng rất băn khoăn về tiến độ GPMB các dự án, chúng tôi sẽ thường xuyên phối hợp các địa phương để tháo gỡ kịp thời, có các cơ chế chính sách đẩy nhanh tiến độ. Làm sao để thực hiện tốt nhất, công khai minh bạch quá trình xây dựng giá đất, người dân có thể yên tâm giao đất"- ông Trần Như Long cho hay. 

Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng và Tính năng động cũng là những chỉ số Quảng Ninh cần cải thiện. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Giám đốc dự án PCI cho rằng, Quảng Ninh cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp; chú trọng giải quyết, giảm tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động; tìm các giải pháp đột phá trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong giải quyết thủ tục hành chính; giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra...

"Điều tra năm vừa rồi có 64% doanh nghiệp cho rằng, các chính sách ở cấp tỉnh nhưng việc thực thi ở cấp sở ngành địa phương chưa tốt. Chính vì vậy mà không gian thay đổi đối với Quảng Ninh theo tôi vẫn còn rất lớn. Chương trình kế hoạch mà tỉnh đề ra là tập trung vào nâng cao chất lượng thực thi, theo tôi đây là hướng phù hợp, sẽ giải quyết những điểm gốc rễ của môi trường đầu tư của tỉnh trong thời gian tới"- ông Đậu Anh Tuấn khuyến cáo. 

Năm 2020, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đưa mục tiêu "hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI" vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Ngay sau đó là Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nền tảng cho các mục tiêu này không chỉ là các giải pháp về công nghệ mà "chìa khóa" chính là yếu tố con người. Gắn trách nhiệm người đứng đầu, "truyền lửa cải cách" tới nhận thức và hành động của mỗi cán bộ công chức, viên chức, Quảng Ninh đã xây dựng các bộ chỉ số tương đương về nâng cao năng lực cạnh tranh, đo lường cải cách hành chính, quản trị công (DDCI, PAR Index, DGI, SIPAS, ICT Index) ở cấp sở ban ngành địa phương trong tỉnh, tạo cuộc đua tranh ngay từ cấp cơ sở.

Bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Quảng Ninh khẳng định: "Việc xây dựng các bộ công cụ dưới hình thức KPI để đánh giá đo lường, định lượng cụ thể như vậy không phải là áp lực mà là động lực để chúng tôi căn cứ vào đó đánh giá chính xác, nhận diện toàn diện để có giải pháp khắc phục hạn chế, phát huy điểm mạnh. Qua đây cũng cho thấy rằng cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các sở ban ngành địa phương, sự sát sao của người đứng đầu cũng như sự cố gắng của các đơn vị được giao chủ trì từng chỉ số thành phần, để luôn bám sát tình hình và có giải pháp kịp thời".

Sau mỗi kỳ công bố báo cáo bảng xếp hạng các chỉ số, Quảng Ninh đều tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu và tìm các giải pháp cải thiện chất lượng trong các năm sau. Hơn nữa, như nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Vũ Tiến Lộc, "những thành quả cải cách của Quảng Ninh không chỉ có vai trò riêng cho tỉnh mà còn có tác dụng dẫn dắt, hỗ trợ cho tiến trình cải cách của các địa phương trong cả nước". 

Trong cuộc đua đánh giá các chỉ số, theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, mục tiêu của tỉnh không phải là giành ngôi vị đứng đầu, điểm số cao mà quan trọng nhất là xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết, đồng hành, văn hóa thực thi của chính quyền địa phương các cấp trong việc đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, đánh thức tiềm năng lợi thế của tỉnh. Những chỉ số ấy sẽ là thương hiệu của Quảng Ninh không chỉ ở cấp tỉnh mà ở tầm quốc gia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên