Quốc hội cần giám sát để làm rõ: Ai đang ở trong nhà ở xã hội?
VOV.VN - “Nội dung giám sát tập trung trả lời các vấn đề: Nhà ở xã hội ai đang sinh sống; tổ chức nào cung cấp; việc trợ cấp, hỗ trợ thế nào; thực trạng quản lý, sử dụng ra sao và mục tiêu, ý nghĩa của chính sách thông qua kết quả đạt được thế nào?” – ĐBQH Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh.
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, sáng nay 27/5, Quốc hội thảo luận hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Các ý kiến bày tỏ cơ bản đồng tình với đánh giá công tác giám sát thời gian qua có nhiều đổi mới, được tăng cường, coi trọng, thực chất, hiệu quả, tránh hình thức và lãng phí cũng như giảm tối đa việc gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của địa phương, đơn vị, cơ quan.
Công tác giám sát còn góp phần giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc trong ban hành và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật; xử lý nhiều vụ việc tồn đọng. Các cuộc giám sát chuyên được quan tâm theo dõi, ủng hộ của cử tri và nhân dân.
Giám sát lại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả
Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) đề xuất đưa vào chương tình giám sát tại kỳ họp thứ 7 và kỳ họp thứ 8 nội dung việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chât vấn và vấn đề đã hứa tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp thứ 5.
Theo ông, trong các kỳ họp vừa qua, hoạt động chất vấn được thực hiện dân chủ, công khai minh bạc. Chính phủ và các bộ ngành trả lời đầy trách nhiệm, thẳng thắn và đưa các giải pháp khắc phục cụ thể. Tuy nhiên, việc giám sát kết quả thực hiện các vấn đề đã hứa chưa được quan tâm kịp thời.
Để nâng cao hiệu quả giám sát lại, UBTVQH ban hành kế hoạch triển khai nội dung giám sát của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khoá XIV và Quốc hội khoá XV về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Do đó, việc đưa nội dung giám sát việc thực hiện nghị quyết chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn là điều rất cần thiết và phù hợp với quy chế giám sát của Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác giám sát.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cũng đề nghị quan tâm hoạt động, hiệu quả giám sát lại, với mục đích đánh giá toàn diện việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nghị quyết của các cơ quan và người đứng đầu chịu sự giám sát.
“Cần quan tâm giám sát việc thực hiện lời hứa khi chất vấn, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội theo dõi, giám sát đến cùng nội dung đã được giám sát, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm” – ông Nguyễn Đại Thắng nêu ý kiến.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cũng đề nghị tiếp tục quan tâm giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ. Đây là vấn đề cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội?
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá) thì quan tâm đến việc việc giám sát về nhà ở xã hội vì đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, song quá trình thực hiện còn khó khăn; chỗ ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thụ hưởng thực tế còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu và nhu cầu.
Thực tế có trình trạng nhà ở xã hội có địa điểm không có người tham gia, trong khi đó có nơi người tham gia quá đông; cách xác định đối tượng mua nhà ở xã hội cũng còn gây nhiều dư luận khác nhau.
Theo đại biểu, để đạt mục tiêu thì phải định hình rõ hệ thống chính sách, hỗ trợ đến đúng đối tượng, hạn chế tối đa trục lợi từ chính sách.
“Nội dung giám sát tập trung trả lời các vấn đề: Nhà ở xã hội ai đang sinh sống; tổ chức nào cung cấp; việc trợ cấp, hỗ trợ thế nào; thực trạng quản lý, sử dụng ra sao và mục tiêu, ý nghĩa của chính sách thông qua kết quả đạt được thế nào?” – ông Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) đề nghị UBTVQH chỉ đạo đẩy mạnh và thực hiện chặt chẽ hơn hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cả cấp trung ương và địa phương.
“Văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, ban hành không đúng trình tự, không phù hợp, thiếu khả thi, thậm chí sai sót... là khó khăn lớn đối với DN, là cản trở lớn việc thực hiện nhệm vụ của các cấp, ngành thời gian qua” – ông nói.
Đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) thì nhấn mạnh, phát triển kinh tế biển là chủ trương lớn của Đảng nên cần xem xét giao cho một cơ quan của Quốc hội giám sát chuyên đề về phát triển kinh tế biển hoặc về các đạo luật liên quan trực tiếp.
Ông nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia biển, có nhận thức khá sớm về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển. Tuy nhiên, Trung ương đánh giá khâu yếu nhất là tổ chức thực hiện, do đó việc triển khai cần đẩy mạnh hơn thời gian tới. Vấn đề biển đảo thực sự là đại sự quốc gia, nơi còn dư địa phát triển cực lớn.
Trong khi đó, Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) đề xuất giám sát các quy định liên quan xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu từ khi ban hành Hiến pháp năm 2013 đến nay.
Ông cho biết, để phục vụ tin học hoá, chuyển đổi số quốc gia, nhiều dạo luật có quy định xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (phần lớn dự án luật tại kỳ họp lần này cũng có quy định như dữ liệu về hợp tác xã, người tiêu dùng, nhà ở, đất đai, thị trường bất động sản, tài nguyên nước..). Việc có các quy định là nền tảng cho chuyển đổi số nhưng nếu không thực hiện tốt sẽ gây lãng phí nguồn lực.
Đại biểu cũng cho biết, qua triển khai các dữ liệu còn nhiều tồn tại như trùng lặp cơ sở dữ liệu có thể gây lãng phí nguồn lực và lúng túng khi người dân tra cứu; một số hệ thống được xây dựng nhưng tính cập nhật và hiệu quả không cao...
“Hiện nay là thời điểm phù hợp Quốc hội giám sát việc xây dựng và thực hiện quy định pháp luật về vấn đề này vì chúng ta đã đặt mục tiêu rất cụ thể về chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số. Việc giám sát nhằm hoàn thiện thể chế, góp phần vào chuyển đổi số quốc gia hiện nay” – ông Hoàng Minh Hiếu nêu quan điểm.
Ngoài ra, có ý kiến kiến nghị Quốc hội xây dựng chương trình giám sát toàn khoá để chủ động xây dựng chương trình giám sát trong các năm tiếp theo; Chính phủ và bộ ngành làm căn cứ tổ chức thực hiện và chuẩn bị cho giám sát; tuỳ điều kiện cụ thể hàng năm điều chỉnh cho phù hợp./.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, UBTVQH lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho UBTVQH tổ chức giám sát.
Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.