Quốc hội chốt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6-6,5%
VOV.VN - Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 90,49%), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6-6,5%.
Chiều 9/11, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trên cơ sở 321 ý kiến nhất trí, 63 ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, về mục tiêu tổng quát, đa số ý kiến đồng ý với Mục tiêu tổng quát. Một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể như: “chăm lo các” đối tượng chính sách; “tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp”, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. UBTVQH xin tiếp thu và thể hiện như dự thảo Nghị quyết.
Một số ý kiến đề nghị rà soát rút ngắn, lựa chọn nội dung trọng điểm; tránh dàn trải, trùng với các nhiệm vụ, giải pháp; đề nghị bổ sung nội dung: “tập trung thúc đẩy phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch”; “bảo đảm môi trường đầu tư, thu hút và giữ chân nhà đầu tư FDI”; “tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách”; “tăng cường công tác tiếp công dân”... Về vấn đề này, UBTVQH đã rà soát khái quát, ngắn gọn, súc tích, tổng quan nhất về mục tiêu năm 2024, là cơ sở để triển khai 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Những nội dung cụ thể đã được tiếp thu, thể hiện tại các nhiệm vụ, giải pháp.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,0 - 6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng từ 5-6%. Giải trình về vấn đề này, UBTVQH nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu, do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.
Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ tư, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường “thương mại điện tử”, tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...; tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể, “hợp tác xã” với các thành phần kinh tế.
Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ năm, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Hoàn thiện việc biên soạn các bộ sách giáo khoa “còn lại” đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; “khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ sáu, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: “đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao”; “quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân, trẻ vị thành niên”; “Sơ kết 05 năm thực hiện Chiến lược phát triển Dân số Việt Nam đến năm 2030”; “nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.
Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ bảy, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: “Tập trung hoàn thiện trình Quốc hội Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, “sụt lún”, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven biển, “khu vực Bắc Trung Bộ”, khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc…
Thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng giải trình một số nội dung. Trong đó, có ý kiến đề nghị chỉ đưa vào Nghị quyết các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được thực hiện trong năm 2024; đề nghị ghi rõ thời gian hoàn thành, khắc phục việc nói chung chung, hạn chế sử dụng các cụm từ “khẩn trương”, “sớm”, “tích cực”. Trên cơ sở định hướng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ xây dựng, ban hành Nghị quyết triển khai, trong đó sẽ cụ thể hóa cả về tiến độ, thời gian của các nhiệm vụ, giải pháp, giao cho các Bộ, ngành và địa phương, do đó, xin Quốc hội cho giữ nội dung như dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị bỏ nội dung “phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, việc tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. NHNN cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí quản lý để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Theo đó, xin Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Nghị quyết.
Một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung về: quản lý hiệu quả hoạt động thương mại trên các nền tảng số; rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai; ban hành thủ tục xác nhận mức độ sử dụng năng lượng tái tạo; ban hành cơ chế về điện mặt trời áp mái; triển khai thí điểm mô hình nhà máy điện ảo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội là xác đáng, đây là những vấn đề cụ thể, cần quan tâm, quyết liệt xử lý. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, Nghị quyết cần ngắn gọn, súc tích, các giải pháp tổng thể đã bao quát các định hướng chính sách lớn để trên cơ sở đó Chính phủ sẽ chủ động điều hành theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, một số nội dung sẽ được rà soát, nghiên cứu thể hiện trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết chung của Kỳ họp. Do vậy, xin không bổ sung vào dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị Chính phủ lưu ý, quan tâm, có giải pháp thực hiện các kiến nghị nêu trên.