Quốc hội đánh giá công tác nhiệm kỳ Chủ tịch nước, Chính phủ tại Kỳ họp 11
VOV.VN - Quốc hội thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ.
Chiều nay (9/12), tại phiên họp 51, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 10 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá XIV.
Báo cáo bước đầu về nội dung, thời gian, cách thức tiến hành kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Đối với 3 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, sau khi Chính phủ tiếp tục hoàn thiện và báo cáo thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét trình Quốc hội 3 dự án Luật này.
Cũng tại kỳ họp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10.
Quốc hội dự kiến xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 và tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2021.
Đối với nội dung về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị trình tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV như thông lệ các nhiệm kỳ trước để các cơ quan có thêm thời gian hoàn thiện.
Một trong những nội dung quan trọng khác là Quốc hội thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Ngoài ra, Quốc hội cũng dự kiến dành 1,5 ngày để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác (nếu có).
“Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội (trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu sẽ cân nhắc phương án họp trực tuyến) và dự kiến làm việc trong 7,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 24/3 và bế mạc vào ngày 2/4/2021” – ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng việc dành hơn 1 ngày xem xét báo cáo bổ sung về kinh tế - xã hội và ngân sách là không thực sự cần thiết vì nội dung này đã được Quốc hội đánh giá toàn diện tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua. Theo ông, Chính phủ chỉ cần có báo cáo gửi các đại biểu. Ý kiến này của ông Phùng Quốc Hiển cũng nhận được sự đồng thuận trong Ủy ban thường vụ Quốc hội. Như vậy, thời gian diễn ra Kỳ họp có thể được rút ngắn so với dự kiến ban đầu của Tổng Thư ký Quốc hội.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị nêu rõ nội dung Quốc hội xem xét quyết định về 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia là giảm nghèo bền vững và xây dụng nông thôn mới để Chính phủ có sự chủ động chuẩn bị, bởi đáng ra nội dung này đã phải được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp vừa qua theo tinh thần Nghị quyết 88.
Về kết quả Kỳ họp thứ 10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định kỳ họp tiếp tục thành công về nội dung cũng như cách thức tiến hành, góp phần cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV.
Sau 18 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với việc thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về 4 dự án luật khác; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, nhân sự; thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xem xét các báo cáo kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng..., trong đó một số nội dung được xem xét, đánh giá kết quả thực hiện trong cả nhiệm kỳ.
Tuy vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra rằng việc khắc phục tình trạng chậm gửi hồ sơ tài liệu chưa có chuyển biến tốt, thậm chí còn có bước lùi so với một số kỳ họp giữa nhiệm kỳ; các nội dung đề nghị bổ sung gấp vào kỳ họp tăng lên so với kỳ họp trước. Một số dự án luật được chuẩn bị chưa kỹ, thiếu tính thuyết phục, đánh giá chưa đầy đủ tác động của dự án Luật.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng một lần nữa nhấn mạnh Kỳ họp thứ 10 thực sự sôi nổi, thể hiện trách nhiệm và bản lĩnh của Quốc hội.
Với Kỳ họp thứ 11, bà Tòng Thị Phóng cho rằng dù là kỳ họp cuối cùng của khoá, mang tính chất tổng kết nhưng với công tác xây dựng pháp luật thì “không vì kết thúc mà không đảm bảo chất lượng” nên với dự án luật nào chưa đủ điều kiện thông qua thì tiếp tục nghiên cứu trình Quốc hội khoá mới xem xét, quyết định./.