Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10

VOV.VN - Tiếp nối thành công của Kỳ họp thứ 9, Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ tiếp tục được tiến hành thành 2 đợt. Đợt 1 họp trực tuyến từ 20/10-27/10 và đợt 2 họp tập trung từ 2-17/11.

Sau hơn 19 ngày làm việc, chiều nay (17/11), Quốc hội khoá XIV họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10, biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Trước khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. 

Các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19,…) cũng được Quốc hội thông qua trong chiều nay 17/11.

Tiếp nối thành công của Kỳ họp thứ 9, Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ tiếp tục được tiến hành thành 2 đợt. Đợt 1 họp trực tuyến từ 20/10-27/10 và đợt 2 họp tập trung từ 2-17/11.

Quốc hội đã xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính quốc gia 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 4 dự án luật khác nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người, quyền công dân, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc – đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn, quyết tâm chính trị bền vững, lâu dài của Đảng, Nhà nước ta về sứ mệnh hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Điều đó càng tiếp tục khẳng định một Việt Nam tích cực, chủ động, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.

Do là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ, Quốc hội đã xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Một nội dung quan trọng khác là Quốc hội tiến hành thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Quốc hội cũng phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh và Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng; phê chuẩn bổ nhiệm tân 2 Bộ trưởng Bộ KHCN, Y tế và Thống đốc NHNN Việt Nam, 3 thẩm phán TAND tối cao; bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên