Quốc hội "nóng" vấn đề môi trường và chính sách vùng dân tộc thiểu số

VOV.VN - Trong ngày 9/11, đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ. Chất vấn và trả lời chất vấn không theo nhóm chuyên đề mà đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn tất cả những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Sáng nay 9/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiếp tục chương trình chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành. Các câu hỏi và nội dung tranh luận tập trung vào các lĩnh vực tư pháp, thông tin & truyền thông, tài nguyên & môi trường, giáo dục, nội vụ… Trong đó, nhiều nội dung gắn với vấn đề dư luận quan tâm.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã chất vấn các bộ trưởng về các vấn đề tồn tại tình trạng ô nhiễm ở các lưu vực sông trong thời gian dài; đề nghị làm rõ quản lý mua bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông đã trả lời các đại biểu Quốc hội về những nội dung này:

Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Sỹ Diến, đoàn Thanh Hóa về trách nhiệm thực hiện các giải pháp khắc phục trong việc lập dự toán và thực hiện chi cho lĩnh vực tài nguyên môi trường giai đoạn vừa qua vì phải hủy gần 31% dự toán ngân sách, tương đương 2 nghìn 400 tỷ đồng chi cho tài nguyên môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Theo chúng tôi có 3 giải pháp chính. Thứ nhất là yêu cầu các bộ ngành, địa phương, các đơn vị sử dụng dự toán tăng tiến độ phê duyệt sự nghiệp môi trường, đảm bảo 30/10 có quyết định phê duyệt, khắc phục tình trạng chậm như hiện nay. Chúng tôi cũng đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường. Có thể Bộ Tài nguyên Môi trường báo cáo thêm”.

Đại biểu Trần Tất Thế, đoàn Hà Nam đặt câu hỏi chất vấn về triển khai các giải pháp làm giảm ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ, Sông Đáy, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định sẽ kiên quyết không cho xả đối với những khu vực quá tải: “Không chỉ sông Nhuệ, sông Đáy mà tất cả các lưu vực sông hiện nay đang đứng trước tình hình hình ô nhiễm thời gian qua chưa được khắc phục. Trong giải pháp trước mắt điều tiết trạm bơm từ xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, sẽ vận hành trạm Cống Thanh Liệt, trạm bơm Yên Sở, trong đó có việc đưa nước thải ra sông Hồng cũng như hút nước sông Hồng pha nước đối với sông Nhuệ, sông Đáy. Còn về lâu dài, cần thực hiện nghiêm túc theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Trong đó khẳng định chất lượng nước thải kiểm soát. Đối với khu vực quá tải kiên quyết không cho xả ra. Còn đối với nước thải sinh hoạt cần có cơ chế công tư đầu tư hạ tầng và xử lý triệt để nước thải sinh hoạt”.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại biểu Nguyễn Thị Xuân- đoàn Khánh Hòa đề nghị làm rõ những vấn đề liên quan đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường và có loại nào chứa chất độc đi-ô-xin hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: “Chủ trương hướng đến một nền nông nghiệp, sạch chúng ta đang tập trung triển khai rất đồng bộ. Riêng chỉ có 4 năm mà Quốc hội thông qua các Bộ luật nông nghiệp, trong đó 3 Bộ luật trồng trọt, chăn nuôi thủy sản, trong đó có nội hàm rất sâu sắc để giảm đầu vào bằng các chế phẩm thuốc hóa học. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải xác định nhiệm vụ quyết liệt mới đảm bảo được yêu cầu của đời sống cũng như của xã hội. Đến đến giờ phút này thì có loại thuốc nào chứa chất độc đi-ô-xin không? thì chúng tôi xin khẳng định là cho đến nay thì trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật lưu hành chúng ta cho phép thì không có loại thương phẩm nào mà có chứa chất độc đi-ô xin”.

Cũng trong sáng nay 9/11, nhiều đại biểu quan tâm đến chế độ, chính chính sách và chuyển đổi số cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ Trưởng Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến tham gia trả lời về nội dung này.

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Đinh Thị Diệu Chinh, đoàn Nghệ An đề nghị làm rõ chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có chính sách tuyển dụng.

Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: “Chính phủ cũng quy định rõ tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức trong tổng số biên chế. Người dân tộc thiểu số khi tuyển dụng được miễn ngoại ngữ và tin học…., thi tuyển thì được cộng điểm ưu tiên, miễn thi ngoại ngữ thi khi nâng ngạch. Nữ cán bộ công chức viên chức người dân tộc thiểu số được kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 60 như nam. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 771 về bồi dưỡng kiến thức với cán bộ, công chức người thiểu số”.

Về vấn đề chuyển đổi số quốc gia cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Lưu Văn Đức, đoàn Đắk Lắk chất vấn: “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ có giải pháp gì trong thời gian tới để đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận, sử dụng và hưởng lợi từ công cụ chuyển đổi số quốc gia. Bộ trưởng sẽ làm gì để đồng bào không bị bỏ lại phía sau trong công cuộc cách mạng này”

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc thực hiện chuyển đổi số cho vùng sâu,vùng xa được ưu tiên và hỗ trợ giá bán điện thoại thông minh cho người dân.

“Thứ nhất là về hạ tầng viễn thông, Bộ đang chỉ đạo phải phủ sóng để cho tất cả bà con vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa phải có sóng 3G, 4G, 5G thể truy cập Internet. Về hạ tầng thanh toán điện tử thì trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho thí điểm Mobile Money để bà con vùng sâu vùng xa không có thẻ ngân hàng có thể thực hiện thanh toán điện tử được. Bà con vùng sâu, vùng xa có khó khăn là không có máy điện thoại thông minh. Hiện nay đã có một chương trình hợp tác giữa nhà xuất Việt Nam và Nhà mạng Việt Nam để hỗ trợ bán giá điện thoại thông minh với giá khoảng 600-700 nghìn để hỗ trợ bà con”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Cũng tại tại phiên chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ các gia đình có nhà bị đổ, trôi, hư hỏng nặng do thiên tại gây ra. Căn cứ vào mức độ thiệt hại về nhà ở và mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương các địa phương xác định đối tượng và quyết định mức hỗ trợ phù hợp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nói: “Chúng tôi đã cập nhật thống kê thiệt hại về nhà và mất đất của bà con vùng lũ và thu xếp trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định thì chúng tôi đã thu xếp khoảng 1.000 tỷ đồng để đưa vào dự án. Một là giải quyết đất ở, đất sản xuất và dự án 2 là sắp xếp ổn định dân cư. Tuy nhiên, báo cáo với Quốc hội và đại biểu Minh sẽ có một độ trễ nhất định vì do phải thực hiện các thủ tục hành chính”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vì sao câu chuyện ĐH Tôn Đức Thắng lại nóng ở phiên chất vấn của Quốc hội?
Vì sao câu chuyện ĐH Tôn Đức Thắng lại nóng ở phiên chất vấn của Quốc hội?

VOV.VN - Câu chuyện ĐH Tôn Đức Thắng đã làm nóng phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV.

Vì sao câu chuyện ĐH Tôn Đức Thắng lại nóng ở phiên chất vấn của Quốc hội?

Vì sao câu chuyện ĐH Tôn Đức Thắng lại nóng ở phiên chất vấn của Quốc hội?

VOV.VN - Câu chuyện ĐH Tôn Đức Thắng đã làm nóng phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV.

Cử tri tâm đắc với chất vấn: “Sạt lở đất là do thiên tai hay nhân tai?”
Cử tri tâm đắc với chất vấn: “Sạt lở đất là do thiên tai hay nhân tai?”

VOV.VN - Nhiều cử tri tâm đắc trước những chất vấn về vấn đề gìn giữ môi trường, bảo vệ rừng; đặt biệt là cách đặt vấn đề làm rõ nguyên nhân xảy ra lũ quét, sạt lở đất là do thiên tai hay nhân tai? 

Cử tri tâm đắc với chất vấn: “Sạt lở đất là do thiên tai hay nhân tai?”

Cử tri tâm đắc với chất vấn: “Sạt lở đất là do thiên tai hay nhân tai?”

VOV.VN - Nhiều cử tri tâm đắc trước những chất vấn về vấn đề gìn giữ môi trường, bảo vệ rừng; đặt biệt là cách đặt vấn đề làm rõ nguyên nhân xảy ra lũ quét, sạt lở đất là do thiên tai hay nhân tai? 

Chất vấn đã bớt đi câu hỏi và câu trả lời lan man
Chất vấn đã bớt đi câu hỏi và câu trả lời lan man

VOV.VN - Nếu so sánh với chất vấn trong những kỳ họp trước thì lần này đã đi thẳng vào vấn đề hơn, có sự tương tác giữa đại biểu và các Bộ trưởng.

Chất vấn đã bớt đi câu hỏi và câu trả lời lan man

Chất vấn đã bớt đi câu hỏi và câu trả lời lan man

VOV.VN - Nếu so sánh với chất vấn trong những kỳ họp trước thì lần này đã đi thẳng vào vấn đề hơn, có sự tương tác giữa đại biểu và các Bộ trưởng.