Quốc hội thảo luận về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
VOV.VN -Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, Dự thảo luật chưa khắc phục được những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành.
Sáng nay (27/11), sau khi thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều đại biểu cho rằng, Dự thảo luật cần có bước đột phá để khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật hiện nay. Các Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.
Thảo luận về Dự thảo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành luật này, đồng thời ghi nhận những điểm mới của dự luật, trong đó có việc bổ sung quy trình thảo luận về chính sách của văn bản pháp luật và công khai, minh bạch hóa hoạt động xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, Dự thảo luật chưa khắc phục được những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là việc các bộ, ngành vừa là cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật, vừa là cơ quan ban hành hướng dẫn, tổ chức thực hiện và quản lý nhà nước, dẫn đến tình trạng, nhiều chính sách trong luật dành sự thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước và đẩy khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn Đà Nẵng cho rằng: “Một thực tế phổ biến ở nước ta là vừa soạn thảo luật, vừa xử lý chính sách mà việc làm này thì chẳng khác gì vừa thiết kế, vừa thi công dẫn đến một số hệ quả dễ thấy. Đó là văn bản soạn thảo phải thực hiện nhiều lần vì chính sách chỉ được làm sáng tỏ dần trong quá trình soạn thảo và tranh luận nên gây tốn kém mà hiệu quả lại không cao. Thứ hai là nhiều quy định không rõ hoặc là quá chung chung, đọc thì nghe rất hay nhưng áp dụng thì không dễ, do chính sách không được làm rõ ngay từ đầu nên các buổi thảo luận đã trôi qua mà vấn đề còn ở lại, đành giao cho Chính phủ quy định. Đây là một trong những vấn đề khiến Chính phủ gặp khó khăn, lúng túng khi ban hành văn bản hướng dẫn thi hành nên thi hành chậm”.
Cùng quan điểm này, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Thái Bình đề nghị, Dự thảo luật cần quy định giới hạn thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của các bộ, ngành, địa phương để góp phần khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật đang diễn ra phổ biến hiện nay, đồng thời bảo đảm tập trung thực thi quyền lập pháp của Quốc hội và quyền ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị bổ sung 3 nguyên tắc Dự thảo luật. Một là các loại văn bản cấp bộ, ngành trở xuống không được quy định hạn chế các quyền hoặc tăng thêm nghĩa vụ của tổ chức cá nhân so với quy định của văn bản cấp trên (tương tự như cách làm hiện nay của Luật doanh nghiệp là không cho phép các doanh nghiệp, địa phương ban hành quy định về điều kiện kinh doanh). Hai là chỉ các văn bản từ cấp quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên mới có thể có văn bản hướng dẫn. Ba là có cơ chế để kiểm soát và xử lý trách nhiệm của việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn.
Theo đại biểu Trần Du Lịch, Đoàn thành phố Hồ Chí Minh, việc ban hành văn bản pháp luật cần căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ để quyết định vấn đề nào thì cần có luật, pháp lệnh, vấn đề nào chỉ cần Nghị định. Thực hiện việc này cần hướng tới mục tiêu: khi đã có luật rồi thì không cần ban hành Nghị định kèm theo. Chính phủ chỉ nên ban hành Nghị định “không đầu” tức là không phụ thuộc vào Luật mà Quốc hội đã ban hành.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, Luật hiện hành đang không có giai đoạn định hình chính sách cho mỗi văn bản pháp luật và việc thiếu định hướng của các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật ngay từ khi xem xét, đề xuất ý tưởng khiến người soạn thảo giống như “đẽo cày giữa đường”. Do vậy, việc xây dựng chính sách cần được tiến hành trước khi soạn thảo văn bản.
Góp ý về văn bản của cấp huyện, cấp xã, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Kon Tum cho rằng: “Thực tiễn cho thấy 2 cấp chính quyền này ít ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo luật hiện hành. Vấn đề là ít ban hành chứ không phải là không ban hành và có nơi, có thời điểm không ban hành chứ không phải là tất cả. Hiện nay, cả nước có hơn 700 đơn vị cấp huyện và hơn 11.000 đơn vị cấp xã, sẽ có nhiều đơn vị có nhu cầu ban hành văn bản pháp luật và trong quá trình hoạt động có những thời điểm, những trường hợp yêu cầu phải ban hành văn bản pháp luật để thực hiện chức năng nhiệm cụ của chính quyền. Nếu không trao thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật thì sẽ ra sao”.
Cũng trong sáng nay, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Hai luật này đều quy định chặt chẽ các vị trí có trần quân hàm cấp tướng; đồng thời quy định cụ thể số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp tướng ngay trong luật. Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đảm bảo việc phong tướng quân đội không quá 415 người và Luật Công an nhân dân (sửa đổi) lần đầu tiên quy định công an xã thuộc cơ cấu, tổ chức của Công an nhân dân./.