Quốc hội trao cho Chính phủ quyền gì để ứng phó với dịch bệnh cấp bách?

VOV.VN - Chính phủ có thể quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành.

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, với 469/469 đại biểu tán thành, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp, trong đó có nội dung trao cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ một số quyền để tăng cường các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là việc chưa từng có tiền lệ, thể hiện tầm nhìn xa của Quốc hội, tạo cơ chế linh hoạt trong công tác phòng chống dịch Covid-19 với mục tiêu tối thượng đảm bảo sức khỏe của người dân là trên hết.

Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên VOV.VN đã trao đổi với ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ chống dịch

PV: Tại kỳ họp thứ nhất vừa qua, Quốc hội khóa XV đã tán thành việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19. Ông có thể giải thích rõ hơn ý nghĩa của việc này?

Đại biểu Phan Đức Hiếu: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều tác động không lường trước được, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và hạn chế tác động tiêu cực đối với đời sống xã hội, nền kinh tế, đòi hỏi phải rất nhanh và rất khó khăn do không có tiền lệ, thậm chí tính bằng giờ.

Do đó, nhiều quyết định về biện pháp phòng dịch và hỗ trợ người dân, nền kinh tế nếu được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục như thông thường thì không kịp, chậm chễ, thậm chí không thể quyết định được (ví dụ: thủ tục đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị phòng chống dịch, vấn đề mua vật tư dự phòng, huy động hoặc phân bổ nguồn ngân sách cho phòng chống dịch, cấp phép hoặc đăng ký các vaccine, test thử,….)

Trong tình huống này, việc quyết ngay có thể vượt thẩm quyền hoặc kéo dài, hoặc chờ Quốc hội thì chậm chễ. Đồng thời, diễn biễn của dịch rất khó lường. Do đó, Nghị quyết của Quốc hội chính là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả hơn, tính đến cả các tình huống dịch bệnh có thể phát sinh phức tạp hơn trong thời gian tới.

PV: Trong Nghị quyết, Quốc hội có nêu rõ, việc giao “cơ chế đặc biệt” này “nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19”. Vậy, cụ thể, Thủ tướng và Chính phủ được làm gì và làm như thế nào để có thể linh hoạt trong chỉ đạo ứng phó với dịch?

Đại biểu Phan Đức Hiếu: Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ 8 cơ chế giao cho Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng và thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế.

Có thể điểm ra một số cơ chế như: Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19...

Về áp dụng cơ chế này cần lưu ý 2 điểm, đối với một số biện pháp thì Chính phủ chỉ được thực hiện trong một thời hạn không quá ngày 31/12/2022; đối với một số biện pháp, vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

Giải pháp xử lý những vấn đề không thể lường trước

PV: Nghị quyết có quy định, liên quan việc sử dụng ngân sách, “trong trường hợp cấp thiết, ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện”, có thể hiểu như thế nào?

Đại biểu Phan Đức Hiếu: Đây cũng được coi là một giải pháp và thể hiện tinh thần khẩn trương, quyết liệt và sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Việc Quốc hội cho phép Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong thời gian Quốc hội không họp) quyết định một số vấn đề vượt thẩm quyền vừa đảm bảo tính hợp pháp, vừa đảm bảo yêu cầu nhanh và khẩn trương trong phòng chống dịch bệnh, giúp xử lý hiệu quả vấn đề khó hoặc không thể dự đoán trước được.

PV: Quốc hội trao quyền như vậy là sẽ gửi niềm tin tới Chính phủ, Thủ tướng, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất?

Đại biểu Phan Đức Hiếu: Ngoài các Nghị quyết của Đảng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội ngay tại kỳ họp đầu tiên, và là nội dung không có trong dự kiến chương trình kỳ họp đã thể hiện một Quốc hội năng động, quyết liệt, mạnh mẽ; thể hiện sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ và có trách nhiệm giữa các bên trong xã hội, giữa Đảng – Quốc hội – Chính phủ và nhân dân, doanh nghiệp. Với sự đồng lòng, quyết tâm của toàn xã hội thì tin tưởng rằng nước ta sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhanh chóng phục hồi trở lại.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kỳ họp Quốc hội với những tiền lệ chưa từng có
Kỳ họp Quốc hội với những tiền lệ chưa từng có

VOV.VN - Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã bế mạc với những tiền lệ chưa từng có.

Kỳ họp Quốc hội với những tiền lệ chưa từng có

Kỳ họp Quốc hội với những tiền lệ chưa từng có

VOV.VN - Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã bế mạc với những tiền lệ chưa từng có.

Quốc hội đồng ý trao cơ chế đặc biệt để Chính phủ và Thủ tướng chống dịch
Quốc hội đồng ý trao cơ chế đặc biệt để Chính phủ và Thủ tướng chống dịch

VOV.VN - Quốc hội tán thành việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19.

Quốc hội đồng ý trao cơ chế đặc biệt để Chính phủ và Thủ tướng chống dịch

Quốc hội đồng ý trao cơ chế đặc biệt để Chính phủ và Thủ tướng chống dịch

VOV.VN - Quốc hội tán thành việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19.

Kỳ họp linh hoạt, đặc biệt của Quốc hội
Kỳ họp linh hoạt, đặc biệt của Quốc hội

VOV.VN - Sự linh hoạt, chủ động thích ứng của Kỳ họp thứ Nhất đã tạo tiền đề, động lực và mở ra một khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp linh hoạt, đặc biệt của Quốc hội

Kỳ họp linh hoạt, đặc biệt của Quốc hội

VOV.VN - Sự linh hoạt, chủ động thích ứng của Kỳ họp thứ Nhất đã tạo tiền đề, động lực và mở ra một khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.