Ô nhiễm môi trường: Dân kêu không thở được, kiểm tra nói không thấy
VOV.VN -Đại biểu Quốc hội cho rằng, có tình trạng dân phản ánh là ô nhiễm không khí không thể hít thở nổi, nhưng đi kiểm tra lại bảo đúng theo quy định...
Vào chiều nay (18/6), thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), các đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc đối với việc xử lý giảm thiểu thải khí thải tác động xấu đến môi trường. Các ý kiến cũng tranh luận với việc kêu gọi xã hội hóa để bảo vệ môi trường. Đồng thời đề nghị có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và UBND cấp tỉnh tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ và đổ lỗi trách nhiệm trong phối hợp thực hiện bảo vệ môi trường.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn Ninh Thuận đề nghị: cần nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc đối với việc xử lý giảm thiểu thải khí thải tác động xấu đến môi trường. |
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cho rằng: Đại dịch Covid 19 vừa qua cho chúng ta nhận ra rằng sự an toàn sinh mạng con người rất mong manh, sẽ có những đại dịch bất ngờ xảy ra nếu như con người không tôn trọng tự nhiên, không có ý thức bảo vệ môi trường. Theo các đại biểu việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường nhằm ngặn chặn được các đại dịch nguy hiểm sẽ xảy ra, hoặc nếu có xảy ra thì có cơ sở pháp lý để giải quyết, xử lý và ứng phó với các đại dịch đó.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn Ninh Thuận đề nghị: cần nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc đối với việc xử lý giảm thiểu thải khí thải tác động xấu đến môi trường.
“Như thế nào là giảm thiểu, định lượng giảm thiểu như thế nào để được xem là đảm bảo không khí không còn tác động xấu đến môi trường. Theo tôi cần quy định minh bạch vấn đề này để thuận lợi trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, tránh tình trạng người dân phản ánh là ô nhiễm không hít thở nổi, sống không nổi với ô nhiễm không khí. Vấn đề ô nhiễm không khí còn đó nhưng kiểm tra vẫn bảo là đã thực hiện giảm thiểu theo quy định rồi và không thực hiện xử lý nữa. Việc này gây bức xúc trong người dân”, bà Hương nói.
Các đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình; đại biểu Nguyễn Trí Tài đoàn Thừa Thiên Huế và nhiều đại biểu khác đề nghị quan tâm đầu tư nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và đề nghị xã hội hóa bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn Bà Rịa Vũng Tàu lại không đồng tình với vấn đề này và tranh luận lại.
Đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn Bà Rịa Vũng Tàu. |
“Kêu gọi xã hội hóa có thể góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nguồn lực xã hội hóa chỉ đảm bảo cho xử lý chất thải còn một số công trình khác Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo. Chẳng hạn như việc xử lý các bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các dòng sông chảy qua nhiều địa phương, chất thải độc tồn lưu sau chiến tranh hay hoạt động quan trắc, khảo sát chất lượng môi trường cho nhân dân… chẳng hạn như TP Hồ Chí Minh trên thế giới một số quốc gia hàng năm chi 5 đến 10% GDP cho bảo vệ môi trường”, đại biểu Dương Minh Tuấn nói.
Đại biểu Dương Minh Tuấn kiến nghị, Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong bảo vệ môi trường hàng năm Nhà nước phải bố trí chi ngân sách nguồn đầu tư vào nguồn vốn sự nghiệp.
Về các nội dung liên quan đến đánh giá tác động môi trường, các đại biểu cho rằng: dự thảo luật lần đã chuyển từ việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thành phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm nâng cao trách nhiệm của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng thời trao cho chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm với việc tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.
“Việc quy định thẩm quyền của các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiểm tra thực hiện các nội dung yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện dự án lại không thống nhất với các quy định về phân công chức năng quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về môi trường của các bộ, ngành nêu trên trong dự thảo luật, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu”, đại biểu Bùi Thanh Tùng đoàn Hải Phòng đề nghị.
Các ý kiến đề nghị việc phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các UBND cấp tỉnh cần mang tính đồng bộ, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, đổ lỗi trách nhiệm của Bộ, ngành địa phương trong phối hợp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp. |
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp đề nghị: “Thanh tra kiểm tra đột xuất khi có phản ánh về môi trường, không phải không báo trước cho đối tượng tra là phù hợp vì nếu báo trước nếu không phát hiện, cơ sở đối phó mà thanh tra, kiểm tra theo quy trình không phát hiện được. Nhưng cũng không được tùy tiện thanh tra, kiểm tra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức và cá nhân”.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức, đoàn TP Hồ Chí Minh thì đề nghị Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động của lực lượng công an nhân dân; chỉ đạo, tổ chức hoạt động phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống tội phạm về môi trường.
“Vẫn có những việc là khi các quy chuẩn tiêu chuẩn mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đặt ra và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ đó. Một số doanh nghiệp vẫn có lợi dụng làm các hệ thống ngầm để xả thải giấu diếm thì xả thải các chất thải rắn lỏng ra môi trường gây ra ô nhiễm mà khi những người dân phát hiện thấy và gây ra những hậu quả rất nặng nề, thậm chí là cả sự cố môi trường. Chính vì vậy, cho nên là nếu chỉ quy định là chỉ Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo về trong việc phòng, chống tội phạm môi trường thôi. Còn những hành vi liên quan đến về việc phòng, chống tội phạm về môi trường thì có lẽ cần phải có quy định trong này thì nó mới đảm bảo toàn và trọn vẹn”, đại biểu Nguyễn Minh Đức phân tích.
Các đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá các nội dung để thực hiện cấp giấy phép môi trường duy nhất này được bao quát đầy đủ, không bỏ sót các hành vi mà theo chính sách này phải được đánh giá, kiểm tra và xử lý, nếu có vi phạm nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quá trình cấp phép thanh tra, kiểm tra, xử lý sau này.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre. |
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, đây là Bộ Luật khó, nội dung đồ sộ. Về việc tích hợp 7 giấy phép về môi trường trong một, đây là chính sách mang tính cách mạng, tuy nhiên đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì phối hợp các bộ ngành đánh giá nội dung thực hiện cấp 1 giấy phép duy nhất bảo đảm kiểm tra, đánh giá, xử lý, tạo pháp lý cho thanh tra, kiểm tra sau này.
Đại biểu để nghị chú ý vấn đề bảo vệ môi trường không khí ở đô thị. Vì theo đại biểu, đây là vấn đề chịu áp lực rất lớn và ô nhiễm trong thời gian vừa qua. Chúng ta thấy thời gian vừa qua trên địa bàn TP Hà Nội luôn luôn giữ vị trí quán quân về chỉ số tím và chỉ số đỏ về ô nhiễm môi trường.
“Tôi đề nghị cần phải quy định rõ chính sách bảo vệ môi trường các thành phố lớn khu dân cư, nhất là các khu vực thường xuyên chịu áp lực của ô nhiễm do khói bụi, trong đó cần quy định rõ tỷ lệ trồng rừng, tỷ lệ xây dựng công viên các thành phố lớn theo quy hoạch xây dựng và đề nghị bổ sung vấn đề về giải pháp xây dựng và bảo vệ môi trường không khí đô thị, nhất là khu vực thường xuyên chịu áp lực ô nhiễm”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng kiến nghị cần có quy định rõ đất dành cho cây xanh, công viên, giải pháp bảo vệ môi trường không khí ở đô thị, khu vực nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Vì vấn đề lo ngại là sử dụng phân bón, thuôc trừ sâu làm ô nhiễm nguồn nước hiện nay. Vì nhiều nguồn nước được sử dụng làm nước sinh hoạt, nên cần có chính sách riêng về bảo vệ môi trường khu vực đầu nguồn, kiên trì sử dụng phân bón hữu cơ.
“Trả tiền theo mức độ phát thải rác, đồng ý nhưng cần nghiên cứu cơ chế kiểm tra giám sát để bảo vệ chính sách, nâng cao ý thức người dân, tăng cường kiểm soát để thực hiện nghiêm quy định này”, ông Nhưỡng nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ luật Bảo vệ Môi trường lần này ban hành phải mang tính khả thi và làm thay đổi tình trạng môi trường đang ô nhiễm hiện nay, đáp ứng nguyên vọng có bộ luật tốt để các dư án đầu tư mới được sàng lọc, bảo đảm cho sự phát triển tốt hơn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, xây dựng luật cũng đã đặt ra vấn đề nâng cao tính khả thi trong thực tế, bảo đảm tầm nhìn để sức sống của luật dài hơn, bảo đảm tính thống nhất với luật khác, tạo thêm sức mạnh chứ ko tạo ra mâu thuẫn xung đột trong quản lý.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Xả nhiều rác thì phải trả nhiều tiền hơn”
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Quốc hội chưa quyết định xem xét thông qua dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại 3 kỳ họp. Sắp tới Ủy ban TVHQ tiếp tục tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách để xin ý kiến Đại biểu Quốc hội vào các nội dung của dự án Luật.
Trước đó, vào đầu giờ chiều nay, quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Cũng với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Ngày mai (19/06) Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 9, trước khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc, Quốc hội biểu quyết thông qua 7 Nghị quyết quan trọng; biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Biên phòng Việt Nam./.