AIPA 41: Cơ hội để nghị sĩ trẻ tham gia vào những vấn đề chung của ASEAN
VOV.VN - Việt Nam sẽ giới thiệu nhiều cách làm của Quốc hội trong quá trình thúc đẩy và tạo điều kiện để thanh niên được trao quyền nhiều hơn.
Đại hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) dự kiến diễn ra từ ngày 8-10/9 tại Hà Nội với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Đây là kỳ Đại hội AIPA “đầu tiên trong lịch sử” được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Trong khuôn khổ Đại hội, Quốc hội Việt Nam đề xuất thành lập cơ chế Hội nghị nghị sĩ trẻ nhằm đề cao vai trò của nghị sỹ trẻ nói riêng và thanh niên nói chung trong việc tham gia vào các hoạt động của Quốc hội và những vấn đề chung của ASEAN. Trước thềm Hội nghị, phóng viên VOV phỏng vấn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCSHCM, Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ Quốc hội Khóa XIV, Chủ trì Hội nghị Nghị sỹ trẻ tại AIPA 41.
PV: Trước hết, xin ông chia sẻ về sáng kiến tổ chức hội nghị không chính thức Nghị sĩ trẻ AIPA trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41 của nước chủ nhà Việt Nam?
Ông LÊ QUỐC PHONG: Hội nghị không chính thức Nghị sĩ trẻ AIPA là 1 sáng kiến của Việt Nam được chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân nêu tại AIPA 40 và sau đó Việt Nam đề nghị triển khai thực hiện nội dung này. Năm nay với tư cách chủ nhà, Việt Nam sẽ đưa vào chương trình nghị sự của AIPA. Tôi nghĩ, xác định tổ chức Hội nghị không chính thức về Nghị sĩ trẻ AIPA là bước tiến quan trọng thể hiện sự quan tâm, tầm nhìn của AIPA đánh giá cao về vai trò, vị trí của các nghị sĩ trẻ, đặc biệt là vai trò của thanh niên với tỷ trọng khoảng 1/3 dân số khu vực thì việc các nghị sĩ trẻ tham gia vào diễn đàn chung của nghị viện khu vực và thể hiện quan điểm, tiếng nói đại diện cho giới trẻ là hết sức quan trọng. Tôi tin sáng kiến này sẽ mang lại không khí mới cho AIPA.
PV: Sáng kiến về Hội nghị Nghị sĩ trẻ của Quốc hội Việt Nam được các nước thành viên khác đón nhận và đánh giá như thế nào, thưa ông?
Ông LÊ QUỐC PHONG: Đến thời điểm này, qua làm việc với các nước, chúng tôi đã nhận được những phản hồi rất tích cực. Các nước đều rất ủng hộ việc tổ chức Hội nghị không chính thức Nghị sĩ trẻ AIPA và quá trình chuẩn bị đang vào giai đoạn hoàn tất. Đặc biệt là các nước tham gia tích cực vào việc xây dựng nghị quyết chung. Với chủ đề "Nghị sĩ trẻ AIPA xây dựng cộng đồng ASEAN", chúng tôi xác định các nội dung gắn sát với trách nhiệm của nghị sĩ trẻ để làm sao xây dựng được cơ chế chính sách, tạo điều kiện trao quyền cho thanh niên của các nước trong khu vực và tham gia vào sự phát triển chung của ASEAN. Chúng tôi nhận được phản hồi của các nước khá là đồng thuận với sự chuẩn bị của Việt Nam.
PV: Với vai trò chủ nhà, Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất, khuyến nghị gì tại Hội nghị không chính thức Nghị sĩ trẻ AIPA, thưa ông?
Ông LÊ QUỐC PHONG: Chúng tôi sẽ bám sát vào chủ đề chung của hội nghị đặt ra, đặc biệt những vấn đề liên quan tới chính sách pháp luật, các cơ chế, điều kiện để thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Việt Nam cũng sẽ giới thiệu nhiều cách làm của Quốc hội Việt Nam trong quá trình thúc đẩy và tạo điều kiện để thanh niên được trao quyền nhiều hơn. Vừa rồi, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật thanh niên, có nhiều điểm mới tiến bộ. Chúng tôi sẽ tham gia ý kiến để tăng cường những cơ chế thúc đẩy trao đổi lẫn nhau giữa những nghị sĩ trẻ của AIPA. Chúng tôi cũng kỳ vọng, thông qua những sáng kiến trao đổi của mình thì Hội nghị không chính thức của nghĩ sĩ trẻ lần này sẽ trở thành một trong những nội dung được AIPA quan tâm và trở thành một hoạt động chính thức thường niên của các kỳ họp của AIPA.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của ĐBQH trẻ trong hoạt động của cơ quan lập pháp? Sự tham gia của nghị sĩ trẻ có thể thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa AIPA với ASEAN như thế nào?
Ông LÊ QUỐC PHONG: Chúng tôi theo dõi thấy rằng, trong các hoạt động tiếp xúc cử tri, đặc biệt là trên diễn đàn quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội trẻ tham gia phát biểu thảo luận, tham gia chất vấn tranh luận nội dung của Quốc Hội ngày càng nhiều hơn. Chất lượng ngày một tốt hơn, điều đó cho thấy, sự trưởng thành rất lớn của đại biểu Quốc hội trẻ của Việt Nam và sự đóng góp ngày càng nhiều hơn trong sự thành công chung của Quốc hội. Nếu thúc đẩy vai trò nghị sĩ trẻ tham gia vào những vấn đề chung của ASEAN thì đó là kênh rất quan trọng để đóng góp nhiều hơn trí tuệ khả năng của nghị sỹ trẻ tham gia vào việc hoạch định chính sách, đặc biệt hoạt động chung của khối. Sự tham gia của nghị sỹ trẻ ngày càng cao cho thấy sự quan tâm vào không gian kết nối, phát huy vai trò của mình trong hoạt động của ASEAN ngày càng tốt hơn.
PV: Ông có kỳ vọng gì về kết quả của Hội nghị nghị sỹ trẻ tới đây?
Ông LÊ QUỐC PHONG: Tôi có hai kỳ vọng. Thứ nhất là thông qua hội nghị không chính thức nghị sỹ trẻ sẽ khẳng định vị trí, sự quan trọng của các nghị sĩ trẻ trong tham gia các hoạt động. Qua đó lãnh đạo ASEAN sẽ quan tâm hơn tới việc thúc đẩy sự tham gia, tao điều kiện thuận lợi để các nghị sĩ trẻ tham gia vào nhiều nội dung của AIPA. Thứ hai là chúng tôi mong muốn cơ chế này trở thành cơ chế chính thức trên cơ sở sáng kiến của Việt Nam trong các hoạt động của AIPA.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!