Bầu cử đại biểu Quốc hội: Niềm tin của nhân dân là thước đo giá trị

VOV.VN - Từ nhân dân mà có và vì nhân dân mà hoạt động, đó là bản chất nhưng đồng thời cũng là tôn chỉ hoạt động của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội.

Dân chủ là nền tảng giá trị cốt lõi của Quốc hội. Ngay từ Quốc hội khóa 1, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giá trị đó đã được khẳng định và thể hiện mạnh mẽ trong quá trình lựa chọn những đại biểu đại diện xứng đáng để đồng hành với nhân dân vượt qua mọi gian khó, thách thức của những ngày đầu nhà nước non trẻ.

Quốc hội vì dân sẽ có được niềm tin sâu sắc của nhân dân. Bài học có ý nghĩa lịch sử đó vẫn sâu sắc cho đến tận sau này. Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội khóa 11, 12, 13, 14 đã chia sẻ với phóng viên VOV về nội dung này.

PV: Thưa ông, mỗi lần bầu cử đại biểu Quốc hội sẽ nhắc nhớ chúng ta về ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Là nhà nghiên cứu lịch sử, là đại biểu Quốc hội của 4 nhiệm kỳ liên tiếp, theo ông những giá trị lịch sử của ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là gì?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi tham gia Quốc hội đến nay là 4 nhiệm kỳ. Có thể nói đó là khoảng thời gian rất ý nghĩa. Cảm nhận của tôi sau khi tham gia Quốc hội thì nhận thức được đây là một trường học rất lớn. Nhờ đó, tôi có được rất nhiều hiểu biết, rất nhiều thông tin, có cơ hội được trao đổi, chia sẻ với cử tri và với cả các nhà lãnh đạo.

Tôi là một người làm công tác lịch sử. Nói đến lịch sử thì tôi nghĩ đến một trong những người tham gia hoạt động chính trị, hoạt động Quốc hội rất sớm, đó là ông Trần Huy Liệu. Tôi cũng là một người làm báo giống ông. Dù chỉ là một tờ báo nhỏ nhưng rất ý nghĩa với nghề nghiệp: Đó là tạp chí Xưa và Nay. Có lẽ góc nhìn đó cũng tạo ra một sự riêng biệt so với các đại biểu khác trong Quốc hội. Tôi nghĩ rằng quá trình tham gia Quốc hội, mình cũng phát huy được thế mạnh khi chia sẻ những suy nghĩ với người khác và tiếp nhận ý kiến của người khác đối với mình.

Tôi hay nói đến một hình tượng: Kính chiếu hậu của chiếc ô tô. Nó nhỏ thôi và ở một vị trí rất khiêm nhường nhưng cực kỳ quan trọng. Anh muốn tiến nhanh bao nhiêu thì phải quan tâm đến kính chiếu hậu, xem lại những cái đã qua, giống như trong bài phát biểu gần đây nhất - được coi là lần cuối trước Quốc hội - tôi có nói rằng: Đỉnh cao đôi khi ở phía sau mình. Nhất là khi chúng ta nói truyền thống của Quốc hội đã có hơn 70 năm.

Nhìn lại quá khứ thấy có nhiều tiền đề cho Quốc hội phát triển. Cốt lõi của Quốc hội là biểu tượng của nền dân chủ. Nhà nước Việt Nam ra đời sau cách mạng, làm được hai điều lớn nhất trong lịch sử là chấm dứt chế độ thuộc địa gần 100 năm và chấm dứt luôn chế độ quân chủ cả nghìn năm. Vậy thì con đường phát triển tiếp theo là gì? Những người làm sử chúng tôi luôn đặt ra một câu hỏi: Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh - một người yêu nước, nhà cách mạng, một người cộng sản - nhưng khi giành độc lập dân tộc lại lựa chọn chế độ dân chủ cộng hòa, mô hình vào thời điểm đó có thể nói là tiên tiến nhất của nền dân chủ hiện đại? Đương nhiên với một quốc gia vừa thoát thai ra khỏi chế độ phong kiến nửa thuộc địa thì bước vào con đường đó thực sự khó khăn.

Người dân không biết chữ và bị đầu độc bởi nền giáo dục và tuyên truyền của chế độ thuộc địa, những tàn dư phong kiến rất nặng nề. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 được diễn ra trong bối cảnh đó chúng ta mới thấy được tầm vóc của nó, di sản vô cùng quý giá. Giờ đây chúng ta có thể nhìn lại, việc đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngay trong cương lĩnh chính trị của mình, không phải là lúc giành được chính quyền mà từ thời kỳ bắt đầu đi vào quá trình của cách mạng, thậm chí khi Đảng chưa ra đời, đó là: Dân chủ là xu thế tất yếu. Trong những bài giảng của Người cho những chiến sĩ cộng sản sau này cũng bàn về dân chủ, về thể chế.

Một trong những việc làm đầu tiên là không chỉ chống giặc ngoại xâm, chống giặc đói, mà quan trọng nhất là chống giặc dốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức xóa nạn mù chữ. Người dân cày, người thợ thuyền có thể tự tay cầm lá phiếu, cầm cây bút gạch, viết một vài chữ để thể hiện nguyện vọng, ý chí của mình.

Sau khi thành lập chính phủ lâm thời, một trong những nhiệm vụ hàng đầu là nhanh chóng có Quốc hội và Quốc hội đó xây dựng hiến pháp, xây dựng thể chế pháp luật cho đất nước phát triển. Một trong những việc làm đầu tiên là không chỉ chống giặc ngoại xâm, chống giặc đói, mà quan trọng nhất là chống giặc dốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức xóa nạn mù chữ. Người dân cày, người thợ thuyền có thể tự tay cầm lá phiếu, cầm cây bút gạch, viết một vài chữ để thể hiện nguyện vọng, ý chí của mình. Đó là yếu tố cực kỳ quan trọng. Những gì diễn ra trong cuộc Tổng tuyển cử ấy gần như tiếp cận với tất cả những giá trị phổ biến nhất và hiện đại nhất. Tôi lấy ví dụ: Ngày nay nói bình đẳng nam - nữ chúng ta tưởng như rất bình thường. Nhưng thời kỳ năm 1945 trên thế giới điều đó còn rất thiếu, nhất là với một xã hội vốn phong kiến ảnh hưởng tư tưởng Khổng giáo như chúng ta. Lần đầu tiên Tổng tuyển cử người phụ nữ cũng có quyền năng như đàn ông, đó là điều mà kể cả các quốc gia tiên tiến khác chưa làm được.

Tất cả mọi người ở những thành phần khác nhau của chế độ cũ đều tham gia. Thực ra lúc đó cách mạng chưa có một lớp người của chế độ mới, chưa có trí thức cách mạng, mà chỉ là từ những người tham gia cách mạng thôi, phần lớn được đào tạo trong chế độ phong kiến, chế độ thực dân nhưng cũng tham gia vào như một nguồn lực và cũng chính là động lực cho sự phát triển. Tất cả những nhân vật quan trọng nhất của xã hội, danh tiếng nhất của xã hội gần như đều có mặt như ông Trịnh Văn Bô.

Vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên - cụ Nguyễn Văn Tố - là người không đảng phái, một người vừa là tri thức quốc học thấm sâu tư tưởng dân tộc nhưng đồng thời lại cũng là một trí thức Tây học rất nổi tiếng. Sau khi cụ Nguyễn Văn Tố hy sinh thì lại tới một đại quan của triều đình cũ là Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn. Một hiện tượng hy hữu nữa là sau khi bầu cử xong, lựa chọn được hơn 300 đại biểu rồi thì vẫn dành 70 ghế cho các đảng phái, kể cả đảng phái đối lập, phải thuyết phục các đại biểu Quốc hội là đất nước ta trong hoàn cảnh ấy nên tham gia vào để lo việc nước. Điều đó thể hiện rất rõ việc phát huy tính đại đoàn kết trong toàn dân. Đoàn kết ở đây không phải chỉ là lấy số đông mà đoàn kết những tinh hoa của đất nước.

Tầng lớp trí thức trong Ủy ban xây dựng Hiến pháp phần lớn là những người chế độ cũ, là những nhà luật học, xã hội học, là những nhà hoạt động kinh tế bên cạnh những chiến sĩ cách mạng, bên cạnh tầng lớp công nông, những người lao động bình thường. Đó là nền tảng, là căn cốt mà Cụ Hồ đã để lại trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên.

Vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên - cụ Nguyễn Văn Tố - là người không đảng phái, một người vừa là tri thức quốc học thấm sâu tư tưởng dân tộc nhưng đồng thời lại cũng là một trí thức Tây học rất nổi tiếng. Sau khi cụ Nguyễn Văn Tố hy sinh thì lại tới một đại quan của triều đình cũ là Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn. Một hiện tượng hy hữu nữa là sau khi bầu cử xong, lựa chọn được hơn 300 đại biểu rồi thì vẫn dành 70 ghế cho các đảng phái, kể cả đảng phái đối lập, phải thuyết phục các đại biểu Quốc hội là đất nước ta trong hoàn cảnh ấy nên tham gia vào để lo việc nước.

PV: Như vậy, trong muôn ngàn gian khó, thách thức của giặc ngoại xâm, giặc dốt, giặc đói, thậm chí có nơi, dưới lưỡi lê và súng đạn của kẻ thù, người dân cả nước vẫn nô nức cầm lá phiếu đi bầu. Theo ông, yếu tố gì đã làm nên điều kỳ diệu đó?

Ông Dương Trung Quốc: Niềm tin. Niềm tin của người dân rất quan trọng. Và điều quan trọng nữa là mọi người đều có lòng yêu nước. Chỉ là cách thể hiện lòng yêu nước như thế nào thôi. Cụ Hồ muốn thu hút được tối đa mọi tầng lớp xã hội. Chính vì thế mà chúng ta có được một tiền đề. Tiền đề ấy trên con đường phát triển có những thay đổi, thậm chí có những sai lệch, ta sẽ điều chỉnh lại, trở về căn cốt đúng nguyên lý mà Cụ Hồ hay dùng, một nguyên lý chung của nhân loại là: Dĩ bất biến ứng vạn biến.

Tại sao Cụ Hồ về Hà Nội? Cụ không chỉ về với người công nông, về với người lao động mà Cụ lại về nhà giàu nhất của những người giàu nhất là ông bà Trịnh Văn Bô. Vì Cụ rất tin là người yêu nước ấy không phải như nguyên lý đấu tranh giai cấp mà người ta hay rao giảng lúc đó. Họ vẫn có lòng yêu nước và họ đi theo cách mạng. Đó là thành công lớn.

Bây giờ cũng vậy, để thuyết phục những người có ý kiến khác nhau thì phải dùng thực tiễn và bằng trách nhiệm đối với đất nước. Lòng yêu nước phải thể hiện cụ thể. Tôi hay nói là chủ nghĩa yêu nước có thể khác nhau nhưng yêu nước là tài sản chung của mọi người. Ta phải làm sao cho chủ nghĩa yêu nước của thể chế chính trị này đủ sức thuyết phục, đủ sức thu hút, đủ sức phân hóa thì ta sẽ thành công.

PV: Từ thực tế tham gia 4 khóa Quốc hội, theo ông, cử tri và nhân dân đang cần những người đại diện cho họ trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất phải có những tố chất nào, bên cạnh tiêu chuẩn chung theo quy định?

Ông Dương Trung Quốc: Con người là một phức thể rất khó đánh giá giữa lời nói và việc làm, giữa mong muốn và hiện thực. Tôi nghĩ rằng các đại biểu Quốc hội đều có ý thức cả. Nhưng ý thức đó luôn bị tác động bởi một yếu tố mà đôi khi chúng ta cố tình né tránh là lợi ích. Người ta nói nhóm lợi ích như là một cái gì đó xấu xa, rằng con người cứ nghĩ đến lợi ích của riêng mình là chưa xứng đáng. Đừng ai nghĩ rằng lợi ích là cái gì đó xa xỉ, đi ngược lại cái chung. Vấn đề là ta điều hòa lợi ích đó như thế nào. Nó có thể là giá trị vật chất, có thể là giá trị tinh thần, có khi thỏa mãn một mong muốn thôi. Mong muốn có thể không mang lại lợi ích vật chất nào cả nhưng họ thỏa mãn. Đó là một yêu cầu.

Trong cái phức thể như thế ta phải tìm ra cái chung nhất. Ta phải chấp nhận quy luật của xã hội là có sự thải loại. Đừng bao giờ nghĩ rằng bầu ra từng ấy đại biểu Quốc hội là hoàn thiện cả. Chính trong thực tiễn mới thể hiện rõ. Chúng ta thấy nhiệm kỳ vừa rồi có những sự cố mà nếu nhìn từ bên ngoài thì thấy đau lòng, rằng tại sao có những đại biểu Quốc hội lại nảy sinh việc này việc kia tiêu cực để đến mức bãi nhiệm. Nhưng tôi lại nhìn nhận đó là tốt. Đó là Quốc hội năng động.

Tôi nghĩ nếu điều đó có xảy ra tiếp cũng là chuyện bình thường. Chỉ có điều, mong ước lớn nhất là đã bầu ra các đại biểu đúng chuẩn. Tuy nhiên, điều đó cũng không đơn giản. 500 đại biểu là 500 con người có thể cùng đứng chung trong một tổ chức chính trị nhưng nhận thức khác nhau. Trong nhận thức ấy có những vấn đề chung, cũng có những vấn đề rất cụ thể. Tôi cho rằng phải nhìn cuộc sống biện chứng như thế.

PV: Từ thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa 1 và các khóa sau này, dù ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau với điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, có những bài học nào cần đặc biệt lưu tâm trong công tác bầu cử để khơi dậy được tinh thần, trách nhiệm của từng người dân trong lá phiếu bầu, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi muốn tiếp tục phát triển ý tứ mà Cụ Hồ rất hay dùng. Đó là “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Hoàn cảnh lịch sử đặt ra cho chúng ta: Tạo ra được một cơ chế như thế, tạo ra được một đội ngũ như thế. Nhưng cái bất biến là gì? Là nó luôn hướng vào một mục đích đúng. Có mục đích đúng thì mọi người phải thể hiện mình ở trong hoạt động thực tiễn. Quan trọng nhất là làm sao cho người dân giám sát được Quốc hội. Một đại biểu Quốc hội phải làm thế nào thực hiện tốt trọng trách được giao phó. Việc thực hiện như thế nào được đánh giá không phải chỉ là hết nhiệm kỳ không xảy ra chuyện gì là xong. Người dân có bầu mình tiếp hay không, đấy là một thước đo, người dân có thỏa mãn với mình không? Muốn thế, hoạt động của đại biểu Quốc hội phải được minh bạch, công khai.

Tại sao tôi cứ nói đi nói lại mãi: Từ khi ta ứng dụng công nghệ mới rất có ích, rất tiến bộ, là việc bấm nút điện tử. Nhưng lại đánh mất đi một giá trị quan trọng là sự minh bạch, mất đi khả năng để người dân giám sát đại biểu của mình. Họ chỉ nhận được những con số vô hồn, mặc dù con số đấy tôi tin rằng rất là chính xác. Nhưng người dân không biết tại sao bấm đồng ý, tại sao bấm không đồng ý.

“Tôi cho rằng, Quốc hội chính là biểu hiện niềm tin của nhân dân và để có được niềm tin ấy thì không gì bằng tính minh bạch trong các hoạt động của Quốc hội”.

Ngoài những hoạt động như phát biểu ở diễn đàn Quốc hội, các ý kiến, bài viết trên báo chí, thì rất ít người biết được công việc của đại biểu Quốc hội. Ở một số nước họ có những giải pháp, ví dụ như Hạ viện 2 năm bầu một lần, như vậy, buộc đại biểu nào cũng như ngồi trên ghế nóng, không phải cứ chờ đến sát bầu cử mới thể hiện. Bất kỳ lúc nào người dân cũng có thể quyết định bằng lá phiếu của mình, xem có hài lòng với hoạt động của đại biểu hay không. Nhưng ở ta thì không có. Đấy còn chưa kể quyền lựa chọn ấy phụ thuộc vào chủ trương cơ cấu. Cơ cấu là cần thiết, nhưng cơ cấu mà triệt tiêu những nhân tố tích cực thì không được.

Tôi rất không tán thành việc có những đại biểu Quốc hội trẻ, chỉ cần một nhiệm kỳ đã thể hiện được năng lực rồi nhưng bỗng nhiên chỉ vì cơ cấu họ bị gạt ra. Như vậy tự nhiên mất đi yếu tố tích cực, rồi lại làm mới từ đầu. Tính chuyên nghiệp mặc dù Quốc hội cố gắng hướng tới là thành phần đại biểu Quốc hội chuyên trách nhiều hơn, có cả chính sách là thu hút cả những trường hợp tạm gọi là đặc biệt, ví dụ các chuyên gia, nhưng chính sách này chỉ là tương đối.

Tôi thì có thuận lợi hơn là mình không chuyên trách, lại chỉ nằm trong cơ cấu thành phần, thì lại được duy trì đến 4 nhiệm kỳ. Tôi cũng cảm thấy hơi dài và chủ động rút lui, cộng với tuổi tác nữa, để có nhân tố mới, những nhân tố phải được vun đắp. Nếu để triệt tiêu mất những nhân tố tích cực thì rất lãng phí. Đấy chưa kể là người dân còn nghi ngờ, vì họ không thể chia sẻ việc đó chỉ là do cơ cấu hay do tuổi tác mà có thể người dân cho rằng vì ông này nói mạnh quá, đụng chạm nhiều quá. Nếu điều đó xảy ra thì phương hại đến mục tiêu mà chúng ta đang phấn đấu tới là tính chuyên nghiệp của Quốc hội, tăng cường năng lực của Quốc hội.

Quốc hội là một thực thể rất bình đẳng. Bà chủ tịch Quốc hội hay ông chủ tịch Quốc hội không có nghĩa là người định đoạt tất cả, một lá phiếu của ông/bà tương đương một lá phiếu của tôi. Cho nên những chuyện đó ta phải thể hiện rõ thì người dân sẽ tin hơn. Tôi cho rằng, Quốc hội chính là biểu hiện niềm tin của nhân dân và để có được niềm tin ấy thì không gì bằng tính minh bạch trong các hoạt động của Quốc hội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ông Dương Trung Quốc và 4 nhiệm kỳ là người ngoài Đảng tham gia Quốc hội
Ông Dương Trung Quốc và 4 nhiệm kỳ là người ngoài Đảng tham gia Quốc hội

VOV.VN - Ông Dương Trung Quốc cho rằng, là người ngoài Đảng tham gia Quốc hội, điều đó khiến ông không bị ràng buộc quá nhiều vào những quy định của tổ chức.

Ông Dương Trung Quốc và 4 nhiệm kỳ là người ngoài Đảng tham gia Quốc hội

Ông Dương Trung Quốc và 4 nhiệm kỳ là người ngoài Đảng tham gia Quốc hội

VOV.VN - Ông Dương Trung Quốc cho rằng, là người ngoài Đảng tham gia Quốc hội, điều đó khiến ông không bị ràng buộc quá nhiều vào những quy định của tổ chức.

Ông Dương Trung Quốc:Chuyển thu phí sang thu giá là do thiếu minh bạch
Ông Dương Trung Quốc:Chuyển thu phí sang thu giá là do thiếu minh bạch

VOV.VN - ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, đường không phải là sở hữu của nhà đầu tư mà nhà đầu tư chỉ bỏ tiền nâng cấp, nên không thể gọi là "thu giá" được.

Ông Dương Trung Quốc:Chuyển thu phí sang thu giá là do thiếu minh bạch

Ông Dương Trung Quốc:Chuyển thu phí sang thu giá là do thiếu minh bạch

VOV.VN - ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, đường không phải là sở hữu của nhà đầu tư mà nhà đầu tư chỉ bỏ tiền nâng cấp, nên không thể gọi là "thu giá" được.

Ông Dương Trung Quốc: Quy hoạch sông Hồng phải trân trọng và thận trọng
Ông Dương Trung Quốc: Quy hoạch sông Hồng phải trân trọng và thận trọng

VOV.VN - Ngày xưa các cụ rất quan trọng trong vấn đề ứng xử với dòng sông. Dòng sông có gì đó gắn với yếu tố linh thiêng, phong thủy.

Ông Dương Trung Quốc: Quy hoạch sông Hồng phải trân trọng và thận trọng

Ông Dương Trung Quốc: Quy hoạch sông Hồng phải trân trọng và thận trọng

VOV.VN - Ngày xưa các cụ rất quan trọng trong vấn đề ứng xử với dòng sông. Dòng sông có gì đó gắn với yếu tố linh thiêng, phong thủy.