“Bộ máy hành chính cồng kềnh tạo khe hở dẫn đến tham nhũng”
VOV.VN - Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật cho rằng bộ máy hành chính Nhà nước còn cồng kềnh, tạo ra nhiều khe hở dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Đánh giá trên được thể hiện trong Báo cáo Thẩm tra sơ bộ Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của Uỷ ban Pháp luật do Chủ nhiệm Phan Trung Lý trình bày tại phiên họp 45 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 24/2.
Cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát
Nhìn chung các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do ông Nguyễn Khắc Định – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày, cho rằng, nhìn lại 5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức và còn nhiều hạn chế, yếu kém nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra.
Nổi bật là kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đạt tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối; thực hiện có kết quả bước đầu các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giữ được hòa bình, hữu nghị với các nước; bảo đảm ổn định chính trị xã hội; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển cao hơn trong giai đoạn tới.
“Trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng chỉ tiêu này năm 2014 và 2015 đã có chuyển biến tích cực, vượt kế hoạch đề ra”, ông Nguyễn Khắc Định cho biết.
Phiên họp 45 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội |
Liên quan đến việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, Báo cáo của Chính phủ cho biết, từ năm 2011 đến nay đã đơn giản hóa 4.471/4.723 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 94,7%). Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, điều hành.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan, địa phương.
Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, tồn đọng, kéo dài. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tạo điều kiện để nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng điều này thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ, qua đó góp phần xây dựng Chính phủ gần dân hơn, giải quyết tình hình nhanh nhạy và hiệu lực, hiệu quả hơn.
Chưa phản ánh đầy đủ tình hình, mức độ tham nhũng, lãng phí
Đánh giá Chính phủ đã nỗ lực cải cách hành chính, tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Pháp luật do Chủ nhiệm Phan Trung Lý trình bày nhấn mạnh, đến nay kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”; bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh... tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao… gây lãng phí, tốn kém cho xã hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý |
Theo ông Phan Trung Lý, Chính phủ đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt ban hành nhiều cơ chế cụ thể để kiểm soát các hoạt động quản lý trong một số lĩnh vực nhạy cảm liên quan trực tiếp đến người dân, như trong lĩnh vực thuế, hải quan; đồng thời đã quản lý chặt chi tiêu công, giảm các đoàn đi nước ngoài không cần thiết bằng ngân sách nhà nước…
“Tuy nhiên, Báo cáo còn chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí cũng như nguyên nhân và trách nhiệm; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tình trạng lãng phí còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu, như việc xây dựng trụ sở, quảng trường, tượng đài, mua sắm và sử dụng tài sản công…”, Báo cáo Thẩm tra sơ bộ đánh giá./.