Cân bằng phát triển kinh tế với văn hóa, kiên quyết bảo vệ chủ quyền

VOV.VN -Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch giải trình trong phiên họp hôm nay.

Hôm nay 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Đây là ngày thứ 2 Quốc hội tập trung thảo luận về nội dung này. Phiên họp được tường thuật trực tiếp trên Kênh Thời sự  (VOV1) của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sáng nay có 66 đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch giải trình trong phiên thảo luận này.

Cần quan tâm tới thị trường trong nước

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mang lại những tác động cả thuận lợi và không thuận lợi tới Việt Nam. Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ khiến Việt Nam nhập siêu hàng hóa tăng cao, kéo theo nhiều vấn đề như gian lận thương mại. Tuy nhiên cũng mang lại thuận lợi là khi hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cao. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý cần quan tâm tới phát triển thương mại trong nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân 

“ Hiện nay nhiều nước đang bảo hộ mậu dịch, tạo ra nhiều rào cản thương mại, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa thị trường trong nước. Cần triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiến tới người Việt thích dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên Chính phủ, doanh nghiệp cần chú ý đến chất lượng, mẫu mã, bên cạnh đó, bộ,  ngành địa phương phải triển khai có hiệu quả các hiệp định FTA”

Đại biểu Nguyễn Thành Công, đoàn Ninh Bình cho rằng, thế giới đang bước vào cách mạng công nghiệp mới với những đột phá diễn ra trong nhiều lĩnh vực, tạo ra thế giới được số hóa, tự động hóa… Đối với nước ta, Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai các hoạt động để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, song  đang gặp nhiều bất lợi do là quốc gia đi sau và tiềm lực công nghệ, đầu tư tài chính  cho đổi mới công nghệ còn nhiều hạn chế...

Đại biểu Nguyễn Thành Công, đoàn Ninh Bình

Đại biểu Nguyễn Thành Công đề nghị: "Nhà nước cần có những chính sách hợp lý để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy các thành tựu công nghệ, giúp Việt Nam tăng tốc và thu hẹp khoảng cách với các quốc gia. Hiện nay, các khung khổ pháp lý, văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp sáng tạo, quản lý tài sản kỹ thuật số….vẫn chưa được quan tâm ban hành đầy đủ, chính vì vậy mong Chính phủ và các bộ,  ngành quan tâm sớm có kế hoạch để hoàn thiện thể chế trong thời gian tới.

Bày tỏ lo ngại về giá trị xuất khẩu chủ yếu vẫn thuộc về khối đầu tư trực tiếp nước ngoài, đại biểu Phạm Phú Quốc, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cần có chiến lược phát triển sản xuất trong nước, đặc biệt là đối với các thành phần kinh tế tư nhân.

“Tiếp tục đẩy mạnh kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao chiếm tỷ trọng 42% GDP, 30% thu ngân sách, 85% lực lượng lao động xã hội. Hội nghị trung ương 5 khóa 12 đã thông qua nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Vấn đề cần thực hiện là thực chất cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các quy định chồng chéo giữa các luật, đầu tư và nuôi dưỡng môi trường khởi nghiệp. Tạo lập phát triển thị trường vốn, tăng cường các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp phát triển.”

Bộ trưởng Bộ KH và CN Chu Ngọc Anh

Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển giao công nghệ 

Giải trình thêm về một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến khoa học công nghệ, Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, các công trình nghiên cứu và các chương trình đầu tư về khoa học công nghệ hướng đến mục tiêu có nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp đổi mới công nghệ với tăng năng suất sản phẩm công nghệ cao.

“Chúng tôi đã tham mưu cho tiểu ban kinh tế xã hội để xây dựng chiến lược kinh tế xã hội 10 năm và đưa vào cả chỉ tiêu chung và chỉ tiêu cụ thể đối với khoa học công nghệ để có tác động. Chúng tôi muốn báo cáo 2 khó khăn hạn chế lớn nhất mà chúng ta cần chung sức giải quyết. Thứ nhất doanh nghiệp nhu cầu tự thân cho đổi mới công nghệ và các hoạt động khác còn nhiều hạn chế và yếu. Chúng tôi đã chuẩn bị cụ thể là tháng 12 tới có hội nghị chuyển dịch chính sách toàn quốc để thực sự thúc đẩy doanh nghiệp chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ hướng tới sáng tạo công nghệ do Thủ tướng chủ trì để làm sao rà soát tất cả những vướng mắc về thể chế để chúng ta tập trung vào đối tượng quan trọng này"- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết. 

Phiên thảo luận sáng 31/10 có 66 đại biểu đăng ký phát biểu 

Cũng trong phiên thảo luận sáng 31/10, nội dung bảo vệ, xây dựng Tổ quốc được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.

Kinh tế tăng trưởng nhưng người dân phải sống trong ô nhiễm môi trường

Kinh tế tăng trưởng nhưng người dân đang phải sống trong ô nhiễm môi trường, nơm nớp lo sợ trước tai nạn, tệ nạn và sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Đó là những vấn đề văn hóa xã hội được các đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận chiều 31/10

Nhiều đại biểu cho rằng, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội thời gian qua chưa tương xứng với tiềm lực kinh tế của đất nước. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn Hưng Yên cho rằng, kinh tế phát triển nhưng người dân hàng ngày vẫn đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, đỉnh điểm là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước. Và hệ lụy là bệnh tật, suy yếu sức khỏe cho thế hệ tương lai.

“Phát triển kinh tế suy cho cùng cũng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân nhưng sống trong môi trường ô nhiễm từ không khí đến nguồn nước và thực phẩm, nghĩa là từ thở đến uống và ăn đều trở nên nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự nâng cao?. Chính vì vậy mà vấn đề ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề mà cử tri quan tâm. Không có kỳ tiếp xúc cử tri nào là không phản ánh vấn đề này nhưng kết quả là ô nhiễm vẫn tiếp diễn."- Đại biểu đoàn Hưng Yên bày tỏ tâm tư.

Đại biểu Ngô Sách Thực, đoàn Bắc Giang

Theo đại biểu Ngô Sách Thực, đoàn Bắc Giang, kết quả khảo sát năm 2018 có tới 74% người dân quan tâm và bức xúc về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc đầu tư xử lý nước thải tại các địa phương chưa kịp thời; mới có 12,5% lượng nước thải tại đô thị loại 4 được xử lý; 46,5% địa phương đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ xả thải trực tiếp cao. Việc thực hiện quy định dành 1% chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường chưa được tuân thủ ở nhiều nơi…

Còn đại biểu Thái Trường Giang, đoàn Cà Mau nêu ra hàng loạt sự cố liên quan tới xả thải ra biển, các lưu vực sông và gần đây nhất là sự cố sinh hoạt của người dân Hà Nội do công ty nước sạch sông Đà cung cấp bị nhiễm dầu thải.

Đại biểu Thái Trường Giang nhấn mạnh: “Thực tế này cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân, sẽ nguy hại thế nào nếu chất gây ô nhiễm không phải dầu mà là chất độc hại khác. Đã tới lúc cơ quan chức năng cần nghiêm túc thực hiện quy định của Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Luật Thuỷ lợi 2017”

Có sách lược phù hợp để bảo vệ chủ quyền, độc lập

Các đại biểu bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đồng thời khẳng định những gì thuộc về độc lập chủ quyền chúng ta không bao giờ nhân nhượng.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, đoàn Tiền Giang nêu rõ khát vọng lớn nhất của chúng ta hiện nay là giữ vững độc lập chủ quyền và thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Khát vọng đó đang đứng trước những thời cơ lớn xong cũng là quá trình liên tục lâu dài phải phấn đấu, phải vượt qua nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó là bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa, đoàn Tiền Giang 

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, chúng ta kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, nhưng trong từng tình huống cụ thể chúng ta phải có sách lược phù hợp, phải khẳng định tính đúng đắn, chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế.

“Chúng ta phải tiếp tục làm rõ và tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trong hệ thống chính trị và nhân dân để nhân dân ta hiểu vai trò tích cực, mặt tiến bộ, xu hướng thời đại của internet và mạng xã hội. Đồng thời phải nhận diện rõ mặt trái, những mặt tiêu cực mà chúng ta phải đấu tranh. Phải chủ động rà soát lại các giải pháp để chủ động ngăn ngừa đấu tranh kịp thời. Chúng tôi đề nghị phải tăng cường hơn nữa việc hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo vệ tổ quốc, lĩnh vực kinh tế xã hội khi mà không gian mạng ngày càng phát triển” - Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị. 

Đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai 

Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai mong muốn: “Dân tộc chúng ta có cả một chiều dài lịch sử, không chỉ là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà có cả một thời kỳ rất dài của hòa hiếu quan hệ Việt – Trung. Chúng ta có đầy đủ kinh nghiệm của ông cha chúng ta để giữ được tư thế của mình trong quan hệ ấy, để bảo đảm môi trường hòa bình phát triển của dân tộc. Những năm tháng chiến tranh cực kỳ ngắn so với gần một thiên niên kỷ chúng ta tự chủ. Tôi mong rằng, những bài học lịch sử ấy sẽ thấm đậm trong thực tiễn hoạt động của thế hệ chúng ta. ”

Tuy nhiên, điều mà đại biểu Dương Trung Quốc băn khoăn khi báo cáo của Chính phủ không nói rõ chủ thể của hành động vi phạm nghiêm trọng vùng biển của Việt Nam được xác định bởi luật pháp quốc tế là ai. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rõ Trung Quốc là người gây bất ổn ở Biển Đông trên diễn đàn quốc tế.

Cũng theo ông Dương Trung Quốc, phát biểu tại Hội trường, vẫn có đại biểu  né tránh, thay thế chỉ đích danh Trung Quốc bằng khái niệm “nước ngoài”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM

Nêu rõ đối với các tỉnh vùng phên dậu Tổ quốc cần dành ưu tiên lớn nhất đến vấn đề bảo vệ chủ quyền, bảo vệ rừng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn thành phố Hồ Chí Minh đề nghị: “Tôi cho rằng GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo và thành tích của các địa phương. Ví dụ như ở những vùng chúng ta cần bảo vệ môi trường, những vùng phên dậu của đất nước, thì chúng ta đánh giá người lãnh đạo ở đó khác, không thể chạy theo GDP, nó sẽ dẫn đến chuyện chạy theo con số được đo bằng tiền. Và tăng trưởng bằng cách đổ vốn ra làm công trình này kia mà không quan tâm đến những nhiệm vụ chính của vùng miền đó.”

Cần quan tâm, tăng lương cho người về hưu trước năm 1993

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn Thanh Hóa

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa), đánh giá cao Chính phủ có quyết tâm thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, đó là năm 2020 tiếp tục điều chỉnh lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.600.000 đồng, tăng 7,33%,

Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu vấn đề, trong nhiều năm chúng ta tăng tiền lương cho khu vực công, cho lực lượng vũ trang, người về hưu, nhưng đối với người về hưu khi điều chỉnh “vẫn còn vấn đề rất đáng lo nghĩ”. Trong tổng số 3 triệu người về hưu thì chỉ có hơn 200.000 người lương hưu từ 10 triệu trở lên.

Điều đáng quan tâm là tiền lương hưu cho người về hưu trước năm 1993, tức là nằm trong tổng số 22% ngân sách nhà nước đã chi trả, đối tượng này rất cần điều chỉnh.

Chỉ rõ thực tế này, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị Quốc hội khi điều chỉnh tăng lương 7,33% thì cần dành tỷ trọng tăng lương cho người về hưu trước năm 1993 từ 10 - 12%, (vẫn bảo đảm tỷ trọng tăng lương chung là 7,33%).

Thành tựu trong văn hóa còn chưa tương xứng với kinh tế, chính trị

Tại phiên thảo luận hôm nay (31/10) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, những thành tựu trong lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng, chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện 
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sự phát triển văn hóa hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết.
“Chúng ta nói nhiều đến việc xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng, lối sống thực dụng, cá nhân, vị kỷ, tệ nạn, tội phạm xã hội,… Rõ ràng rằng, tất cả những điều này đều là vấn đề của văn hóa, liên quan đến văn hóa và có nguyên nhân từ văn hóa”.
Bộ trưởng nêu thực tế và cho rằng, sự phát triển của văn hóa cùng những thành tựu đạt được trong lĩnh vực này hiện nay vẫn chưa tương xứng với thành tựu trong lĩnh vực chính trị, kinh tế. Vì vậy, để văn hóa thực sự hướng tới sự phát triển bền vững cho đất nước, Bộ trưởng đã đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, trong đó môi trường văn hóa lành mạnh, gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là nơi hình thành, nuôi dưỡng, vun đắp nhân cách văn hóa và giáo dục lối sống cho con người để cái tốt, cái thiện được bảo vệ nhân lên; cái xấu, cái ác bị lên án, bài trừ. Để văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, phải quan tâm xây dựng văn hóa cơ sở.
Đồng thời đầu tư cho văn hóa tinh hoa, tạo điều kiện cho cá nhân và cộng đồng được tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc phát huy xứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, văn hóa ứng xử; Tăng cường hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đồng thời giới thiệu quảng bá văn hóa Việt Nam ra bạn bè thế giới”.
Đến hết sáng nay 31/10, đã có 73 lượt đại biểu phát biểu, còn 39 đại biểu đăng ký phát biểu. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tư pháp; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát biểu, giải trình làm rõ ý kiến đại biểu nêu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quốc hội hiến kế để phát triển kinh tế- xã hội bền vững
Quốc hội hiến kế để phát triển kinh tế- xã hội bền vững

VOV.VN -Trong phiên họp buổi sáng, có 29 đại biểu phát biểu trên tổng số 114 yêu cầu. Chiều nay, các bộ trưởng giải trình và làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. 

Quốc hội hiến kế để phát triển kinh tế- xã hội bền vững

Quốc hội hiến kế để phát triển kinh tế- xã hội bền vững

VOV.VN -Trong phiên họp buổi sáng, có 29 đại biểu phát biểu trên tổng số 114 yêu cầu. Chiều nay, các bộ trưởng giải trình và làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. 

Tuần này, Quốc hội dành 2,5 ngày để thảo luận về kinh tế - xã hội
Tuần này, Quốc hội dành 2,5 ngày để thảo luận về kinh tế - xã hội

VOV.VN - Trong tuần làm việc thứ 2, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020.

Tuần này, Quốc hội dành 2,5 ngày để thảo luận về kinh tế - xã hội

Tuần này, Quốc hội dành 2,5 ngày để thảo luận về kinh tế - xã hội

VOV.VN - Trong tuần làm việc thứ 2, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020.

Tiểu Ban Kinh tế -Xã hội xin ý kiến nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Tiểu Ban Kinh tế -Xã hội xin ý kiến nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

VOV.VN -Ý kiến của các vị nguyên lãnh đạo góp phần quan trọng hoàn thiện quan điểm, định hướng phát triển, cả tầm chiến lược và sách lược các lĩnh vực.

Tiểu Ban Kinh tế -Xã hội xin ý kiến nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Tiểu Ban Kinh tế -Xã hội xin ý kiến nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

VOV.VN -Ý kiến của các vị nguyên lãnh đạo góp phần quan trọng hoàn thiện quan điểm, định hướng phát triển, cả tầm chiến lược và sách lược các lĩnh vực.