Cần giám sát cả ĐBQH giữ chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước
VOV.VN - Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: “Cần đổi mới hơn nữa giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp đối với những người giữ các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước”
Mới đây, Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 của MTTQ Việt Nam đã thông qua lập danh sách 197 đại biểu được giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH khóa XIV của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương. Nhận xét về danh sách này, ông Nguyễn Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, bầu cử đại biểu Quốc hội rất quan trọng để bầu các ĐBQH đại diện cho cử tri cả nước và đại diện cho các tổ chức, dân tộc và tôn giáo…
ĐBQH phải được dân tin, dân yêu và dân bầu
“Trong danh sách 197 được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thông qua, tôi thấy rằng cơ cấu rất hợp lý giữa các cơ quan Nhà nước, đoàn thể, cơ cấu, dân tộc, đại diện cho các tổ chức xã hội, chính trị xã hội… Cá nhân tôi cho rằng những người được giới thiệu đều đủ tiêu chuẩn làm ĐBQH”- ông Rinh nói.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh |
“Nói về tiêu chí, trước hết ĐBQH phải là người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, pháp luật nước ta. Thứ hai, ĐBQH phải có trí tuệ để thực hiện chức trách ĐBQH. Thứ ba là phải gần dân và sâu sát dân. Thứ 4, ĐBQH là người phải có năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ người đại biểu của nhân dân. Đây là đại biểu dân cử, ĐBQH là của cử tri cả nước nên phải bầu trên phạm vi cả nước. Cuối cùng là phải được dân tin, dân yêu và dân bầu. Dưới sự giám sát của nhân dân, tôi tin tưởng chất lượng đại biểu Quốc hội ngày càng nâng cao hơn hơn nữa”- Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh.
Theo thống kê của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố, trong lần bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, số người tự ứng cử ĐBQH khá cao. Chỉ tính riêng ở 2 thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội, tính đến thời điểm này, TP HCM có 90 người nộp hồ sơ ứng cử ĐBQH, trong đó có 50 người tự ứng cử; Hà Nội có 87 hồ sơ ứng cử ĐBQH, trong đó 47 hồ sơ tự ứng cử…
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng, không nên phân biệt giữa người ứng cử ĐBQH và người được giới thiệu ĐBQH, đại biểu có quyền được tự ứng cử theo quy định của pháp luật. Để chọn được những đại biểu đủ tiêu chuẩn trở thành ĐBQH thì phải chọn những người thật tiêu biểu cho các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, đại diện cho các dân tộc, tầng lớp… Không thể bầu những người có mục đích tham gia Quốc hội không vì mục đích của nhân dân, của cử tri.
Trong luật bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp đã quy định rất rõ, chúng ta không giới thiệu những người tham nhũng, chống đối Nhà nước. “Còn việc có thông tin cho rằng có thế lực phản động đứng đằng sau nhưng người tự ứng cử, việc này cơ quan an ninh của quốc gia phải xác minh. Còn nếu có kết luận có tổ chức phản động vận động cho bầu cử thì dứt khoát chúng ta phải đưa những người này ra danh sách bầu cử”- Ông Rinh nói.
Phải có cơ chế giám sát cả cơ quan của Quốc hội và ĐBQH
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cũng nhấn mạnh, mọi người đều có quyền tự do dân chủ trong bầu cử và có quyền được ứng cử, chúng ta không được phân biệt đối xử giữa đại biểu ứng cử và tự ứng cử. Song việc họ có trở thành ĐBQH hay không chúng ta phải tôn trọng luật pháp. Quan trọng là lá phiếu cử tri quyết định chứ không phải Hội nghị hiệp thương quyết định.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, trong Hiệp thương của các cơ quan bầu cử, MTTQ các cấp và Quốc hội, trước hết chúng ta phải xem xét đại biểu đó có đủ tư cách hay không, có tiêu biểu cho tổ chức đó không và có đại diện cho nhân dân không? Nếu như đủ tiêu chuẩn đó thì mới giới thiệu ra ứng cử ĐBQH.
Đánh giá về hoạt động của Quốc hội khóa XIII, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng, việc tổng kết nhiệm kỳ XIII, kỳ họp cuối này sẽ đánh giá. Tuy nhiên, theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh “Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhân dân giao phó, thể hiện trên các mặt công tác. Kỳ này chúng ta thực hiện soạn thảo và thông qua Hiến pháp và hoàn thành một khối lượng rất lớn các luật”.
Về thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội, theo ông Rinh, Quốc hội rất có trách nhiệm, giám sát các kỳ họp để chất lượng được nâng cao. Có giám sát như thế thì hoạt động của các cơ quan Nhà nước cũng phải đổi mới, đặc biệt những ĐBQH giữ cương vị trọng trách của đất nước thì qua giám sát của Quốc hội và những lần chất vấn thì họ sẽ dần dần tiến bộ.
“Trong khóa XIII, cũng có 2 đại biểu bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH, nguyên nhân chính là họ không trung thực với luật pháp, khai man lý lịch và các quan hệ trong xã hội, vi phạm luật pháp, tham nhũng, lừa đảo… Quốc hội khóa XIII bãi miễn 2 đại biểu này là rất đúng. Đây cũng là chỉ đạo của Quốc hội và mong muốn của nhân dân. Những đại biểu nào không đủ tư cách thì Quốc hội sẽ bãi nhiệm”- Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nói.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cũng cho rằng, một trong những hoạt động nổi bật của Quốc hội khóa XIII là việc lấy phiếu tín nhiệm. Điều này thể hiện sự dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Hoạt động Quốc hội ngày càng dân chủ, thẳng thắn và có trách nhiệm với cử tri hơn. “Chúng ta lấy phiếu tín nhiệm được Quốc hội và nhân dân đồng tình. Như vậy những khóa tới tôi cho rằng cần phải đổi mới hơn nữa giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp đối với những người giữ các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt phải giám sát cả cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội”./.