Cân nhắc cho người lao động vay tiền thay vì rút BHXH 1 lần
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng nên giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH. Nghiên cứu kỹ thêm phương án cho người lao động vay tiền thay vì rút BHXH 1 lần. Vì nếu không cho rút bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động sẽ "có cảm giác bị đẩy vào thế khó".
Chiều nay (27/5), tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian nói về vấn đề bảo hiểm xã hội 1 lần. Hàng chục ý kiến đại biểu đóng góp vào việc rút BHXH 1 lần đối với người tham gia BHXH.
Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP HCM) cho biết dự thảo luật đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là "người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm".
Phương án 2 là "sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH".
Đại biểu Trần Kim Yến đề nghị cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về BHXH 1 lần, tránh gây "sốc" về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH 1 lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội và vấn đề quan trọng là bảo đảm cuộc sống lâu dài của người lao động.
Theo đại biểu Trần Kim Yến, đối với 2 phương án được đưa ra trong dự thảo lần này, lựa chọn phương án 1 sẽ có lợi cho người lao động hơn phương án 2 (nếu chưa có phương án thứ 3 tốt hơn).
Đại biểu Trần Kim Yến đề xuất chọn phương án 1 vì có ưu điểm là sẽ chấm dứt triệt để việc rút BHXH một lần đối với những người đóng BHXH sau thời gian Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực; phương án này sẽ giải quyết được triệt để tồn đọng cho các quy định trước đây về vấn đề này, đồng thời hạn chế được phản ứng của những người đang tham gia BHXH. Người có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn được rút BHXH 1 lần như pháp luật hiện hành.
"Chúng ta nên thực hiện theo cách thứ nhất vì 2 lý do, 1 là bảo đảm sự công bằng với những người bắt đầu tham gia BHXH ở thời điểm sau khi Luật này có hiệu lực; 2 là sẽ đảm bảo an sinh nhiều hơn cho nhiều người hơn, những người mới tham gia BHXH một thời gian ngắn trước khi luật này có hiệu lực, nếu họ có muốn rút một lần thì vẫn còn nhiều thời gian tích lũy ở giai đoạn sau đó để đủ điều kiện hưởng lương hưu, những trường hợp khác dù không đủ điều kiện hưởng lương hưu thì họ vẫn bắt buộc phải tích lũy được một khoản tiền nhất định khi đến tuổi nghỉ hưu", đại biểu Trần Kim Yến nêu.
Nữ đại biểu đoàn TP HCM cho rằng phương án 2 mang tính nửa vời vì sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề rút BHXH 1 lần trong tương lai. Phương án này không giới hạn số lần rút BHXH 1 lần mà chỉ giới hạn mức tối đa trong 1 lần rút là không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Việc cho phép người lao động rút tối đa 50% thời gian đã đóng BHXH dẫn đến hệ quả là khi đến tuổi nghỉ hưu, nhiều người sẽ không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng hoặc mức lương hưu sẽ rất thấp, không bảo đảm an sinh tuổi già.
Theo đại biểu, thực tiễn cho thấy không nhiều người muốn rút khỏi thị trường lao động, khi mà mình đang còn tuổi, còn sức khỏe; họ chỉ rút khi không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, trong cuộc sống, có những khó khăn phát sinh, buộc họ phải có 1 khoản kinh phí để giải quyết những khó khăn trước mắt.
"Bài toán đặt ra là làm thế nào để giữ chân người lao động trong hệ thống an sinh xã hội. Phương án 2 cho rút 1 phần, vậy còn giải pháp nào không? Theo tôi vẫn còn, đó là có 1 nguồn quỹ nào đó, cho họ vay để giải quyết những khó khăn mắc phải, và khi họ trở lại thị trường lao động, đi làm lại, có thu nhập, sẽ trả khoản nợ này; giống như chúng ta cho sinh viên vay đi học", đại biểu Trần Kim Yến nêu ý kiến.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP HCM) cho rằng cả 2 phương án đều có những hạn chế riêng. Vị đại biểu không chọn phương án 2 vì cho rằng chúng ta giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của người lao động chứ không phải bằng cách giữ 50% số tiền ít ỏi của người lao động.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng bày tỏ băn khoăn với phương án 1 vì những người đóng BHXH sau khi luật này có hiệu lực sẽ không còn được lựa chọn BHXH 1 lần.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, UBTVQH đánh giá cả 2 phương án Chính phủ trình đều chưa phải là những phương án tối ưu. "Nếu chúng ta chưa có phương án tối ưu thì đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành để tránh xáo trộn xã hội và cho người lao động được lựa chọn kể cả việc tham gia BHXH trước hay sau luật này có hiệu lực", nữ đại biểu đoàn TP.HCM đề xuất.
Đồng quan điểm với đại biểu Trần Kim Yến, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề xuất chính sách hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần đó là giao cho BHXH phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho người lao động vay không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp và mức vay tối đa bằng số tiền người lao động được hưởng nếu rút BHXH 1 lần, sổ BHXH như là sự bảo đảm cho khoản vay của người lao động nên thủ tục phải hết sức đơn giản, không phải chứng minh tài sản và thu nhập; trường hợp người lao động không đồng ý vay thì nên cho người lao động được rút BHXH 1 lần.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) cũng đồng tình với phương án cho người lao động vay tiền nếu có nhu cầu thay vì rút BHXH 1 lần như đề xuất của đại biểu Trần Kim Yến và đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi, hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 74 và điểm d khoản 1 Điều 107.
Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu trong hồ sơ dự thảo Luật từ Kỳ họp thứ 6, kỳ họp thứ 7 này, các quy định của pháp luật hiện hành, từ tình hình thực tiễn, dự báo tình hình thời gian tới cũng như ưu, nhược điểm của từng phương án đã được Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, đánh giá, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhận thấy nên quy định theo phương án 1.
Tuy nhiên, đây là một trong những thay đổi lớn của dự thảo Luật lần này, là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, để tránh gây ra những phản ứng xã hội không tốt hay các phản ứng tập thể của người lao động, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp về truyền thông thật tốt cũng như theo dõi chặt chẽ tình hình quá trình thực hiện luật để người lao động hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa, nội dung của bảo hiểm một lần, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị cân nhắc nghiên cứu, trình thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 8.
Theo ông Thành, đây là dự thảo Luật khó, tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội, đồng thời đánh giá cao Ban soạn thảo đã đề xuất nhiều chính sách liên quan dự án Luật sửa đổi lần này; thống nhất với nhiều nội dung của Báo cáo thẩm tra đã nêu ra, nhiều vấn đề cần phải được xử lý một cách thấu đáo.
“Dự án Luật cần phải rà soát rất kỹ từng nội dung chính sách, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhận thấy, với các vấn đề đang tồn tại ở đây, nên cân nhắc tiếp tục nghiên cứu, trình thông qua tại Kỳ họp thứ 8, không nên vội vàng thông qua tại Kỳ họp thứ 7”, ông Thành đề nghị.
Về việc rút BHXH một lần, đại biểu cho rằng, hai phương án đưa ra đều có những mặt được và chưa được, hoàn toàn chưa chắc chắn khi quyết định hai phương án đó khi có hiệu lực ban hành thì có gây ra hệ lụy xã hội hay không.
Do đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề xuất một phương án vẫn bảo đảm quyền lợi của người lao động (được quyền rút BHXH một lần) nhưng vẫn đảm bảo chính sách của Nhà nước (là hạn chế rút) để đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể:
- Nhóm 1 là đối tượng bệnh hiểm nghèo, đối tượng đi nước ngoài… được rút BHXH một lần.
- Nhóm 2 là các đối tượng còn lại, chỉ được rút khoản thực đóng của người lao động là 8%, còn lại 14% được xem là trách nhiệm của Nhà nước và doanh nghiệp, người sử dụng lao động để đảm bảo lâu dài cho an sinh xã hội sau này.
Đại biểu cho rằng, nếu quy định như vậy thì rất rõ ràng, đảm bảo nguyên tắc kinh tế, đóng - hưởng, chia sẻ và đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội. Thiết kế như vậy sẽ có sức thuyết phục hơn và đảm bảo được các mục tiêu.