Cân nhắc đề xuất Hà Nội chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ
VOV.VN- Chính phủ đề nghị cho phép Hà Nội dùng nguồn còn dư để bổ sung thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. UBTVQH đề nghị cân nhắc vấn đề này.
Chiều nay (27/4), Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Cơ bản tán thành với việc cần ban hành cơ chế đặc thù để Hà Nội xứng đáng với vị thế Thủ đô, tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, một số nội dung lớn chỉ có thể trình Quốc hội sửa Điều 21 Luật Thủ đô hoặc ban hành Nghị quyết theo thẩm quyền mới giải quyết được chứ không chỉ dừng lại ở việc sửa Nghị định của Chính phủ.
Phiên họp thứ 44 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội |
Cụ thể, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với nội dung Chính phủ đề xuất nâng mức dư nợ vay của ngân sách Thành phố từ 70% lên 90%. Tuy nhiên, phải trên nguyên tắc Thủ đô đảm bảo nguồn trả nợ theo Luật Ngân sách.
Các ý kiến cũng nhất trí với đề nghị cho phép Thành phố tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng với thời hạn tạm ứng là 36 tháng.
Một nội dung khác là Chính phủ đề nghị cho phép HĐND thành phố Hà Nội được quyết định dự toán chi ngân sách Thành phố lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, căn cứ vào yêu cầu thực tế nhiệm vụ KTXH của Thủ đô, phù hợp mức độ xã hội hóa đối với các lĩnh vực này trên địa bàn.
Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng, mức bố trí 2% cho khoa học công nghệ, 20% cho giáo dục và đào tạo tính trong tổng thể chi ngân sách quốc gia. Còn mức bố trí cho từng địa phương trong thực tế có thể cao hoặc thấp hơn. Như vậy, đã bảo đảm tính chủ động của địa phương, không cần thiết quy định nội dung này như Dự thảo.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc vấn đề này, tuy nhiên có thể tính đến hướng đảm bảo tỷ lệ 2% và 20% là ở cấp Thành phố, còn Hà Nội có thể căn cứ tình hình thực tế để bố trí ở cấp dưới cao hoặc thấp hơn nhưng trung bình phải đảm bảo tỷ lệ theo quy định.
Về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để bổ sung thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, do trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Đề án cải cách tiền lương mới từ tháng 7/2021 để thực hiện Nghị quyết 27/NQ-TW của Trung ương về cải cách tiền lương. Vì vậy, tại thời điểm này không nên xem xét, điều chỉnh các chính sách tiền lương hiện hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trong phần kết luận cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc, bởi từ 1/1/2021 thì chính sách tiền lương sẽ thống nhất toàn quốc trong hệ thống chính trị, những nơi thí điểm cũng chỉ đến ngày 31/12/2020. Thực tế việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm ở TPHCM cũng cho thấy gặp nhiều khó khăn.
Từ phân tích trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị lại Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Nội dung này sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5 trước khi bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 9 để Quốc hội xem xét quyết định./.