“Cần tổng kết thực trạng quản lý nhà ở công vụ”
VOV.VN -Việc quản lý và sử dụng nhà ở công vụ hiện có nhiều bất cập, gây dư luận không tốt, do đó cần tổng kết để có giải pháp phù hợp.
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (10/9), các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi). Chính sách nhà ở công vụ là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu.
Đối tượng nào được ở nhà công vụ?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, liên quan đến nhà ở công vụ, hiện có 4 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị chỉ nên áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, không áp dụng chế độ này cho các đối tượng được điều động, luân chuyển khác. Loại ý kiến thứ ba, đề nghị chỉ đầu tư xây dựng nhà công vụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa, còn đối với cán bộ khi được điều động, luân chuyển đến các thành phố lớn thì đưa chế độ nhà ở công vụ vào tiền lương để họ tự thuê nhà ở nhằm tránh lãng phí, dàn trải. Ý kiến khác đề nghị quy định chế độ nhà ở công vụ được áp dụng với tất cả các đối tượng thực hiện công vụ.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thời gian vừa qua để thực hiện chính sách điều động, luân chuyển cán bộ của Đảng và Nhà nước rất nhiều cán bộ đã được điều động, luân chuyển từ trung ương về địa phương hoặc từ địa phương lên trung ương, từ địa phương này đến địa phương khác công tác.
Quy định tạo lập quỹ nhà ở công vụ để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, các đối tượng là giáo viên, bác sỹ... làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuê là hết sức cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho những người này yên tâm công tác, đây cũng là một trong những chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước đang được triển khai trên thực tế theo quy định của Luật nhà ở hiện hành.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật nhà ở hiện hành thì phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thuê nhà ở công vụ, đồng thời bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo Luật.
Quy định rõ chế tài xử lý vi phạm
Nhấn mạnh sự cần thiết của nhà ở công vụ, nhưng theo đại biểu Lê Nam cần quy định rõ đối tượng được ở và chế tài xử lý để tránh tình trạng gây dư luận không tốt như vừa qua; đồng thời tạo thuận lợi trong phân phối và sử dụng và tạo điều kiện cho cán bộ hoàn thành nhiệm vụ.
“Đối tượng nay phải quy định cho rõ. Cán bộ nhưng từ mức nào, chủ chốt cấp xã, tỉnh, huyện hay ở cấp nào. Quản lý lâu nay không rõ ràng, đây là công sản nên phải dứt khoát về sử dụng, bàn giao hoặc trả lại nhà khi không còn thuộc đối tượng được ở”, đại biểu nêu ý kiến.
Còn theo đại biểu Trần Ngọc VinhThời nêu ý kiến: “Thời gian vừa qua dư luận và cử tri cho rằng quản lý nhà công vụ còn yếu kém, tạo nhiều dư luận xã hội và thông tin đại chúng đã nêu và chứng minh một số nơi không nghiêm. Dự thảo luật thiết kế vẫn thiên về những người có điều kiện, còn nhóm khó khăn hơn, đặc biệt là người có công là chưa được rõ. Nên có nhà công vụ nhưng phạm vi thu hẹp lại”.
Để tránh tình trạng khi hết điều kiện ở nhà công vụ nhưng không chịu trả nhà như hiện nay, đại biểu cho rằng chế tài xử lý vi phạm và thời hạn thu lại nhà (có thể báo trước 6 tháng) phải được quy định rõ để không gây khó khăn cho đơn vị cũng như người được điều động, luân chuyển nhận công tác mới.
Có ý kiến chính sách nhà ở công vụ nên tập trung vào một số đối tượng như lãnh đạo cấp cao cần bảo vệ an ninh, cán bộ công tác ở vùng sâu vùng xa còn không nên “bao cấp” cho những đối tượng khác.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Lê Thị Nga và đại biểu Lê Như Tiến đề nghị Chính phủ cần tổng kết, báo cáo Quốc hội về thực trạng quản lý, sử dụng nhà công vụ thời gian vừa qua để các đại biểu nắm rõ và có hướng sửa đổi Luật Nhà ở cho phù hợp./.