Chỉ huyện, xã biên giới mới được ký thoả thuận quốc tế?

VOV.VN - Dự thảo luật chỉ thể hiện cấp huyện, xã khu vực biên giới được phép ký thoả thuận quốc tế. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn có ý kiến khác nhau.

Phải làm rõ vì sao hạn chế

Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến thảo luận chiều 13/7 là có nên mở rộng chủ thể ký kết thoả thuận quốc tế đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã hay không.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Ngoại giao, từ năm 2007 đến tháng 6/2020, có 874 văn bản hợp tác cấp huyện và 101 văn bản hợp tác cấp xã được ký kết.

Việc ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện và UBND cấp xã, đặc biệt ở các huyện, xã ở khu vực biên giới thời gian qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu, trao đổi văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.

Phiên họp thứ 46 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, từ thực tiễn, nhu cầu ký kết và để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước thì chỉ áp dụng đối với UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới; đồng thời giới hạn một số nội dung và quy định gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Nêu ý kiến về nội dung này, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc dẫn số liệu từ Bộ Ngoại giao cho thấy rất nhiều huyện, xã không ở biên giới ký thoả thuận với các quốc gia phát triển. Trong khi hiện nay trình độ cán bộ được nâng lên, áp dụng công nghệ thông tin tốt hơn và việc tiếp cận thông tin cũng thuận lợi hơn nhưng dự luật lại thu hẹp chỉ ở khu vực biên giới là điều cần làm rõ.

“Vậy xin hỏi lâu nay ký có xảy ra vấn đề gì không? Điều kiện thông hơn nhưng lại hạn chế là sao?” – ông Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi đề nghị làm rõ thêm.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý cần tăng cường ngoại giao nhân dân thì không chỉ xem xét để huyện, xã khu vực biên giới được ký thoả thuận quốc tế vì hiện có các thành phố kết nghĩa hỗ trợ nhau rất tốt.

Cần quy định rõ về đình chỉ thoả thuận

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị quy định chỉ cấp huyện trở lên mới được ký kết thoả thuận quốc tế, không nên đến cấp xã. Vì cấp huyện mới có cơ quan chuyên môn giúp việc, am hiểu, trình độ đảm bảo. Xã, thôn, bản chỉ là cấp thực hiện nên văn bản dưới cấp huyện là triển khai thực hiện một số nội dung trong phạm vi nhất định đã được ký ở cấp huyện.

Là người gắn bó nhiều năm với lực lượng biên phòng, ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cho rằng “nếu chỉ huyện ký với với huyện thì chẳng qua là hình thức. Thực tế triển khai thực hiện đi vào đời sống mấy chục năm qua là xã với xã, thôn với thôn. Giờ bỏ cấp xã thì lợi thì ít mà bất lợi thì nhiều. Do đó nên cân nhắc”.

Ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh

Nêu quan điểm về nội dung này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nghiêng về hướng không nên thu hẹp, nhất là đối với các huyện, xã không ở khu vực biên giới. Thực tế lâu nay nhiều nơi đã ký kết thoả thuận quốc tế.

Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ cũng như hạn chế vấn đề phát sinh nhạy cảm, Phó Chủ tịch nước đề nghị quy định rõ trường hợp cấp trên có quyền đình chỉ thoả thuận nếu xét thấy nội dung không phù hợp.

Báo cáo thêm tại phiên họp về nội dung này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, thực tế thời gian qua có rất nhiều xã, huyện ký kết thoả thuận quốc tế nên vấn đề đặt ra cần có quy định thống nhất ở các cấp với quy trình thủ tục rõ ràng.

Quá trình dự thảo được đưa ra thảo luận, góp ý thì có ý kiến đề nghị không nên mở rộng vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp huyện, xã. Do đó dự thảo lần này thu hẹp phạm vi là chỉ cấp huyện, xã ở khu vực biên giới được ký kết. Tuy nhiên, ông Phạm Bình Minh cũng cho rằng, nếu thu hẹp như vậy thì sót các thành phố trực thuộc tỉnh trong khi cấp này có nhiều ký kết, do đó cần xem xét bổ sung./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên