Chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm hầu hết đạt và vượt

VOV.VN - Theo TS Kinh tế Bùi Đức Thụ, trong điều kiện trước sự biến động kinh tế - xã hội thế giới cũng như khó khăn tiềm ẩn trong nước, tuyệt đại đa số chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong 5 năm đều đạt và vượt.

Đánh giá sự điều hành kinh tế - xã xội của Chính phủ trong 5 năm qua tương đối quyết liệt, Tiến sĩ Kinh tế Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho rằng, những giải pháp được Chính phủ đưa ra, Thủ tướng chỉ đạo về cơ bản kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho sản xuất kinh doanh cũng như góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

PV: Ở góc độ là Đại biểu Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về điều hành của Chính phủ và kết quả trong bối cảnh trong nước và thế giới trong 5 năm qua?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Kết quả đạt được trong 5 năm cũng như năm 2015 là tương đối toàn diện, trong điều kiện trước sự biến động kinh tế - xã hội thế giới cũng như khó khăn tiềm ẩn trong nước. Tuyệt đại đa số chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong 5 năm chúng ta đã đạt và vượt.

Tăng trưởng kinh tế phục hồi, có thể nói từ 2013, năm sau cao hơn năm trước, tháng sau cao hơn tháng trước. Và đến năm 2015 dự kiến tăng trưởng 6,5% GDP.

Ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát giữ được tốt. Trong vài năm trở lại đây đều đạt mức dưới mức Quốc hội cho phép. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập người dân chưa cải thiện được thì việc ổn định sức mua đồng tiền, kiềm chế lạm phát có ý nghĩa ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm tiền lương thực tế. Điều này có ý nghĩa quan trọng.

Các cân đối khác của chúng ta cũng giữ được tương đối tốt. Kim ngạch xuất khẩu tăng 18%/năm và đến năm 2014 đã xuất khẩu đạt trên 150 tỷ USD, góp phần ổn định cán cân ngoại thương cũng như cán cân tổng thể của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tổng cầu, giúp cho tiêu thụ sản xuất trong nước tốt hơn, tái sản xuất xã hội quay vòng nhanh hơn.

Cải cách hành chính được đẩy mạnh, nhất là đối với lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội. Rõ nhất là số giờ thủ tục hành chính giảm đi đáng kể. Nhiều vấn đề bức xúc đặt ra cũng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều hành các Bộ, ngành sát sao.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả nổi bật, chúng ta vẫn còn nhiều thách thức như tài chính công chưa thực sự lành mạnh, bội chi vẫn cao và liên tục tăng, nợ công cao, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn yếu… cần giải pháp xử lý trong thời gian tới.

Đại biểu Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

PV: Việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh gắn liền với phát triển bền vững thời gian qua có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Việc phát triển nhanh nhưng phải bền vững là yêu cầu phát triển lâu dài. Chúng ta đi quá nhanh mà tạo thành nền kinh tế quá “nóng” thì mất ổn định trong tương lai và nguy cơ biến động khủng hoảng là tất yếu.

Việc chú trọng phát triển nhanh hay chú trọng phát triển bền vững phụ thuộc tình hình kinh tế - xã hội của từng giai đoạn, từng năm. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô vững chắc thì buộc phải tập trung đẩy mạnh tăng trưởng nhanh vì điểm xuất phát của nền kinh tế chúng ta thấp. Khi đó cần huy động mọi nguồn lực cho tập trung phát triển, tăng tốc để thu hẹp trình độ phát triển, hiện đại hoá đất nước gắn liền nâng cao đời sống phúc lợi xã hội cho người dân.

Trong điều kiện cân đối vĩ mô bất ổn thì phải lấy sự ổn định làm đầu. Ví dụ năm 2011, kế hoạch 5 năm cũng như của năm 2011 được Quốc hội quyết định từ 2010 trong bối cảnh kinh tế - xã hội lúc đó khác nên tập trung phát triển nhanh.

Do tác động của chính sách kích cầu, nới lỏng tài khoá, nới lỏng tiền tệ của giai đoạn 2008-2009 thì cuối 2010, năm 2011 chỉ số lạm phát tăng cao nên buộc chúng ta phải trở về phát triển bền vững, lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô làm nhiệm vụ hàng đầu.

Chính việc xác định và thực hiện chiến lược này nên các cân đối vĩ mô sau năm 2011 đến nay giữ được ở mức cho phép. Tuy nhiên, yêu cầu chung vẫn phải phát triển nhanh, bền vững và đảm bảo cân đối vĩ mô.

PV: Một số bộ, ngành có những chuyển biến rõ nét được cử tri và đại biểu ghi nhận. Điều này nói lên điều gì về vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, thưa ông?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Để đạt được những kết quả, thành tựu trong 5 năm qua thì trước hết đường lối, chiến lược phải phù hợp, phải thể chế hoá các cơ chế chính sách. Với chức năng của mình, Quốc hội quyết định và phải quyết đúng.

Có chính sách rồi thì tổ chức thực hiện phải nghiêm, quyết liệt, đúng pháp luật và khi phát hiện bất cập phải trình hoàn thiện thì mới đạt. Cái đó phụ thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Chúng ta cũng cần ghi nhận sự chia sẻ, nỗ lực của các doanh nghiệp, của từng người dân.

Nói như vậy nhưng không thể cào bằng mà công tác quản lý điều hành trực tiếp có ý nghĩa quan trọng, trong đó Chính phủ nói chung, Thủ tướng và Bộ trưởng, trưởng ngành nói riêng có sự điều hành quyết liệt.

Có thể nêu ra như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ GTVT đã thể hiện được. Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ ngoại giao cũng thành công trong đàm phán đem về những cơ hội, điều kiện ưu đãi đối với Việt Nam, trong điều kiện đàm phán hết sức căng thẳng. Qua việc ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tôi đánh giá cao đoàn đàm phán của Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và sự tham gia của các ngành, các cấp.

Có những lĩnh vực mặc dù kết quả chưa như yêu cầu, nhưng nỗ lực tôi đánh giá cao như Bộ trưởng Bộ Tài chính. Việc ban hành nhiều cơ chế chính sách, xiết chặt chi tiêu công để tiết kiệm, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nguồn thu, các khoản vay trả nợ để từng bước lành mạnh hoá ngân sách nhà nước, giảm áp lực trả nợ hàng năm, duy trì nợ công luôn dưới trần… là nỗ lực lớn và quyết liệt vì điều hành chính sách tài khoá đụng đến lợi ích của các ngành, các cấp.

PV: Hình ảnh những “Bộ trưởng hành động” trên thực tế đã có tác động lan tỏa?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Một số Bộ trưởng quyết liệt trong quản lý điều hành là rõ và đạt được kết quả. Nhưng Bộ trưởng với tư cách là tư lệnh ngành, giúp Chính phủ thống nhất trong quản lý Nhà nước trong lĩnh vực được phân công, thì nhiệm vụ quan trọng hơn là làm chiến lược, đề xuất định hướng phát triển, còn điều hành có thể phân công, phân cấp. Bộ trưởng chỉ đạo thanh kiểm tra, kiểm soát để biến chủ trương, chiến lược của ngành mình thành hành động của người dân.

Vừa qua nhiều Bộ trưởng điều hành chỉ đạo quyết liệt, trong ngành phát triển, được nhân dân và đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao. Sự lan toả là có nhưng mới trong phạm vi ngành và những ngành có liên quan. Cách chỉ đạo điều hành quyết liệt, dám làm dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu phải trở thành phương thức hoạt động, phương châm hành động của tất cả thành viên Chính phủ cũng như trưởng ngành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII

PV: Quốc hội đã quyết những vấn đề lớn cho thời gian tiếp theo. Quan điểm của ông thế nào về những nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Mục tiêu sắp tới đã được Quốc hội quyết. Những chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2016 được dự báo là hiện thực mang tính chất khả thi. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện để hiện thực hoá các chỉ tiêu đó.

Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp, tôi cho rằng đầy đủ và toàn diện. Song cần xác định được điểm yếu và lĩnh vực cần ưu tiên để vấn đề tổng thể có giải pháp tổng thể, những nút thắt thì cần tập trung giải pháp xử lý quyết liệt, từ đó có tác động lan toả đến ngành lĩnh vực khác, tạo đột phá phát triển.

Chúng ta không cứng nhắc rằng giải pháp thế nào thì cứ dàn hàng ngang thực hiện mà phải bám sát thực tiễn để có giải pháp điều hành trong từng thời điểm, quan trọng là kịp thời, điều hành đúng - trúng vấn đề bức xúc đang nổi lên.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng trả lời chất vấn đại biểu QH về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Thủ tướng trả lời chất vấn đại biểu QH về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

VOV.VN - Thủ tướng khẳng định: Việt Nam chân thành tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng với Trung Quốc nhưng kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ.

Thủ tướng trả lời chất vấn đại biểu QH về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Thủ tướng trả lời chất vấn đại biểu QH về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

VOV.VN - Thủ tướng khẳng định: Việt Nam chân thành tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng với Trung Quốc nhưng kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ.

Thủ tướng tiếp xúc song phương với lãnh đạo 24 quốc gia bên lề COP 21
Thủ tướng tiếp xúc song phương với lãnh đạo 24 quốc gia bên lề COP 21

VOV.VN - Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả với các nước

Thủ tướng tiếp xúc song phương với lãnh đạo 24 quốc gia bên lề COP 21

Thủ tướng tiếp xúc song phương với lãnh đạo 24 quốc gia bên lề COP 21

VOV.VN - Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả với các nước

Tăng trưởng kinh tế năm 2016 sẽ ở mức 6,7%
Tăng trưởng kinh tế năm 2016 sẽ ở mức 6,7%

VOV.VN - Quốc hội tán thành với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 6,7%; GDP bình quân đầu người khoảng 2.450 USD…

Tăng trưởng kinh tế năm 2016 sẽ ở mức 6,7%

Tăng trưởng kinh tế năm 2016 sẽ ở mức 6,7%

VOV.VN - Quốc hội tán thành với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 6,7%; GDP bình quân đầu người khoảng 2.450 USD…