'Chống được tham nhũng hay không vẫn phải là quyết tâm chính trị'
VOV.VN- Trung tướng Trần Văn Độ: Chống được tham nhũng hay không vẫn phải là quyết tâm chính trị, không phải hô hào mà đấu tranh trên thực tế.
Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua trong tuần này quy định về đối tượng, thẩm quyền áp dụng 3 biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trực tiếp liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Điều quan trọng là những tài liệu thu được có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án; phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Trả lời VOV.VN, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh toà quân sự, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, cho rằng luật quy định như vậy là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh phòng chống tội phạm hiện nay.
PV: Thưa ông, việc luật hoá các biện pháp điều tra đặc biệt có ý nghĩa như thế nào trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là với tham nhũng?
Đại biểu Trần Văn Độ: Tôi cho việc quy định trong Bộ luật là cần thiết, trong bối cảnh quá trình điều tra theo luật hiện hành tỏ ra không thật hiệu quả, nhất là đối với một số loại tội phạm như tham nhũng.
Tham nhũng rất nhiều nhưng phát hiện, xử lý không được bao nhiêu. Lý do có lẽ cũng do thiếu thiết chế đặc thù để phát hiện, thu thập chứng cứ đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng. Do đó cần quy định các biện pháp điều tra đặc biệt này.
Trung tướng Trần Văn Độ |
Tuy nhiên, ở đây có hai mặt: Quy định góp phần nâng cao khả năng, hiệu quả phát hiện, điều tra tội phạm nhưng phải làm thế nào để không lạm dụng biện pháp này để xâm phạm quyền tự do riêng tư.
Việc thu hẹp với 3 biện pháp trên là đúng nhưng trong quá trình thực hiện cũng phải cẩn thận, cân nhắc, xem đâu là trường hợp thật cần thiết, nếu không sẽ nguy hiểm.
PV: Các biện pháp điều tra đặc biệt sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng khám phá tội phạm phạm tham nhũng trong thời gian tới, thưa ông?
Đại biểu Trần Văn Độ: Tôi tin rằng các biện pháp đó là cơ sở tạo điều kiện, cơ sở pháp lý cho điều tra, truy tố, xét xử. Nhưng chống được tham nhũng hay không vẫn phải là quyết tâm chính trị, không phải hô hào mà đấu tranh trên thực tế.
Có những thông tin về tham nhũng phải làm đến nơi đến chốn. Có như vậy mới chống được, chứ dân phản ánh, báo chí phản ánh mà không chịu hành động rồi cứ hỏi chứng cứ đâu thì không chống được.
PV: Nhưng chúng ta vẫn phải cần một thiết chế mạnh hơn và những con người biết cách chống tham nhũng?
Đại biểu Trần Văn Độ: Đúng vậy. Cần thiết một thiết chế đủ mạnh, đủ thẩm quyền để làm điều đó. Sắp tới chúng ta sẽ sửa Luật phòng chống tham nhũng và theo tôi có thể thành lập Uỷ ban Quốc gia phòng chống tham nhũng.
Hiện nay có Ban chỉ đạo nhưng phải có cơ quan đứng bên trên nó để có thể khởi tố, điều tra và thực tế nhiều nước đã làm. Nếu quan tỉnh tham nhũng mà để tỉnh đó làm thì khó. Nước láng giềng họ cũng có tổ chức đảng nhưng có quyền hạn nhà nước để phòng chống loại tội phạm này.
Cùng với đó người có trách nhiệm cũng phải có quyền có “bàn tay sạch”. Vì “sạch” thì mới “sắc” được.
PV: Liên quan đến xử lý tội tham nhũng, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về việc không tử hình tội tham ô khi khắc phục cơ bản hiệu quả. Quan điểm của ông thế nào?
Đại biểu Trần Văn Độ: Tôi vẫn quán triệt tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp là hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, tăng tính hướng thiện và đặc biệt là phòng ngừa, xử lý tội phạm.
Áp dụng hình phạt nghiêm khắc, nghiêm minh không có nghĩa tử hình mới nghiêm minh. Người tham nhũng chỉ cần tù chung thân hay vài chục năm là nghiêm minh rồi. Điều quan trọng là phục hồi quan hệ xã hội bị xâm phạm, đặc biệt là tài sản bị chiếm đoạt. Bằng bất cứ hình thức nào thu hồi lại được tài sản thì là một trong những thành tích, hiệu quả của xử lý tội phạm. Đó còn là tính nhân đạo.
PV: Quay lại quy định các biện pháp điều tra đặc biệt, có ý kiến băn khoăn cho rằng khi áp dụng biện pháp như ghi âm, ghi hình bí mật thì quyền của người không liên quan có khi cũng bị xâm phạm?
Đại biểu Trần Văn Độ: Phải có hướng dẫn thật cụ thể đối tượng và trường hợp nào, bối cảnh nào cần áp dụng, nếu không lạm dụng tràn lan thì người dân trở thành bị xâm phạm quyền tự do riêng tư.
Luật quy định ngắn gọn nên quá trình triển khai cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể ngay vì đây là chế định mới. Viện Kiểm sát phải tăng cường kiểm sát việc áp dụng những biện pháp này.
Trong tố tụng tôi nhấn mạnh vai trò người trực tiếp làm. Các điều tra viên, kiểm sát viên căn cứ trường hợp cụ thể để có đề xuất áp dụng biện pháp. Tất nhiên không phải cứ đề xuất là được chấp nhận và người có rách nhiệm phải xem xét.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.