Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng xây dựng nhà nước pháp quyền
VOV.VN - Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phải tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội đầu tiên ở nước ta.
Xây dựng nhà nước pháp quyền là quan điểm xuyên suốt của của tư tưởng Hồ Chí Minh. Bản chất của nhận thức này là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính vì thế, trong quá trình chuẩn bị tiến hành Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Người đã triệu tập Đại hội quốc dân (còn gọi là Đại hội quốc dân Tân Trào) như một Hội nghị Diên Hồng của thời đại mới để bàn những quyết sách xoay chuyển vận nước.
Ngay sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa bế mạc vào ngày 15/8/1945 tại Tân Trào, thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thì ngày 16/8/1945 cũng tại đây diễn ra Đại hội quốc dân. Đây là đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
Tham dự đại hội có hơn 60 đại biểu, đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam, kiều bào ở nước ngoài, đại diện các đảng phái, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, tôn giáo. Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và 10 chính sách của Việt Minh.
Đại hội quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội quyết định quốc kỳ là nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, quốc ca là bài “Tiến quân ca”. Đại hội quốc dân Tân Trào là một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Ngày 5/1/1946, hàng nghìn người Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. (Ảnh tư liệu) |
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tình hình đất nước muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, nghìn cân treo sợi tóc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phải tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội đầu tiên ở nước ta.
Người đã ban hành những sắc lệnh đều tiên về Tổng tuyển cử để làm cơ sở pháp lý mang tính nền tảng của một chế độ bầu cử thực sự tự do, thực sự dân chủ. Một trong số đó là Sắc lệnh số 51 về Thể lệ Tổng tuyển cử quy định về vận động tuyển cử, trong đó xác định: Mọi cá nhân và tổ chức được tự do vận động tuyển cử.
Cuộc Tổng tuyển cử ngày mùng 6/1/1946 có rất nhiều ứng cử viên hào hứng tranh cử. Hà Nội có 74 ứng cử viên tranh cử để chọn ra 6 đại biểu. Các địa phương khác cũng có nhiều người tự ứng cử thuộc đủ mọi tầng lớp và thành phần giai cấp.
Các nhà tư sản như Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà; những nhân sĩ trí thức và nhà hoạt động văn hóa như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Đạo Thúy, Đặng Thai Mai, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát; những nhà tu hành như Linh mục Phạm Bá Trực, Thượng tọa Thích Mật Thể, Chưởng quản Cao Đài - Cao Triều Phát, có cả những người vốn là quan lại cao cấp của chế độ cũ như Thượng Thư Bùi Bằng Đoàn, họ là những đại diện cho tất cả những người Việt Nam yêu nước.
Cuộc Tổng tuyển cử ngày mùng 6/1/1946 được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo sát sao với trình độ nghệ thuật tài tình. Toàn dân Việt Nam đã vượt lên muôn vàn khó khăn để đi bầu, biến ngày bầu cử trở thành ngày hội của toàn dân, tạo ra không khí náo nức trong cả nước.
Tại thủ đô Hà Nội, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, Nhân dân Thủ đô đã nhiệt tình tham gia Tổng tuyển cử bất chấp sự phá hoại của kẻ thù, hàng chục vạn cử tri hăng hái làm nghĩa vụ công dân.
Ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của kẻ thù. Nhân dân miền Nam đi bỏ phiếu bầu Quốc hội thể hiện ý chí kiên quyết kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ủng bộ Chính phủ Hồ Chí Minh.
Tại Sài Gòn – Chợ Lớn, quân Pháp đã chiếm toàn bộ thành phố và các vùng xung quanh. Tổng tuyển cử diễn ra dưới sự lùng ráp gay gắt của kẻ thù. Tại Tây Nguyên, ngay trước ngày Tổng tuyển cử, thực dân Pháp đã ném bom lửa xuống 3 làng của người Ê Đê nhằm khủng bố dân chúng, tấn công dân lành nhưng bầu cử vẫn diễn ra.
Với ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, với tất cả niềm vui háo hức được chờ đợi bấy lâu nay, toàn thể nhân dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn cho ngày lịch sử vĩ đại – ngày 6 tháng 1 năm 1946 – ngày toàn dân đi bỏ phiếu.
Tinh thần đó đã mang lại kết quả là 89% tổng số cử tri trên cả nước đi bỏ phiếu, nhiều địa phương có số cử tri đi bỏ phiếu đạt 95%. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam đã hoàn toàn thắng lợi đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước ta./.