Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Nhật Bản
VOV.VN - Chiều 19/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc ngài Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên trên cương vị Thủ tướng nhiệm kỳ mới. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, hai bên sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy các thành quả hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua.
Quốc hội Việt Nam rất coi trọng và tích cực đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đang tích cực tham gia đàm phán và thảo luận về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Đây cũng là Điều ước quốc tế quan trọng sẽ được Quốc hội Việt Nam xem xét phê chuẩn nếu Chính phủ Việt Nam ký kết trong thời gian tới.
Qua Ngài Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời cảm ơn tới Quốc hội Nhật Bản đã tích cực tham gia và có đóng góp quan trọng vào Đại hội đồng AIPA 41, trong đó Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Santo Akiko đã gửi thông điệp chúc mừng Đại hội đồng AIPA 41.
Để tăng cường hơn nữa mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và giữa Quốc hội hai nước trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng đề nghị Ngài Thủ tướng tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thúc đẩy một số phương hướng hợp tác; hai Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác đã có giữa hai nước. Chúc hai Chính phủ hợp tác, sớm kết thúc đàm phán RCEP trong năm 2020. Cùng với đó là thúc đẩy giao lưu văn hóa, hợp tác địa phương, hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động tại Nhật Bản trong bối cảnh cộng đồng người Việt Nam đã trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba tại Nhật Bản.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội Việt Nam sẵn sàng lắng nghe đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại tự do mà hai nước đã ký kết và là thành viên; giao Ủy ban Đối ngoại Quốc hội là đầu mối tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, hai bên tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, đặc biệt là cấp cao; tăng cường giao lưu giữa Nghị sỹ Quốc hội hai nước, trong đó phát huy vai trò cầu nối của các tổ chức Nghị sỹ hữu nghị và các nghị sỹ trẻ; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác lập pháp, qua đó góp phần tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị giữa hai nước.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide bày tỏ vui mừng gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đảm nhận vị trí Chủ tịch Quốc hội. Thủ tướng Nhật Bản đánh giá, hiện nay sự giao lưu giữa nghị sĩ hai nước diễn ra sôi nổi, đóng góp sự phát triển quan hệ hai nước.
Thủ tướng Nhật Bản cảm ơn Quốc hội Việt Nam đã trao tặng 20.000 khẩu trang y tế cho Nhật Bản. Số khẩu trang đã được sử dụng tại những cơ sở y tế tại Nhật Bản; đồng thời, mong muốn cùng Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19.
Từ năm 2014, Nhật Bản đã và đang thực hiện dự án nâng cao năng lực Quốc hội, đóng góp cho sự phát triển của cơ quan lập pháp với dự án hợp tác cải thiện cơ chế luật pháp đã được thực hiện trong vòng 20 năm qua. Nhật Bản muốn tiếp tục đóng góp cho việc tăng cường hợp tác hai nước, hai Quốc hội.
Thủ tướng Nhật Bản cho rằng, trong tình hình đại dịch Covid-19 xảy ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đóng vai trò Chủ tịch AIPA 41 đã tổ chức thành công hội nghị trực tuyến với sự tham gia của khoảng 400 nghị sĩ. Hội nghị này đã đóng góp cho việc tăng cường sự đoàn kết của các nghị sĩ ASEAN.
Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, Nhật Bản ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982./.