“Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng là chưa có tiền lệ“
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết như vậy trước thông tin Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long.
Sáng nay (22/5), bên hành lang Quốc hội, báo chí đã nêu câu hỏi xung quanh câu chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng kiêm nhiệm giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long.
Như tin đã đưa, ngày 18/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu đã ký quyết định về việc công nhận Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng là Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long.
Ông Nguyễn Văn Thắng sẽ kiêm nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long nhiệm kỳ 2020-2025.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
“Câu chuyện Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh làm Hiệu trưởng trường đại học Hạ Long, nhiều người băn khoăn là kiêm nhiệm có đúng không?” – trả lời câu hỏi này của báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 22/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng Chủ tịch UBND tỉnh là cán bộ được bầu lên, thực hiện nhiệm vụ của cán bộ. Còn hiệu trưởng thì là chức danh trong đơn vị sự nghiệp. Cá nhân ông chưa thấy có quy định về vấn đề này.
“Có nghĩa là lâu nay chưa có tiền lệ việc Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm thêm chức Hiệu trưởng?” – “Chưa có. Có thể tham gia trong hội đồng trường” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời và cho biết sẽ xem xét lại thông tin.
Trao đổi với VOV.VN, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc chủ tịch một tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng một trường ĐH chẳng khác nào "vừa đánh trống vừa thổi còi". Việc này hoàn toàn không nên, xưa nay chưa từng có.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời VOV.VN, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng hiệu trưởng một trường có thể do hội đồng trường đề nghị. Nhưng trong Luật Giáo dục đại học hiện hành cũng quy định người làm hiệu trưởng một trường đại học phải có kinh nghiệm quản lý đại học.
Lý giải về quyết định trên, ngày 21/5, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, người ký quyết định công nhận ông Nguyễn Văn Thắng là Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long - cho rằng việc này là bình thường, bởi người tiền nhiệm cũng là một lãnh đạo UBND tỉnh.
“Trước đó, Tiến sĩ Vũ Thị Thu Thủy khi còn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long. Nay bà Thủy nghỉ hưu thì một lãnh đạo khác của UBND tỉnh kiêm chức hiệu trưởng. Lãnh đạo tỉnh kiêm nhiệm thực tế cũng chỉ nắm bắt công tác chỉ đạo thôi, còn công việc chuyên môn của nhà trường đều do các thầy cô đảm nhiệm” ông Hậu cho biết.
Cũng theo ông Hậu, trường Đại học Hạ Long mới đi vào hoạt động không lâu, vì vậy trong giai đoạn hiện nay rất cần một lãnh đạo UBND tỉnh kiêm nhiệm chức hiệu trưởng để có những cơ chế, chính sách lớn, những quyết sách nhanh thúc đẩy phát triển.
Về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng làm Hiệu trưởng, trường Đại học Hạ Long đã có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo đó, sau khi bà Vũ Thị Thu Thủy nghỉ hưu theo quy định (kể từ ngày 01/01/2020), đến ngày 17/5/2020 do chưa kiện toàn được chức danh Hiệu trưởng phần nào đã ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, điều hành của Nhà trường. Để kiện toàn chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng Trường Đại học Hạ Long trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và hướng tới trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong nước; căn cứ vào quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ và căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của Tỉnh trong thời gian vừa qua đã chứng minh, Trường Đại học Hạ Long với cơ cấu Hiệu trưởng là một lãnh đạo tỉnh đã hoạt động rất hiệu quả, phát triển nhanh, toàn diện.
Bản thân ông Nguyễn Văn Thắng cũng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến ngành đào tạo của Nhà trường. Việc quy định Hiệu trưởng trường Đại học có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học là tiêu chuẩn mang tính định tính, có thể vận dụng đối với trường hợp của ông Nguyễn Văn Thắng trong trường hợp rất cần thiết này, mặt khác Luật Giáo dục sửa đổi cũng không quy định bắt buộc chức danh Hiệu trưởng là cán bộ cơ hữu của trường Đại học./.