Chưa có cơ sở quy định Mặt trận giám sát tổ chức Đảng
VOV.VN -Hiện nay Hiến pháp không quy định cụ thể nên MTTQ Việt Nam chưa có cơ sở để giám sát tổ chức Đảng và đảng viên.
Chiều 22/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dự và tham gia giải trình.
Không quy định giám sát tổ chức Đảng trong Luật
Về việc MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận có hai loại ý kiến khác nhau.
Theo đó, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần thiết phải quy định vấn đề này trong dự thảo Luật. Bởi vì, Cương lĩnh của Đảng đã xác định MTTQVN và các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm “tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước” và Đảng, Nhà nước phải “có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Loại ý kiến thứ hai tán thành dự thảo Luật không quy định vấn đề này, vì không phù hợp với nguyên tắc Đảng “lãnh đạo MTTQVN” được quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật, mặt khác vấn đề này đã được quy định trong các văn bản của Đảng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay Hiến pháp không quy định cụ thể nên MTTQ Việt Nam chưa có cơ sở để giám sát tổ chức Đảng và đảng viên.
Thực tế Mặt trận vẫn đang giám sát hoạt động của cơ quan tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở, cán bộ đảng viên trong việc thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước thông qua quy định của Đảng như quy chế giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng.
“Vì vậy đoàn Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị trong Luật MTTQ Việt Nam không quy định đối tượng giám sát và hoạt động tổ chức Đảng, đảng viên trong việc thực hiện đường lối chính sách và quy định của Đảng”, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Về góp ý, xây dựng phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết hiện nay quy chế giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và đoàn thể chính trị xã hội có quy định về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và phản biện văn bản dự thảo đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Khi các nghị quyết, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước đã được ban hành, thực hiện, thông qua hoạt động giám sát, MTTQ Việt Nam có quyền, trách nhiệm tiếp tục góp ý hoàn thiện nếu cần thiết. Khi MTTQ Việt Nam phản biện các dự thảo nghị quyết, đường lối chính sách của Đảng thì cơ quan tiếp thu là tổ chức Đảng các cấp liên quan. Cách tiếp thu cũng do Đảng quy định. Do đó đề nghị không đưa nội dung MTTQ phản biện đường lối chính sách của Đảng vào Luật MTTQ Việt Nam. Mặt trận thực hiện quyền này thông qua quy định của Đảng.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Đảng vừa là thành viên của Mặt trận, lại vừa lãnh đạo Mặt trận nên không thể giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên.
Tán thành với ý kiến của Chủ tịch UBTUMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng chưa có cơ sở để quy định trong Luật MTTQ Việt Nam về giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng.
Giám sát của Mặt trận mang tính nhân dân
Nhấn mạnh hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam là giám sát mang tính nhân dân, hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của Nhà nước, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Tính nhân dân thể hiện ở chỗ việc giám sát xuất phát từ yêu cầu của nhân dân mà MTTQ Việt Nam tiếp nhận được; đặc biệt khi nhân dân cảm nhận việc giám sát, kiểm tra do Nhà nước thực hiện chưa đem lại hiệu quả mong muốn. Giám sát của MTTQ Việt Nam hướng đến vụ việc cử tri, nhân dân bức xúc.
“Mục đích giám sát của mặt trận là xem xét, phát hiện kiến nghị với cơ quan có đủ thẩm quyền để xem xét xử lý theo quy định của luật pháp hoặc biểu dương khen thưởng tập thể cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ quy định của pháp luật”, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam khẳng định.
Khi tiến hành giám hoạt động sát, Mặt trận thống nhất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về yêu cầu giám sát, phương thức giám sát, cách xử lý kết quả giám sát. Mặt trận không có thẩm quyền, chế tài xử lý các đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật mà kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, đối tượng được giám sát phải tuân thủ quyết định của cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết kiến nghị của MTTQ Việt Nam.
Về phản biện của MTTQ Việt Nam có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật chưa rõ, phạm vi đối tượng hẹp vì chỉ phản biện văn bản dự thảo, không phản biện chủ trương chính sách hiện hành, không đầy đủ, đề nghị quy định rõ MTTQ Việt Nam phản biện lĩnh vực nào…
Liên quan nội dung trên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng giá trị và ý nghĩa về phản biện xã hội của MTTQ chính là sự thực hiện ý chí, nguyện vọng, trí tuệ và trách nhiệm của nhân dân đối với quá trình dự thảo chính sách, pháp luật của cơ quan Nhà nước. Sự tham gia của Mặt trận trong phản biện xã hội nhằm góp phần đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp thực tiễn đối với đời sống xã hội trong hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong các quyết định quan trọng của đất nước, các chương trình dự án, từ đó tăng cường đồng thuận xã hội./.