Có nên giao vai trò chủ trì an ninh biên giới cho Bộ đội biên phòng hay không?
VOV.VN - Chiều 21/10, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.
Trước một số ý kiến lo ngại việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bộ đội biên phòng chồng chéo với lực lượng công an, hải quan, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) khẳng định “đây không phải chồng chéo mà là sự đồng hành trong xử lý”.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Chương (Đoàn TP HCM) cho rằng, khu vực biên giới quốc gia có những quy định riêng, đặc thù riêng khác với an ninh nội địa. Do vậy, trật tự, an ninh biên giới do lực lượng bộ đội biên phòng giữ vai trò chủ trì là đúng.
Dẫn chứng lại thực tiễn tại TP HCM, đại biểu Nguyễn Văn Chương cho biết, qua khảo sát của Đoàn ĐBQH TP HCM, việc phối hợp giữa lực lượng công an và bộ đội biên phòng trên địa bàn thành phố ổn định và đã thành nề nếp. Theo đó là sự phối hợp tốt, quản lý biên giới an toàn, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại tội phạm.
“Nếu có nhiệm vụ nào cần phối hợp với lực lượng công an thì chắc chắn Bộ Quốc phòng cùng Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp sao cho việc thực thi pháp luật của hai lực lượng này không chồng chéo”, ông Chương nói.
Tranh luận lại với số đông ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận về việc có nên giao vai trò chủ trì cho Bộ đội biên phòng hay không, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) cho rằng, Luật Quốc phòng không quy định giao cho Quân đội chủ trì an ninh trật tự khu vực biên giới. Mặt khác, Điều 35 Luật Quản lý biên giới, trong 7 quy định không có quy định nào nêu vai trò chủ trì. Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam tại kỳ họp trước cũng không có từ “chủ trì” mà tới kỳ này, sau khi chỉnh lý với thêm vào. Đại biểu đoàn Bình Dương đề nghị khi đưa vào một chính sách, quy định rất mới là “vai trò chủ trì” thì Quốc hội cần có đánh giá tác động.
Về vị trí, chức năng, quyền hạn của lực lượng Bộ đội biên phòng nhận được sự quan tâm, góp ý của nhiều đại biểu, đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đoàn Đà Nẵng) đồng tình với việc quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ đội biên phòng như dự thảo luật là phù hợp, cần thiết. Đại biểu Võ Thị Như Hoa cũng đề nghị bổ sung thêm một hình thức hợp tác là “Phối hợp, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về biên phòng”.
Đại biểu khẳng định: “Đây là hình thức hợp tác ngày càng phổ biển giữa các nước, vừa nâng cao hiệu quả công tác biên phòng, vừa xây dựng lòng tin, mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, tình trạng tội phạm xuyên quốc gia ngày càng phổ biến và cần sự tăng cường hợp tác giữa các quốc gia”.
Bên cạnh đó, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) đề nghị bổ sung quy định “cấm xúc phạm danh dự nhân phẩm lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng”, để thực tế nếu xảy ra hành vi này sẽ có thể xử lý theo luật định.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã phát biểu làm rõ thêm ý kiến và tranh luận của các đại biểu. Dẫn lại một số văn bản pháp luật hiện hành, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định quy định giao thẩm quyền chủ trì, duy trì an ninh biên giới cho lực lượng bộ đội biên phòng không phải vấn đề mới mà chỉ là thể chế hoá các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kế thừa các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành.
“Mặt khác theo dự thảo luật, bộ đội biên phòng chỉ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vị khu vực biên giới, cửa khẩu, hoàn toàn không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ các lực lượng khác”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.
Qua xin ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền, đa số đều đồng tình với các quy định trong dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã được tiếp thu, chỉnh lý và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này./.