Cơ quan dân cử phải thực quyền
VOV.VN - Số lượng đại biểu chuyên trách là nguyên nhân đầu tiên có tính quyết định hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân
Quy định cơ chế chính quyền đối thoại với dân?
Theo Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum), khi xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần có cơ chế, biện pháp để chính quyền địa phương phải đối thoại, hỏi ý kiến và lắng nghe ý kiến nhân dân về những trường hợp cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Theo đại biểu, thiếu đối thoại sẽ có nguy cơ xã hội trì trệ, gây hậu quả không tốt hoặc làm tổn hại đến tình cảm của người dân. Ở nơi này nơi khác chính quyền còn những việc làm bị nhân dân và xã hội phản đối, phê phán. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, chính quyền xem xét lại mới thấy sự bất hợp lý hoặc chưa đúng.
“Nếu như vấn đề đó được hỏi dân, đối thoại với dân, lắng nghe ý kiến của dân trước lúc triển khai thực hiện chắc chắn đúng hơn, không xảy ra sự phản đối hay người dân không đồng tình”, ông Tô Văn Tám bày tỏ quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) |
Dự thảo luật tại điều 124 có quy định việc Tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân về hoạt động của UBND xã. Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng quy định như vậy là chưa đủ và đề nghị nên bổ sung trách nhiệm chính quyền địa phương phải đối thoại với dân, hỏi ý kiến nhân dân về những việc, vấn đề chắc chắn tác động đến lợi ích sát sườn hoặc tình cảm người dân, những vấn đề liên quan cộng đồng, đời sống chung của xã hội. Đó cũng là thực hiện quyền được biết của người dân.
“Đồng thời cũng cần quy định trách nhiệm sửa chữa sai lầm khi chính quyền có những quyết định không đúng. Người dân sẽ chia sẻ khi chính quyền đưa ra những quyết định không đúng, chưa đúng nhưng biết lắng nghe và sửa chữa. Và cũng sẽ trách cứ, phê phán khi cố chấp và bảo thủ, bao biện trước quyết định không chính xác. Như thế sẽ tổn hại đến uy tín của chính quyền, tình cảm của nhân dân với chính quyền”, đại biểu nói.
Cơ quan dân cử phải thực quyền
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng cho rằng, hiện nay mỗi cử tri có 4 cấp đại diện dân cử từ xã, phường đến Quốc hội đại diện cho mình nhưng xem ra quyền lực của cử tri, đặc biệt các nguyện vọng chính đáng, bức xúc chưa được phản ánh kịp thời, đầy đủ. Tình trạng người dân oan trái đâu đó vẫn còn xảy ra.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) |
Do đó bên cạnh thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu cho rằng cần sớm thông qua Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND với cơ chế người ra ứng cử thật sự dân chủ, chọn được người có Đức - Tài - Tâm - Tầm vào cơ quan dân cử để gần dân, hoạt động thiết thực và hiệu quả. Việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách là một trong những nội dung quan trọng nhất để thực hiện yêu cầu đó.
Số lượng đại biểu chuyên trách là nguyên nhân đầu tiên có tính quyết định hiệu quả hoạt động của HĐND. Thời gian qua đại biểu kiêm nhiệm quá nhiều, nhất là kiêm nhiệm phía chính quyền dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đem lại kết quả như mong đợi.
Theo tinh thần sửa đổi lần này, Luật điều chỉnh theo hướng tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhưng trong dự thảo luật chưa thể hiện được. “Dự luật quy định Trưởng ban HĐND có thể hoạt động chuyên trách. Cứ nói thế này thì đâu lại vào đấy, nói rồi nói mãi, nếu không sửa đổi thì hiệu quả hoạt động của HĐND cũng giới hạn ở hình thức mà thôi” đại biểu bày tỏ.
Đại biểu đề nghị cần quy định tỷ lệ ở ít nhất 30%, 20%, 15% đại biểu chuyên trách ở HĐND tương ứng ở cấp tỉnh, huyện, xã. Hạn chế thấp nhất số lượng đại biểu HĐND đồng thời là lãnh đạo, cán bộ, công chức thuộc cơ quan chuyên môn UBND; tăng cường số đại biểu từ khối Đảng, các tổ chức đoàn thể xã hội.
Để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực theo đúng nghĩa, tức là có quyền quyết định thực chất thì đòi hỏi thẩm quyền quyết định về KT-XH, an ninh quốc phòng không những quy định ở luật này mà cần quy định ở nhiều luật chuyên ngành khác như về ngân sách, đầu tư, xây dựng cơ bản…; Nghị quyết của HĐND có hiệu lực áp dụng trực tiếp./.