Cố ý dự báo thời tiết sai, gây hậu quả sẽ bị xử lý hình sự

VOV.VN - Tổ chức, cá nhân dự báo sai trong trường hợp cố ý, có dấu hiệu cấu thành tội phạm bị xem xét, xử lý theo pháp luật hình sự.

Dự án Luật Khí tượng thủy văn vừa được trình Quốc hội chiều 10/6. Về trách nhiệm dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội- cơ quan thẩm tra dự án luật, ông Phan Xuân Dũng cho biếtmột số ý kiến cho rằng, thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Thông tin không chính xác về các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm có thể gây thiệt hại lớn đến KT-XH. 

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung điều, khoản quy định về trách nhiệm dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong trường hợp thông tin dự báo, cảnh báo không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng

Cơ quan Chủ trì soạn thảo dự án Luật cho rằng, những sai sót trong dự báo khí tượng thủy văn có thể xảy ra và có thể khái quát thuộc một trong hai trường hợp: hạn chế về trình độ khoa học công nghệ dự báo (khách quan) hoặc do không tuân thủ quy trình kỹ thuật (chủ quan).

Đến năm 2020, Việt Nam chưa thể dự báo chính xác 100%

Báo cáo tiếp thu giải trình cho rằng, các quá trình xảy ra trong khí quyển hết sức phức tạp. Để dự báo chính xác các hiện tượng khí tượng thủy văn trước hết cần có mạng lưới quan trắc đủ dày để theo dõi và sau đó mới đến các phương pháp và công nghệ để dự báo.

Tuy nhiên, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn thường rất thưa. Các hiện tượng khí tượng thủy văn có thể có quy mô vài kilomet hoặc nhỏ hơn (như mưa, tố, lốc...) nhưng các trạm khí tượng thủy văn chỉ có thể bố trí cách xa nhau hàng chục kilomet hoặc thưa hơn.

Chẳng hạn để dự báo bão, trên vùng biển rộng hàng triệu km2, chúng ta chỉ có vài trạm ở các đảo ngoài khơi và vài chục trạm ở ven bờ và các đảo ven bờ. Mặt khác, dù có mạng lưới quan trắc dày đặc, công nghệ hiện nay cũng không thể dự báo chính xác được sự tiến triển của các hiện tượng khí tượng thủy văn vì không có quy luật chính xác cho các hiện tượng này.

Mặc dù có những khó khăn về nguyên lý như trên, sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay về quan trắc (vệ tinh, ra đa thời tiết, trạm thời tiết tự động) và dự báo (mô hình số) đã cho phép nâng cao chất lượng dự báo. Tuy nhiên, dù áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, sai sót dự báo vẫn có thể xảy ra.

Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng chỉ xác định mục tiêu cụ thể là bảo đảm dự báo thời tiết hàng ngày đạt độ chính xác 80 - 85%; dự báo, cảnh báo lũ chính xác 80 - 85%... Điều đó có nghĩa, đến năm 2020, Việt Nam cũng chưa thể dự báo chính xác 100%.

Mặc dù vậy, khoa học - công nghệ đã cho phép nâng cao chất lượng dự báo và nếu sai số nằm trong phạm vi biết trước nào đó sẽ khó gây ra thiệt hại nghiêm trọng. 

Chẳng hạn, dự báo tâm đổ bộ của bão trên thế giới hiện nay có sai số trung bình lên tới trên 100km. Trường hợp dự báo lệch với thực tế trong phạm vi sai số trung bình này sẽ khó gây thiệt hại nghiêm trọng nếu công tác phòng chống đã tính đến sai số này và tuân thủ các quy định trong quá trình phòng chống. Như vậy, dự báo lệch với thực tế trong phạm vi sai số trung bình đã được coi là dự báo đủ tin cậy.

Dự báo sai sẽ bị xử lý

Báo cáo giải trình cho biết, bên cạnh những trường hợp bản tin dự báo, cảnh báo có sai số do nguyên nhân khách quan, cũng có trường hợp bản tin có sai số do những nguyên nhân chủ quan của người làm dự báo.

Trong các trường hợp này, dự thảo Luật đã quy định hành vi bị cấm tại khoản 8, Điều 6 là “Vi phạm các quy chuẩn kỹ thuật, quy định trong hoạt động quan trắc, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn”.

Với việc áp dụng các công nghệ mới trong dự báo, hoàn toàn có thể tách bạch và phát hiện được sai sót nào là do hạn chế về khoa học (khách quan) và sai sót nào là do thiếu tinh thần trách nhiệm (chủ quan) gây ra.

Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật sẽ chỉnh lý, bổ sung, làm rõ thêm theo hướng, đối với các trường hợp người thực hiện dự báo sai là cán bộ, công chức, viên chức do không tuân thủ quy trình nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm... ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn thì còn bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và pháp luật có liên quan.

Đối với tổ chức, cá nhân dự báo sai thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn, trường hợp cố ý, có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì còn bị xem xét, xử lý theo pháp luật hình sự.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng bổ sung thêm quy định với cơ quan dự báo phải thường xuyên xây dựng, cập nhật quy trình, quy chế dự báo, tăng cường kiểm tra giám sát việc tuân thủ quy trình quy chế dự báo của dự báo viên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dự báo khí tượng sai thì trách nhiệm thế nào?
Dự báo khí tượng sai thì trách nhiệm thế nào?

VOV.VN -Dự thảo Luật Khí tượng thủy văn đề cập cụ thể trách nhiệm thực hiện nhưng chưa rõ trách nhiệm nếu dự báo sai.

Dự báo khí tượng sai thì trách nhiệm thế nào?

Dự báo khí tượng sai thì trách nhiệm thế nào?

VOV.VN -Dự thảo Luật Khí tượng thủy văn đề cập cụ thể trách nhiệm thực hiện nhưng chưa rõ trách nhiệm nếu dự báo sai.

Luật hóa việc tác động vào thời tiết trên lãnh thổ Việt Nam
Luật hóa việc tác động vào thời tiết trên lãnh thổ Việt Nam

VOV.VN - Trong lịch sử đã có trường hợp sử dụng việc tác động vào thời tiết nhằm cản trở các hoạt động quân sự của đối phương.

Luật hóa việc tác động vào thời tiết trên lãnh thổ Việt Nam

Luật hóa việc tác động vào thời tiết trên lãnh thổ Việt Nam

VOV.VN - Trong lịch sử đã có trường hợp sử dụng việc tác động vào thời tiết nhằm cản trở các hoạt động quân sự của đối phương.