Đa số đại biểu Quốc hội tán thành hình thành Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh
VOV.VN - Chiều 30/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Trước đó, thảo luận về giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục giao nhiệm vụ và đặt hàng sản xuất quốc phòng, an ninh;
Tách bạch việc đặt hàng sản xuất quốc phòng và đặt hàng sản xuất an ninh để có cơ chế đặc thù cho phù hợp. Ý kiến khác đề nghị cân nhắc bỏ quy định này vì đã được quy định tại khoản 3 Điều 57 Luật Đấu thầu.
Báo cáo về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ: Hiện nay, Luật Đấu thầu và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP đã quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; tuy nhiên các văn bản này không áp dụng đối với lĩnh vực sản xuất quốc phòng, an ninh.
Mặt khác, sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh không phải là sản phẩm, dịch vụ công mà là sản phẩm đặc thù, nhất là các sản phẩm như vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ. Trên thực tế, Chính phủ đang giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh.
“Để bảo đảm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, hằng năm, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt sản xuất các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ từ các nguồn ngân sách, trong đó có nhiều nhiệm vụ cấp bách, sản phẩm mới, đặc thù, chưa xác định đủ yếu tố lập dự toán; đồng thời, phương thức đặt hàng, đấu thầu còn áp dụng để sản xuất các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư và các lực lượng thực thi pháp luật khác”, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu rõ.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu, để quy định cụ thể hơn về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tách Điều 12 và Điều 13 dự thảo luật Chính phủ trình thành 3 điều, quy định cụ thể các trường hợp giao nhiệm vụ, các trường hợp đặt hàng để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Đối với hoạt động đấu thầu, dự thảo luật dẫn chiếu quy định của Luật Đấu thầu với hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Đa số tán thành hình thành Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh
Một nội dung khác cũng nhận được sự quan tâm của đại biểu trong quá trình thảo luận là về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Nhiều ý kiến đề nghị hình thành Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh để tập trung huy động nguồn lực, có cơ chế linh hoạt, chủ động cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, chiến lược, rủi ro cao, đồng thời quy định bảo đảm chặt chẽ, khả thi. Ngược lại, cũng có ý kiến khác đề nghị không quy định về quỹ này để phù hợp với chủ trương hạn chế hình thành các quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết: Trên cơ sở ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ sáu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến 2 phương án: Phương án 1 là xây dựng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh; Phương án 2, không quy định về quỹ này.
Sau khi xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đoàn đại biểu, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có liên quan, đa số ý kiến tán thành quy định về xây dựng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là giải pháp, cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, có tính rủi ro cao.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đều có các quỹ tài chính phục vụ cho lĩnh vực này”, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nói.
Để bảo đảm tránh chồng lấn nhiệm vụ chi, tại khoản 1 Điều 22 đã quy định Quỹ hình thành Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh chỉ nhằm mục đích hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt, có tính mới, rủi ro cao. Đây là những nhiệm vụ mà ngân sách nhà nước chưa kịp bố trí hoặc bố trí nhưng chưa đủ.
Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, quy định cụ thể nội dung về mục đích của quỹ, nguồn hình thành, nguyên tắc hoạt động của quỹ và giao Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hình thành Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh như Điều 22 dự thảo luật.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về “Tổ hợp công nghiệp quốc phòng” để thể chế đầy đủ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; rà soát bổ sung cơ chế quản lý phù hợp để tạo hiệu quả hoạt động liên kết, hợp tác của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng; ý kiến khác đề nghị thực hiện thí điểm mô hình Tổ hợp công nghiệp quốc phòng trước khi quy định trong luật.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết: Sau khi thảo luận, xin ý kiến các cơ quan có liên quan, đa số ý kiến tán thành quy định về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng để làm nòng cốt cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng. Quy định này bảo đảm đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, bảo đảm thận trọng, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng 4 điều quy định về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng tại Mục 7 Chương II dự thảo luật, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, thuận lợi trong tổ chức thực hiện.