Đại biểu Dương Trung Quốc: “Phải chuẩn bị tâm thế không trúng cử”
VOV.VN - Đã tham gia ứng cử ĐBQH thì ai cũng có ý chí, quyết tâm thành công, nhưng phải chuẩn bị tâm thế không trúng tức là xã hội đòi hỏi cao hơn.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chia sẻ như vậy với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 28/3.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trả lời báo chí ngày 28/3 |
PV: Ông có thể chia sẻ cảm xúc lần thứ 4 ứng cử đại biểu Quốc hội?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Cảm xúc các lần có khác vì khung cảnh ngày xưa khác giờ; hoạt động Quốc hội cũng khác hiện nay. Nhưng giờ xã hội và nhận thức cử tri thay đổi.
Trải qua Quốc hội nhiều nên có nhiều trải nghiệm hơn. Tôi nghĩ điều quan trọng, trước đòi hỏi của sự phát triển, dù anh làm ĐBQH hay không, làm nhiệm kỳ thứ mấy đi chăng nữa thì cũng phải đáp ứng được chính những cử tri đang sống với anh, mà anh là người đại diện.
Đã tham gia ứng cử ĐBQH ai cũng có ý chí, quyết tâm thành công, nhưng cũng phải chuẩn bị tâm thế không trúng tức là xã hội đòi hỏi cao hơn, nhiều người có năng lực tốt hơn, được tín nhiệm hơn.
Điều này chỉ có thực sự khi có 2 yếu tố là thực thi bầu cử đúng luật, minh bạch; nhưng quan trọng hơn cử tri phải thực sự tham gia. Còn một bộ phận thờ ơ, uỷ nhiệm, vô can thì chính người cử tri đó đã bỏ qua cơ hội chọn được người xứng đáng.
PV: Kinh nghiệm từ 3 nhiệm kỳ trước giúp gì ông trong việc vận động bầu cử?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Nói cách khác là mình phải tự thay đổi để theo kịp sự thay đổi đó. Có thể với những người mới tham gia lần đầu thì nhiều bỡ ngỡ nhưng chính vì thế cố gắng tạo môi trường bình đẳng cho họ, thậm chí hỗ trợ họ.
Như địa bàn chúng tôi tranh cử, mỗi người có thời gian thời lượng như nhau trên phương tiện thông tin đại chúng địa phương, nhưng ngay bản thân tôi rất ngại tham gia vì e có người cho rằng mình khai thác ưu thế vốn có của mình bằng hình ảnh trên truyền thông. Cái này phải bù đắp cho người mới, người không có cơ hội. Đó cũng là cơ hội để người dân biết tới những ứng viên mới, nhân tố mới.
Lấy ví dụ như quy định như chính cá nhân tôi cũng không tán thành, đó là 2 ứng viên bằng phiếu nhau thì ưu tiên chọn người cao tuổi. Tôi cho là không nên mà nên ưu tiên người trẻ vì họ có sức trẻ, có hoài bão, có nhiều thời gian, cống hiến tốt hơn, hợp với xu thế phát triển hiện nay.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc có nhiều người trong giới nghệ sĩ ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Đây là điều đáng mừng. Nhiệm kỳ khoá XI tôi tham gia cũng có sự tham gia của giới văn hoá nghệ thuật nhưng hụt hẫng là tới khi bầu họ lại không trúng và cả 2 nhiệm kỳ sau cũng không có.
Ngay cả trong Uỷ ban Văn hoá Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng thì cũng thấy “hẫng” khi bàn tới vấn đề văn hoá thì lại thiếu vắng sự tham gia của các đại biểu lĩnh vực này.
Tất nhiên tính đại diện cũng chỉ mang tính chất tương đối mà quan trọng là năng lực đại biểu ấy trên mọi phương diện chứ không chỉ chuyên môn của mình.
Dẫu sao hình ảnh tiêu biểu, tiếng nói của lĩnh vực quan trọng là cần thiết. Sự xuất hiện là đúng và cần thiết, nhưng cuối cùng là chính con người cụ thể đó có năng lực làm ĐBQH hay không chứ không chỉ đơn thuần là giỏi chuyên môn trong lĩnh vực của mình.
PV: Vâng, xin cảm ơn đại biểu!./.