Đại biểu Quốc hội: Cần thiết nâng độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi

VOV.VN - Tại phiên thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nâng độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi.

Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Một trong những nội dung ghi nhận nhiều ý kiến đại biểu đó là quy định về độ tuổi của thanh niên. Theo đó ngay trong Điều 1 Chương 1 của dự luật quy định: “Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi”.

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, một số ý kiến nhất trí với việc quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 đến 30 tuổi. Trong khoảng thời gian này, Nhà nước sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy thanh niên phát triển (ban hành các chính sách về giáo dục, đào tạo nghề, kỹ năng,...).

Một số ý kiến lại cho rằng nên quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 đến 35 tuổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

“Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thông tin về độ tuổi thanh niên ở một số nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam, đồng thời có báo cáo đánh giá tác động về các chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên để đại biểu Quốc hội có căn cứ quyết định” – ông Phan Thanh Bình cho biết.

Đồng tình với đề nghị nâng tuổi tối đa của thanh niên lên 35 tuổi, đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) cho rằng, cùng với điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cũng ngày càng nâng cao, tính năng động sáng tạo tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ được duy trì dài thêm.

Đại biểu Triệu Thanh Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng. (ảnh: Quochoi.vn)

Thực tế rất nhiều người dù đã qua tuổi thanh niên nhưng suy nghĩ, sự sáng tạo, ý chí, nhiệt huyết trong lao động, học tập vẫn như thanh niên. Mặt khác, Quốc hội vừa thông qua quy định nâng tuổi nghỉ hưu đối với nam tăng thêm 2 tuổi, nữ tăng thêm 5 tuổi. Do đó, việc kéo dài thêm tuổi thanh niên phù hợp với thực tế. 

Theo đại biểu, cùng với xu thế già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm dần, số lượng thanh niên cũng giảm dần, đặc biệt là thanh niên trong khối cán bộ công chức, viên chức đang giảm nhanh trong những năm qua. Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, hạn chế việc tuyển dụng mới nên không có nguồn bổ sung đoàn viên thanh niên cho khối này.

Mặc dù điều lệ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hiện nay quy định, đoàn viên từ 16 đến 30 tuổi, nếu có nguyện vọng tham gia sinh hoạt đoàn đến 35 tuổi, nhưng trên thực tế đa số các cơ sở đoàn trong khối Đảng, đoàn thể, cơ quan hành chính nhà nước đều giữ đoàn viên sinh hoạt tới 35 tuổi. Nếu đoàn viên trưởng thành đúng 30 tuổi thì số lượng đoàn viên sẽ rất ít, thậm chí không đủ điều kiện để thành lập chi đoàn, phải sinh hoạt ghép với các cơ quan, tổ chức khác, từ đó tác động không nhỏ đến chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn.

Dẫn chứng nhiều quốc gia trên thế giới cũng quy định độ tuổi thanh niên tối đa từ 35- 40 tuổi, như Singapore thanh niên từ 15- 35 tuổi, Ấn Độ là từ 10-35 tuổi, Brunei từ 15 - 40 tuổi, đại biểu đoàn Cao Bằng đề nghị “Quốc hội xem xét nâng độ tuổi tối đa của thanh niên lên 35 tuổi”.

Cần thiết tăng độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi

Cùng chung ý kiến, đại biểu Mai Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Trị) cho rằng, cần thiết phải tăng độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi. Bởi tuổi thọ bình quân hiện nay của nước ta tăng, sức khỏe, thể chất của người Việt Nam đã cải thiện tốt hơn nhiều so với trước, đồng thời tập hợp đông đảo hơn nữa lực lượng thanh niên phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

“Từ thực tiễn đang công tác tại đoàn thanh niên, tôi thấy nếu quy định độ tuổi thanh niên tối đa 30 tuổi thì các cơ sở đoàn khu vực hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có rất ít đoàn viên, khó hoạt động. Bởi xu thế hiện nay, sinh viên ra trường thường tiếp tục học thêm hoặc tham gia trải nghiệm ở các lĩnh vực kinh tế ngoài Nhà nước, sau đó mới thi tuyển vào cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập” - đại biểu đoàn Quảng Trị nói và đề nghị tăng độ tuổi thanh niên lên đến 35 tuổi.

Giải trình thêm ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Luật Thanh niên năm 2015 quy định độ tuổi thanh niên từ 16-30 và trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện Luật chưa thấy phát sinh vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi về độ tuổi thanh niên.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, độ tuổi thanh niên trung bình là từ 15 - 30 tuổi, như Hàn Quốc từ 19 đến dưới 24 tuổi, Thái Lan từ 18-25, Indonesia từ 16-30 tuổi....

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nội vụ, quy định về độ tuổi như trong dự thảo là nhằm đảm bảo tốt các chính sách để thúc đẩy sự phát triển của thanh niên và quy định độ tuổi như vậy cũng không ảnh hưởng đến độ tuổi của những người tham gia các tổ chức đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên.

Tuy nhiên, ông Tân khẳng định do vấn đề này có nhiều ý kiến đề xuất khác nhau nên Ban soạn thảo sẽ ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu, quy định cho phù hợp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

92,34% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật Thư viện
92,34% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật Thư viện

VOV.VN - Chiều 21/11, Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật Thư viện, với tỷ lệ 92,34% đại biểu tán thành.

92,34% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật Thư viện

92,34% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật Thư viện

VOV.VN - Chiều 21/11, Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật Thư viện, với tỷ lệ 92,34% đại biểu tán thành.

UBTVQH thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính 8 tỉnh
UBTVQH thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính 8 tỉnh

VOV.VN - Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 8 tỉnh.

UBTVQH thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính 8 tỉnh

UBTVQH thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính 8 tỉnh

VOV.VN - Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 8 tỉnh.

“Khó khăn trong giải quyết án tham nhũng thường do khâu giám định“
“Khó khăn trong giải quyết án tham nhũng thường do khâu giám định“

VOV.VN -Theo PCT Quốc hội Uông Chu Lưu, lâu nay khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án kinh tế, nhất là án tham nhũng, thường ở khâu giám định.

“Khó khăn trong giải quyết án tham nhũng thường do khâu giám định“

“Khó khăn trong giải quyết án tham nhũng thường do khâu giám định“

VOV.VN -Theo PCT Quốc hội Uông Chu Lưu, lâu nay khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án kinh tế, nhất là án tham nhũng, thường ở khâu giám định.