Đại biểu Quốc hội “hứa suông”, cử tri sẽ mất lòng tin

VOV.VN - “Không hứa suông” là yêu cầu đầu tiên cử tri đòi hỏi người đại biểu dân cử phải thực hiện.

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ khóa 2016-2021, trong các Hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú để lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân; trong các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, vận động bầu cử, người ứng cử đại biểu thường đưa ra những cam kết bằng chương trình hành động của mình với tư cách người đại biểu nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Nếu trúng cử, họ sẽ có điều kiện thực hiện lời hứa trước cử tri cả nước. Tuy nhiên không ít “lời nói gió bay” đã làm mất lòng tin của cử tri.

Từ thực tế các buổi tiếp xúc cử tri cho thấy, việc được gặp gỡ và đề đạt nguyện vọng với những người có trách nhiệm xem xét giải quyết vấn đề của cộng đồng xã hội, của gia đình và cá nhân là mong muốn của mỗi cử tri. Nhiều nơi, cử tri đến chật sân đình, nhà văn hoá, trụ sở của địa phương… Cử tri đến, mang theo niềm tin vào người mà họ bầu ra làm đại diện cho mình nên họ rất nhớ những gì mà người đại biểu nói và hứa.

Một buổi tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội khóa XIII (Ảnh minh họa)

Có nơi, cuộc tiếp xúc kéo dài cả ngày, cả buổi và một số đại biểu rất có trách nhiệm với việc trả lời, hứa hẹn. Nhưng cũng có nhiều nơi tiếp xúc cử tri mang nặng hình thức, đơn điệu, không chất lượng, việc trả lời và hứa của đại biểu chỉ miễn sao cho xong, thậm chí là vô cảm, thiếu trách nhiệm, chỉ đáng ghi thành tích về số lần mà thôi.

Ông Nguyễn Văn Cường, cử tri huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đánh giá: “Tôi là cử tri đi họp nhiều lần tôi thấy các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong các buổi tiếp xúc cử tri hứa hẹn rất nhiều, nhưng may ra chỉ thực hiện lời hứa được khoảng 10 đến 15% thôi chứ họ không giữ đúng lời hứa của mình. Một số đại biểu thì phải cuối nhiệm kỳ mới dám nói lên các vấn đề mà cử tri bức xúc. Tại sao khi làm đại biểu kiêm nhiệm có quyền, có chức lại không giải quyết vấn đề cho dân? Vì vậy, tôi mong rằng cuộc bầu cử sắp tới làm sao có được các đại biểu nói phải làm, hứa là làm chứ không để đấy. Lúc vận động bầu cử thì đưa ra chương trình hành động rất hay. Đã là người đại biểu thì hãy làm tròn nhiệm vụ với cử tri, hãy gần gũi lắng nghe và tìm cách giải quyết các vấn đề người dân đang gặp phải khó khăn”.

“Hứa suông” cũng lý giải vì sao trong báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm của Quốc hội vẫn còn tồn đọng chưa được giải quyết, trở thành “món nợ” đối với cử tri khi tiếp tục chuyển sang Quốc hội khoá XIV sắp tới. Có thể kể ra hàng loạt vấn đề bức xúc mà cử tri kiến nghị nhưng không mấy đạt kết quả như tình trạng tham nhũng, lãng phí đất đai, tài sản công,  hàng nhập lậu, hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường…

Nhìn chung, có bao nhiêu vấn đề xã hội đặt ra thì thường có bấy nhiêu cam kết và lời hứa, nhưng sự việc vẫn chỉ “dậm chân tại chỗ”. Vẫn biết để lời hứa thành hiện thực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần có sự giúp đỡ, tạo điều kiện, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan nhưng trách nhiệm trước hết vẫn thuộc về người hứa. Tôn trọng lời hứa của chính mình, thấu hiểu cử tri và thực hiện với cái tâm trong sáng vì dân, vì nước mới có được lòng tin của cử tri.

Ông Trần Thanh Kỷ, cử tri thành phố Hồ Chí Minh mong muốn: “Về cuộc bầu cử sắp tới, có những người nào vì dân vì, nước là làm thế nào để người dân tin chứ không phải chỉ nói ra thế nào. Chẳng hạn như  tôi còn nhớ trước đây, đồng chí Nguyễn Văn Linh nói rằng lên làm Tổng Bí thư thì không đi chuyên cơ nữa, nghĩa là đi công tác ở đâu là xách vali lên máy bay chứ không đi chuyên cơ riêng. Đó, những người như thế thì dân mới tin mới bầu. Làm sao mà chúng ta có được những con người như thế thì mới có hiệu quả chứ bây giờ cứ nói chung chung, chỉ kêu gọi thì không ăn thua”.

“Không hứa suông” là yêu cầu đầu tiên cử tri đòi hỏi người đại biểu dân cử phải thực hiện. Cử tri vẫn nhắc lại câu chuyện trên diễn đàn Quốc hội khoá IX, cố đại biểu Đàm Văn Nguỵ đã đề nghị đổi họ cho một số Đại biểu Quốc hội nắm giữ những trọng trách trong bộ máy Nhà nước sang họ “Hứa” bởi các vị này hứa nhiều nhưng làm thì ít. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 sắp tới, cử tri mong rằng, các vị đại biểu hiểu rõ trách nhiệm của mình và khi được nhân dân tin tưởng bầu ra sẽ không làm cử tri thất vọng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên