Đại biểu Quốc hội: Nông lâm trường đóng góp không bằng 1 nhà máy
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội: “Chúng tôi thật sự nghi ngờ con số đóng góp của các nông trường. Tại sao lại ít thế này?".
Thảo luận về Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014, sáng 22/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả công việc của đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ quan trọng, nặng nề liên quan vấn đề được Đảng, Nhà nước và Nhân dân quan tâm. Báo cáo đã đưa ra được bức tranh tổng thể về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh trong 10 năm qua.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh, kể từ khi ra đời vào năm 1955, trong 60 năm qua, nông - lâm trường có vai trò lịch sử rất quan trọng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của miền núi và trung du, góp phần thay đổi đời sống, tập quán làm ăn, cách nghĩ cách làm kinh tế ở miền núi cũng như sự chuyển dân. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua bộc lộ rõ những hạn chế, yếu kém, bất cập gây lãng phí đất đai, tài nguyên, gây bức xúc trong nhân dân.
Hiệu quả sử dụng đất, đóng góp nguồn rất thấp
Báo cáo Kết quả giám sát cho biết, các nông, lâm trường hiện nay được nhà nước giao quản lý với diện tích đất đai khá lớn (hơn 7,9 triệu ha, trong đó có hơn 2,4 triệu ha rừng sản xuất; 638.985 ha đất sản xuất nông nghiệp và 236.619ha đất chưa sử dụng), song sử dụng đất kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn khá phổ biến.
Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc |
Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng cho biết, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các nông lâm trường chưa cao, năng suất, sản lượng trồng trọt đạt thấp, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực (tổng nộp ngân sách nhà nước của các nông, lâm trường trong 10 năm, từ năm 2004-2014 chỉ được 1.809 tỷ đồng).
Phần lớn các nông, lâm trường chưa chuyển sang hình thức thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, do đó cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai heo quy định.
Các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên còn để tình trạng rừng bị chặt phá, ngày càng nghèo kiệt (điển hình là ở các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung); vẫn còn tình trạng để đất hoang hoá chưa sử dụng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, 10 năm trờ lại đây, xa hơn là từ khi có Luật Đất đai năm 1987, sự chuyển đổi quản lý của các nông, lâm trường liên quan đến đất đai đuối dần và không bắt kịp, bộc lộ yếu kém.
Về đóng góp nguồn thu của các nông lâm trường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách cho rằng số liệu do đoàn giám sát nêu là đáng lo ngại. Bởi quản lý diện tích mấy triệu ha đất đai mà trong 10 năm nộp tất cả loại thuế cho nhà nước chỉ hơn 1.800 tỷ đồng, tức mỗi năm 180 tỷ đồng, không bằng một nhà máy.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước - Trưởng đoàn giám sát cho biết cũng nghi ngờ con số trong báo cáo nhưng không có cơ sở để bác bỏ, vì số liệu là các bộ với các tỉnh cung cấp.
“Chúng tôi thật sự nghi ngờ con số đóng góp của các nông trường. Tôi nói thí dụ như Gia Lai, Đắk Lắk chủ yếu là các doanh nghiệp nông lâm nghiệp cung cấp thôi, chứ công nghiệp thì có bao nhiêu đâu. Tại sao lại ít thế này? Tôi cũng đang đặt ra câu hỏi không biết con số này nó thế nào. Con số này chúng ta cần phải kiểm tra lại”, ông Ksor Phước nói.
Mất đất, lãng phí tài nguyên rất nhiều
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng thống nhất về đánh giá vai trò lịch sử của các nông lâm trường, nhưng cho rằng những năm qua về cơ bản không quản lý được, làm ăn không hiệu quả, lãng phí rất lớn đất đai, tài nguyên.
“Đoàn giám sát tính kỹ xem, mất đất rất nhiều vì nhiều diện tích thuộc tư nhân, sổ đỏ hết rồi, không còn của chung nữa”, ông Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có thái độ cương quyết trong Nghị quyết, chỗ nào không hiệu quả phải thu hồi để giao lại cho dân quản lý, trồng rừng, sản xuất, góp phần bảo vệ biên giới.
Cũng theo ông Sơn, việc chỉ ra trách nhiệm về những hạn chế, bất cập hiện tại là khó nhưng cần làm rõ trách nhiệm tới đây của các Bộ, ngành và địa phương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai ở các nông, lâm trường.
Chủ nhiệm Uỷ ban TC-NS Phùng Quốc Hiển |
Ông Phùng Quốc Hiển thì cho rằng cần làm rõ khuyết điểm khách quan và chủ quan. Bởi hơn 20 năm mà việc xác định cắm mốc giới, diện tích của phần lớn các nông, lâm trường chưa thực hiện được.
“Anh quản lý một gia đình thì phải biết đất đai của mình đến đâu, đằng này chưa xác định được thì không thể quản lý tốt được. Đây là vấn đề đại biểu quan tâm”, ông Phùng Quốc Hiển bày tỏ.
Cũng theo ông Phùng Quốc Hiển, việc quản lý đất đai không chặt chẽ, bắt đầu có chuyện chia đất, biểu hiện phát canh thu tô nên vai trò của nông lâm trường không còn như xưa. Việc giao đất do sự phối hợp không tốt dẫn đến có chuyện tuỳ tiện, phát sinh tiêu cực.
“Một nguyên nhân là do ta quy hoạch, chỗ nào cũng nói đất của nhà nước, đất của nông lầm trường. Cử tri phản ánh nhiều qua các cuộc tiếp xúc cử tri về việc này. Không làm được mà cứ giữ, không hiệu quả cũng không giao cho dân trồng rừng, khai thác, sản xuất”, ông Hiển cho biết.
“Ở đây cần đánh giá nghiêm túc và nên có nghị quyết thể hiện sự cương quyết thì mới thay đổi và nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, giao đất có hiệu quả và đảm bảo căn cứ pháp lý”, ông Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến đồng thời nhấn mạnh: Chỉ khi nào giao đất, giao rừng có chủ gắn với trách nhiệm thì mới thực hiện được các mục tiêu như phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, chống lãng phí đất đai.
Báo cáo thêm với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, “điểm tắc” hiện nay là công tác đo vẽ bản đồ để tiến hành xác định mốc giới, diện tích, từ đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, Bộ trưởng đề nghị xem xét cấp số tiền hơn 1.000 tỷ để nhanh chóng hoàn thành công tác quan trọng này.
Ông Nguyễn Minh Quang cũng đồng quan điểm cho rằng những nơi quản lý, sử dụng đất đai không hiệu quả tới đây phải cương quyết giải thể, thu hồi đất./.