Đại biểu Quốc hội tin Hiến pháp sửa đổi sẽ được thông qua
VOV.VN -Sáng nay (28/11), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
“Nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân” – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết.
Trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, theo bà Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội, điểm có thể tháo gỡ cho những khó khăn, cải cách trong thời gian tới đối với hệ thống tư pháp thể hiện ở chỗ, đã không ghi là “các tòa án địa phương” mà chỉ ghi là Tòa án Nhân dân Tối cao và “các tòa án”. Qui định như vậy để mở đường cho việc xây dựng tòa án khu vực và đổi mới hệ thống tòa án các cấp theo tinh thần của Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp.
Đối với chính quyền địa phương thì cũng qui định theo hướng mở để sau này Luật tổ chức HĐND, UBND qui định việc tổ chức chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, những đơn vị hành chính đặc biệt có thể làm được thì sẽ làm như thế nào và khu vực hải đảo thì tổ chức chính quyền ra sao.
Hai nội dung lớn này qui định theo hướng mở chứ không “cứng” như trước đây. Trước kia qui định rõ là ở Trung ương, chính quyền thành phố trực thuộc trung ương, huyện và đơn vị hành chính tương đương, xã và đơn vị hành chính tương đương. Sau khi triển khai thì không cải cách gì được, rất khó vì vi hiến.
Thứ hai, trước ghi tòa án tối cao và tòa án địa phương. Trong khi địa phương thì theo đơn vị hành chính, nghĩa là tòa án tối cao, tòa án tỉnh, huyện. Muốn thay đổi hệ thống ấy theo hướng tổ chức tòa không theo đơn vị hành chính lại đụng đến hiến pháp nên không làm được.
Và việc đưa kiểm toán, đưa Hội đồng bầu cử quốc gia vào là định chế độc lập là điều rất có ý nghĩa, chuẩn hóa, pháp lý hóa hội đồng bầu cử. Đó là cái tốt, đáng ghi nhận.
Còn Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) thì chia sẻ: “Tôi tin Hiến pháp sẽ được thông qua với tỷ lệ cao”.
Về băn khoăn của đại biểu Bùi Sỹ Lợi đối với bản Hiến pháp sửa đổi là ở Điều 34 có ghi: “Công dân có quyền được hưởng an sinh xã hội”. Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, nếu chúng ta nói như vậy thì công dân là chỉ có công dân Việt Nam. Bây giờ chúng ta đang mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, WTO... người nước ngoài làm việc ở Việt Nam thì có được hưởng an sinh xã hội không? Cho nên, chuẩn ra thì tôi đề nghị thay từ “công dân Việt Nam” thành “mọi người” để không chỉ công dân của nước Việt Nam mà mọi người làm việc trên lãnh thổ Việt Nam đều được hưởng chính sách an sinh xã hội, đảm bảo sự công bằng.
“Tôi được biết, chính phủ đang chuẩn bị ký một hiệp định song phương về vấn đề bảo hiểm y tế giữa Việt Nam và một số nước, đầu tiên sẽ là CHLB Đức, để người Việt Nam làm việc ở LB Đức và người lao động Đức làm việc ở Việt Nam đều được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, thậm chí là bảo hiểm y tế. Nếu mở được ra như vậy sẽ tốt hơn. Đấy là một điểm về mặt xã hội là tôi thấy còn băn khoăn” – đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho biết: “Tôi nhất trí cao với chủ trương giữ nguyên tên nước, hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội. Khẳng định quyền con người, quyền công dân, khẳng định bản chất và mô hình tổ chức nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta”.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng bày tỏ sự vui mừng khi Ủy ban sửa đổi hiến pháp đã xem xét ý kiến và đã đưa doanh nhân vào bản Hiến pháp (sửa đổi). “Tôi luôn nghĩ bản Hiến pháp không chỉ là khuôn khổ pháp lý nền tảng của một quốc gia mà còn là lời hiệu triệu toàn dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới mà ở đó nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trung tâm và doanh nghiệp, doanh nhân là đội quân xung kích. Vì vậy trong Hiến pháp cùng với sự có mặt của các giai tầng xã hội công nhân, nông dân, trí thức, các cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang thì việc bổ sung thêm doanh nhân 1 trong 5 cánh sao trên lá cờ Tổ quốc vào dự thảo lần này là hoàn toàn hợp lẽ”.
Theo ông Lộc, hiện nay nước ta có hàng triệu doanh nhân đang đứng mũi chịu sào lãnh đạo điều hành gần 500.000 doanh nghiệp, 15.000 hợp tác xã, 4 triệu hộ kinh doanh. Họ đã có những đóng góp quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân đưa đất nước vượt khỏi một nước nghèo để trở thành một nước có thu nhập trung bình, một thành tựu quan trọng bậc nhất của công cuộc đổi mới kinh tế những năm qua. Nhưng do những diễn biến không thuận lợi của kinh tế trong và ngoài nước, đội ngũ doanh nhân đang đứng trước một trong những giai đoạn khó khăn nhất của mình. Trong bối cảnh hiện nay, nếu chỉ tính đến lợi ích của doanh nhân, chỉ tính bài toán lỗ lãi đơn thuần thì sẽ không ít doanh nhân đóng cửa ngừng sản xuất để cắt lỗ, để bảo toàn vốn nhưng phần lớn các doanh nhân đã không làm như vậy, với sự trợ giúp của Chính phủ họ vẫn tiếp tục trụ vững, duy trì doanh nghiệp, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động nộp thuế cho nhà nước và góp phần đảm bảo an sinh cho xã hội, đóng góp vào tăng trưởng. Họ rất cần được cảm thông, chia sẻ, được ghi nhận, được tôn vinh.
“Việc hiến định doanh nhân trong Hiến pháp sẽ góp phần xác nhận chắc chắn vị trí của doanh nhân trong lòng dân tộc, sẽ tạo niền tin và điểm tựa cho họ trong những nỗ lực trụ vững để vươn lên trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thương trường, góp phần và sự nghiệp chấn hưng đất nước, xóa nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu. Đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu” – ông Lộc nói./.