Đại biểu Quốc hội: “Xảy ra án oan, sai, chúng tôi thấy rất đau“
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình: Một trường hợp oan, sai xảy ra, đối với người làm công tác bảo vệ
pháp luật như chúng tôi cảm thấy rất đau và rút ra bài học sâu sắc.
pháp luật như chúng tôi cảm thấy rất đau và rút ra bài học sâu sắc.
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình - Chánh án TAND tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chia sẻ điều này khi trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN.
PV: Qua báo cáo giám sát tình hình oan, sai vừa được trình trước Quốc hội, đại biểu suy nghĩ gì về những số liệu đó?
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình: Báo cáo là sự cố gắng của cơ quan giám sát. Số liệu trong báo cáo ngoài việc do đoàn đi trực tiếp thu thập còn tổng hợp báo cáo từ các địa phương.
Tôi cũng tham gia đoàn giám sát ở địa phương và thấy rằng việc tổng hợp số liệu giữa các cơ quan tư pháp rất đầy đủ, chi tiết.
Đặc biệt là số liệu về hình sự có độ tin cậy, vì kỷ luật báo cáo rất chặt chẽ. Các cơ quan có quy chế phối hợp và hàng tháng đối chiếu số liệu, lãnh đạo đều phải ký để chịu trách nhiệm về số liệu đó.
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình - Chánh án TAND tỉnh Bến Tre |
PV: Số lượng án oan, sai thấp, nhưng rõ ràng hình ảnh cơ quan tố tụng và niềm tin của người dân cũng bị ảnh hưởng, thưa bà?
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình: Là đại biểu của người dân nhưng tôi cũng làm công tác xét xử trong cơ quan tố tụng. Việc quyết định một người có tội hay không vô cùng quan trọng.
So với tỷ lệ án chung thì tỷ lệ oan, sai không lớn, nhưng dù có một vụ xảy ra thì nó rơi vào số phận của một con người.
Trong công việc này về nguyên tắc là không được oan, sai. Vì có oan, sai thì có bất công, liên quan đến quyền con người.
Một trường hợp oan, sai xảy ra, đối với người làm công tác bảo vệ pháp luật như chúng tôi cảm thấy rất đau và rút ra bài học sâu sắc.
PV: Thực tế công tác bồi thường oan, sai còn chậm, có vụ hàng chục năm. Là người công tác ở tòa án, đại biểu có thể lý giải nguyên nhân vì sao?
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình: Nguyên tắc khi đã kết luận rõ ràng là oan thì việc giải quyết bồi thường phải rất nhanh chóng, để bù đắp phần nào sự thiệt thòi, tổn thất cho người bị oan.
Tuy nhiên, khi giải quyết bồi thường phải theo thủ tục. Nếu thương lượng được thì còn tương đối nhanh, còn không sẽ thành vụ án dân sự về giải quyết bồi thường oan, sai. Khi đó thì phải đi theo trình tự tố tụng dân sự. Thành ra thời gian vừa qua có một số trường hợp người trong cuộc còn phiền về chuyện chậm trễ về bồi thường oan, sai.
Song nguyên tắc có thiệt hại thì phải chứng minh từ nguyên nhân dẫn đến hậu quả, từng khoản một phải làm rõ mới quyết định mức bồi thường được.
Chúng tôi thấy với thủ tục này vẫn còn tương đối chậm. Tuy nhiên, cái nào cũng có hai mặt. Việc bồi thường nhanh chóng là rất cần thiết nhưng phải thỏa đáng, phù hợp và pháp luật cho phép để chi tiền từ ngân sách.
PV: Nguyên tắc bồi thường là sai ở khâu nào thì nơi đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng lâu nay người ta cứ nghĩ đã án oan là do tòa kết án?
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình: Cơ quan nào làm sai thì cơ quan đó phải bồi thường là nguyên tắc của bồi thường oan, sai. Trong hoạt động tố tụng, cái sai của cơ quan trước mà cơ quan sau không phát hiện thì phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm của anh là khi áp dụng pháp luật mà không phát hiện cái sai.
Cái sai của cơ quan điều tra nhưng khi chuyển hồ sơ cho VKS mà VKS không phát hiện ra, đồng thuận để truy tố ra tòa. Khi tòa án tin tưởng vào tất cả số liệu, hồ sơ, chứng cứ do cơ quan điều tra chuyển qua đã được cơ quan công tố xem xét để rồi nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ không chặt thì khi xét xử cũng có thể dẫn đến oan sai.
Sai ở giai đoạn nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm nhưng trên thực tế nó là chuỗi sai của cơ quan tố tụng. Chính vì thế đòi hỏi người làm công tác bảo vệ pháp luật, không riêng gì tòa án mà từ cơ quan điều tra đến cơ quan truy tố và xét xử lúc nào cũng phải đề cao trách nhiệm trong nghiệp vụ là nghiên cứu hồ sơ, chứng cứ, tiến hành tố tụng phải tuân thủ pháp luật và buộc trách nhiệm phải thực hiện để đảm bảo hạn chế thấp nhất oan, sai.
Có trường hợp cả hệ thống cơ quan tố tụng làm việc tốt, đúng theo pháp luật, nhưng chỉ vì kết quả giám định không chính xác thì có thể dẫn đến thay đổi bản chất vụ án, có thể dẫn đến oan, sai. Như thế công tác bổ trợ tư pháp cũng phải cần đầu tư.
PV: Bà đánh giá như thế nào khi nhiều vụ oan, sai xảy ra ngay ở khâu điều tra?
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình: Trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải chứng minh tội phạm, phải dùng các biện pháp nghiệp vụ. Thực tế có đối tượng rất tinh vi, có nhiều thủ đoạn và ý chí của người phạm tội bao giờ cũng chối tội.
Có trường hợp không phạm tội nên chối nhưng có trường hợp dùng mọi thủ đoạn hòng thoát tội. Người làm công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn, nếu thiếu kỹ năng, kinh nghiệm, nóng vội thì cũng dễ sa vào việc bức cung, nhục hình.
Thực tế có trường hợp không phạm tội nhưng nhận tội thay vì một mục đích nào đó. Có khi hai amh em nhưng người anh tinh thần không bình thường, còn người em sáng suốt nên em phạm tội nhưng anh nhận tội và nếu đi giám định thì anh có thể thoát trách nhiệm hình sự.
Trên thực tế làm án thì muôn hình vạn trạng. Không phải cứ có bức cung, nhục hình mới dẫn đến oan, sai. Do đó, nói về hoạt động điều tra cũng phải chia sẻ điều đó với anh em làm công tác nghiệp vụ.
PV: Theo bà, các dự luật tư pháp vừa trình Quốc hội đã có tính đột phá để khắc phục hạn chế, vướng mắc lâu nay, góp phần hạn chế oan, sai hay chưa?
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình: Tôi đánh giá cao sự cố gắng của các cơ quan soạn thảo, nhưng tôi cho rằng trong điều kiện xã hội hiện nay, để vừa đáp ứng yêu cầu của đấu tranh phòng chống tội phạm, lại vừa đảm bảo tránh oan, sai thì Quốc hội cũng như các cơ quan có liên quan phải đầu tư để hoàn thiện thêm dự thảo Bộ luật Hình sự cũng như Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi.
PV: Xin cảm ơn bà./.